Áp lực lạm phát và khó khăn trong huy động vốn gây sức ép lớn đến mục tiêu giảm mặt bằng lãi suất huy động và cho vay VND trên thị trường. Trong bối cảnh ấy, nhóm vay tiêu dùng chịu nhiều "thiệt thòi" nhất với mặt bằng lãi vay cao nhất trên thị trường và gần như đóng băng suốt một thời gian dài.

Nhóm thiệt thòi?

Sau hơn ba tháng, mặt bằng lãi suất huy động và cho vay VND của các tổ chức tín dụng đối với khách hàng chỉ chứng kiến mức giảm khiêm tốn so với mục tiêu cũng như mong đợi. Với nhiều biến động ở một số ngân hàng, mặt bằng lãi suất huy động VND sau ba tháng hiện đang dao động ở mức 10,59-11,2%/năm và chỉ giảm khoảng 0,2-0,3%/năm so với thời điểm cuối tháng 6.2010.

Không có nhiều điều chỉnh đáng chú ý, mặt bằng lãi suất cho vay VND chỉ có được những điều chỉnh giảm đáng kể ở nhóm khách hàng thuộc các lĩnh vực sản xuất nông nghiệp và nông thôn, xuất khẩu, DN nhỏ và vừa. Ở nhóm khách hàng này, mức lãi suất phổ biến hiện dừng ở mức 12-12,5%/năm đối với nhóm NHTM quốc doanh và 12,5-13,5%/năm đối với nhóm NHTM cổ phần. Các nhu cầu vay vốn đầu tư sản xuất - kinh doanh khác nằm ngoài các lĩnh vực trên hiện vẫn phải vay vốn với lãi suất 13-15,5%/năm.

Song không được “may mắn” như nhóm khách hàng đầu tư sản xuất – kinh doanh, nhóm khách hàng vay vốn tiêu dùng hiện vẫn đang phải chịu lãi suất cao nhất trên thị trường và thậm chí ở nhiều ngân hàng, các mức lãi suất này không hề được điều chỉnh giảm trong ít nhất 4 tháng qua. Sau một thời gian dài thực hiện các biện pháp kêu gọi nhằm giảm lãi suất cho vay VND trên thị trường, lãi suất cho vay tiêu dùng hiện vẫn đang phổ biến ở mức 16-17,5%/năm, thậm chí còn cao hơn mức này. Cũng có nhiều NHTM quy mô lớn tung ra các sản phẩm cho vay tiêu dùng với lãi suất thấp nhất được mời chào ở mức 14-14,5%/năm, song cũng không dễ tiếp cận. Nhiều khách hàng vay vốn với mục đích mua sắm ôtô và xây dựng nhà cửa cho hay, hiện đang phải trả lãi vay tiêu dùng tới 16-17,4%/năm và mức lãi suất này chưa hề được điều chỉnh trong vòng 4 tháng qua.

Lãi cao, dư nợ tăng chậm

Lãi suất cho vay cao cùng với các điều khoản vay vốn chặt chẽ đối với nhóm khách hàng “bị coi” là nhiều rủi ro khiến dư nợ cho vay tiêu dùng thường chỉ chiếm tỉ trọng rất thấp trong cơ cấu dư nợ cho vay của ngân hàng. Diễn biến này hầu như không thay đổi trong các tháng qua. Dù đạt mức tăng lớn 19,7%, dư nợ tín dụng tiêu dùng toàn hệ thống ngân hàng đến cuối tháng 9.2010 mới đạt 151.000 tỉ đồng, tương đương 39% dư nợ tín dụng đối với khu vực phi sản xuất và thấp hơn nhiều mức 218.000 tỉ đồng của dư nợ cho vay bất động sản. Đáng lưu ý, tại khu vực sôi động như TPHCM, dư nợ cho vay tiêu dùng đến cuối tháng 8.2010 mới đạt 32.035 tỉ đồng và chỉ tương đương 5,2% so với tổng dư nợ tín dụng 620.000 tỉ đồng của các NHTM trên địa bàn. Các tìm hiểu cho thấy, tỉ trọng dư nợ cho vay tiêu dùng ở nhiều NHTM đến thời điểm hiện nay cũng chỉ chiếm phổ biến khoảng 5-7% tổng dư nợ.

Dẫu vậy, khi mà chênh lệch giữa lãi suất VND đầu vào và lãi cho vay kinh doanh thấp (10,9-11,2%/năm so với mức lãi vay ưu đãi 12-13,5%/năm và 13-15,5%/năm đối với kinh doanh thông thường), cho vay tiêu dùng vẫn là kênh mang lại lợi nhuận lớn nhất cho các ngân hàng từ nay đến cuối năm. Đặc biệt, trong bối cảnh các NHTM phải cân đối chỉ tiêu chỉ được cho vay không quá 80% tổng vốn huy động và vẫn gặp khó khăn khi huy động vốn trên thị trường hàng loạt các sản phẩm cho vay tiêu dùng với mức cho vay lên tới 70-80% giá trị tài sản đảm bảo được tung ra gần đây cho thấy các NHTM đang dành nhiều mối quan tâm cho nhóm khách hàng này. Mức tăng 19,7%, cao hơn tăng trưởng tín dụng chung toàn hệ thống cũng cho thấy nhu cầu vay vốn ở nhóm này là rất lớn, đặc biệt trong các tháng mua sắm cuối năm. Nhiều nhận định cho rằng, nếu giải quyết được bài toán lãi suất cho vay tiêu dùng vẫn ở quá cao một cách hợp lý, tín dụng tiêu dùng sẽ có được mức tăng mạnh trong các tháng trước tết âm lịch.

Cafeland.vn - Theo Văn Nguyễn (Lao động)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
Tags: cafeland