11/01/2011 7:59 AM
Câu hỏi của doanh nghiệp lúc này là sau Tết Nguyên đán, lãi suất ngân hàng có hạ không? Bởi đó cũng là thời điểm các doanh nghiệp bắt đầu một chu kỳ sản xuất kinh doanh của năm 2011. PHÓ TỔNG GIÁM ĐỐC NGÂN HÀNG QUÂN ĐỘI CAO THỊ THÚY NGA cho rằng, lãi suất sẽ hạ thời điểm sau Tết Nguyên đán. Nhưng sau quý I.2011, diễn biến của lãi suất phụ thuộc vào yếu tố lạm phát và tỷ giá.


Nguồn: opentheway.org

- Từ kinh nghiệm kinh doanh qua nhiều năm, theo Bà, sau Tết âm lịch, lãi suất cho vay của các doanh nghiệp có giảm không?

- Thường thì đầu năm các ngân hàng huy động tốt hơn, thanh khoản sẽ dồi dào hơn. Theo đó, xu hướng lãi suất sẽ hạ dần. Và bắt đầu kế hoạch mới, nhiều doanh nghiệp chưa vào chu kỳ sản xuất kinh doanh mới, nhu cầu về vốn chưa cao. Vào thời gian đầu năm, các ngân hàng bắt đầu mùa kinh doanh mới nên chưa chịu áp lực giới hạn về tăng trưởng tín dụng, nên ngân hàng vẫn hăng hái vào cuộc với các hợp đồng tín dụng hơn với nguồn vốn huy động rẻ.

- Thưa Bà, có lẽ những nhận định như vậy chỉ đúng trong quý I, còn các quý sau thì diễn biến lãi suất còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác, đặc biệt là lạm phát?

- Vấn đề này sẽ xử lý được, nếu giải được bài toán vĩ mô, vì như năm 2008, lãi suất huy động 18%, cho vay 22%, cao hơn hiện nay nhiều, nhưng sau đó vẫn hạ xuống được. Có thời kỳ ngân hàng cho vay lãi suất lên đến 24%, nhưng 2009 lại xuống thấp, 13,11%. Như thế cho thấy, lãi suất có thể hạ được, nhưng đó là kết quả của nhiều vấn đề, thuộc về bài toán của nền kinh tế và Ngân hàng Nhà nước, chứ không chỉ các ngân hàng thương mại. Cụ thể, cần điều hành sao cho lượng tiền bơm ra đủ, cân bằng cán cân thanh toán, thì mọi việc sẽ lại trở về quỹ đạo. Năm 2010 cân đối ngoại tệ cũng bớt căng thẳng hơn. Chỉ cần một sự điều hành chắc chắn, một thị trường minh bạch, niềm tin tăng lên thì thị trường sẽ đạt được mong muốn.

- Nghĩa là điều hành vĩ mô là chìa khóa của giảm lãi suất, thưa Bà?

- Tất nhiên là như thế. Điều quan trọng là các biện pháp vĩ mô. Nếu điều hành khéo, có sự linh hoạt, thì chắc chắn lãi suất sẽ hạ.

- Trong các yếu tố vĩ mô hoặc trong yếu tố tiền tệ, theo Bà yếu tố nào là quan trọng nhất để điều hành lãi suất?

- Theo tôi, tỷ giá là yếu tố cần ổn định để tạo niềm tin về giá trị VND. Và cần kiểm soát lạm phát, những tháng đầu năm phải kiểm soát chặt chẽ, để người dân gửi tiền có giá trị dương là có thật, nhưng không nhất thiết lãi suất phải quá cao.

Điều thứ ba là sự cương quyết đối với hoạt động của hệ thống ngân hàng. Những ngân hàng kém về quản trị, cạnh tranh không lành mạnh, cần phải có biện pháp cương quyết để không có tình trạng con cá nhỏ quấy đục cả hồ nước. Nếu bảo hộ giống nhau, sẽ sinh ra mớ bùng nhùng, dẫn đến phải thỏa hiệp. Hiện nay, hệ thống ngân hàng nước ta chưa mạnh dạn cho phá sản. Nếu yếu quá, thì nên cho sáp nhập (M&A), chuyển đổi mô hình, không nên tất cả đều chuyển thành mô hình ngân hàng đô thị. Rồi lại xảy ra tình trạng đua nhau, ganh đua, đẩy lãi suất lên… Cá nhân tôi cho rằng, ngân hàng nào yếu kém về thanh khoản, nếu không khắc phục được thì phải cho phá sản. Do đó cần có sự cương quyết…

- Năm 2010, để thanh khoản tốt hơn, Ngân hàng Nhà nước đã sử dụng thị trường mở. Theo Bà, mức độ và liều lượng của thị trường mở năm nay nên theo hướng nào?

- Ngân hàng yếu về thanh khoản thì chỉ đi vay, nhưng có những quy định khắt khe khiến ngân hàng nhỏ phải ra ngoài thị trường vay bằng đẩy lãi suất lên. Do vậy, nếu muốn các ngân hàng nhỏ vẫn bảo đảm thanh khoản và tồn tại, thị trường mở nên có điều kiện nới rộng hơn để các ngân hàng nhỏ huy động được và để những ngân hàng này không ra ngoài thị trường huy động vốn bằng mọi giá. Đây chỉ cần sự điều chỉnh lẫn nhau. Ngân hàng Nhà nước có thể tiết chế điều này. Có nhiều thời điểm Ngân hàng Nhà nước đã bơm vốn, nhưng các ngân hàng có năng lực tài chính tốt, có điều kiện tốt thì vẫn được vay nhiều, còn những ngân hàng nhỏ vẫn rất khó. Khi tiếp cận nguồn này không được, thì ngân hàng nhỏ buộc phải huy động ngoài thị trường với lãi suất cao hơn để tồn tại.

- Xin cám ơn Bà.

Cafeland.vn - Theo Báo Đại Biểu Nhân Dân
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
Tags: cafeland