Thế giới đang chứng kiến sự chuyển hướng quan trọng của dòng vốn đầu tư. Thế giới các nước Arập chấn động vì cuộc “cách mạng hoa nhài”.

Dòng tiền đầu tư chuyển hướng từ thị trường mới nổi sang phát triển

Thị trường chứng khoán Mỹ hồi phục trong tuần, nguyên nhân chính là bởi tâm lý liệu những bất ổn tại Ai Cập có dẫn đến nhiều bất ổn trong khu vực, ngoài ra, số liệu từ Mỹ cũng cho thấy nhiều dấu hiệu tích cực trong lĩnh vực sản xuất cũng như việc làm.

Chốt tuần, chỉ số công nghiệp Dow Jones tăng 2,3%, chỉ số S&P 500 tăng 2,7% còn chỉ số Nasdaq tăng 3,1%.

Phiên cuối tuần, tâm lý nhà đầu tư tiếp tục trở nên lạc quan hơn bởi yếu tố lợi nhuận doanh nghiệp tích cực và không quá bi quan với báo cáo về thị trường việc làm Mỹ tháng 1/2011.

Chỉ số công nghiệp Dow Jones như vậy đã tăng điểm được 5 ngày liên tiếp và hiện giao dịch ở sát mức cao nhất tính từ giữa năm 2008.

FED: Kinh tế Mỹ đang cải thiện

Ngày thứ Năm, chủ tịch FED cho biết ông nhìn thấy những tín hiệu cho thấy tiêu dùng người dân và tăng trưởng trên thị trường việc làm thế nhưng nhấn mạnh rằng các dấu hiệu trên không đủ đẻ ông thay đổi quan điểm rằng quá trình phục hồi kinh tế đang diễn ra dần dần.

Ông nói: “Số liệu gần đây mang đến cho người ta sự lạc quan về thị trường việc làm.”

Ông nâng dự báo về triển vọng kinh tế năm 2011. Ông chỉ ra nhiều thông tin kinh tế tích cực trong thời gian gần đây hỗ trợ quan trọng cho định hướng chính sách của FED và giúp các ngân hàng đẩy mạnh cho vay hơn: “Nhiều khả năng tốc độ phục hồi của nền kinh tế sẽ lớn hơn so với những gì chúng ta kỳ vọng vào năm ngoái.”

Ông nói: “Sẽ mất vài năm thị trường việc làm mới trở lại trạng thái bình thường. Cho đến khi chúng ta thấy hoạt động tạo việc làm diễn ra thật mạnh mẽ, mới có thể khảng định kinh tế thực sự hồi phục.”

Tỷ lệ thất nghiệp Mỹ giảm xuống 9%

Tháng 1/2011, tỷ lệ thất nghiệp tại Mỹ giảm xuống mức 9%, mức thấp nhất trong 21 tháng. Số lượng việc làm trong lĩnh vực phi nông nghiệp tăng 36%.

Tỷ lệ thất nghiệp tháng 1/2011 được dự báo tăng lên mức 9,5% từ mức 9,4% của tháng trước đó.

Các chuyên gia cho rằng các báo cáo về thị trường việc làm trong tuần phát đi tín hiệu trái chiều bởi một báo cáo cho thấy sự tăng trưởng mạnh còn báo cáo còn lại cho thấy sự suy yếu.

Ông Paul Ashworth, chuyên gia kinh tế trưởng tại Capital Economics, nhấn mạnh rằng chính phủ ước tính khoảng 707 nghìn người không thể làm việc trong tháng 1/2011 bởi các công ty chịu ảnh hưởng thời tiết từ tháng trước đó.

Điều gì sẽ đến khi Dow Jones đã lên mức 12 nghìn điểm, S&P 500 vượt 1.300 điểm?

Trong tuần, thị trường vượt qua mốc quan trọng: Chỉ số công nghiệp Dow Jones đóng cửa trên mốc 12.000 điểm, chỉ số S&P 500 kết thúc tuần trên 1.300 điểm. Điều này diễn ra sau khi thị trường tăng điểm 5 tháng liên tiếp và Dow Jones có tháng 1 tăng điểm mạnh nhất từ năm 1997.

Tuy nhiên, mốc 1.300 điểm của chỉ số S&P 500 còn quan trọng hơn: Các chuyên gia nhìn đây như ngưỡng kháng cự chủ chốt. Nếu S&P 500 duy trì trên mức này thêm vài ngày giao dịch nữa, thị trường sẽ tăng điểm mạnh hơn.

Ông Sam Stovall, trưởng bộ phận chiến lược đầu tư tại bộ phận nghiên cứu thuộc S&P, mới đây đã nâng dự báo về thị trường chứng khoán năm 2011 dựa trên kỳ vọng lợi nhuận tăng cao và kinh tế tăng trưởng tốt hơn. Ông dự báo lợi nhuận doanh nghiệp Mỹ năm 2011 tăng trưởng 15%.

Tháng 12/2010, ông dự báo chỉ số S&P 500 sẽ đạt mức 1.315 điểm trong năm nay thế nhưng gần đây ông cũng điều chỉnh tăng dự báo này. Theo ông, mục tiêu tiếp theo của chỉ số sẽ là 1.370 điểm, tăng 9% trong cả năm 2011.

Thế giới Ảrập trong cơn chấn động thực sự của “Cách mạng hoa Nhài”

Phần lớn mọi người đều hiểu bản chất của những gì đang diễn ra tại Trung Đông. Điều chưa rõ ràng hơn ở chỗ bất ổn chính trị tại Ai Cập sẽ ảnh hưởng thế nào đến hoạt động đầu tư trên thế giới, đặc biệt nếu một số khoản đầu tư được dành riêng cho khu vực này.

Bà Larry Seruma, trưởng bộ phận đầu tư tại Nile Capital Management, chỉ ra bất ổn tại Ai Cập, nhìn chung không ảnh hưởng đến danh mục đầu tư của phần lớn người Mỹ.

Thế nhưng bà cũng nhấn mạnh vấn đề tại Trung Đông nhắc cho thế giới nhớ về một trong những rủi ro chính liên quan đến hoạt động đầu tư tại các thị trường mới nổi.

Bà nói: “Rủi ro lớn nhất đối với các thị trường chính là rủi ro về chính trị.” Theo bà, nếu một ai đó cần nhớ đến rủi ro nào lớn nhất trong hoạt động đầu tư ra nước ngoài, đặc biệt nhóm thị trường mới nổi, họ cần quan tâm nhất đến chính trị.

Bài học khác cần nhớ từ sự kiện tại Ai Cập chính là sự tương tác. BlackRock trong báo cáo mới nhát nhấn mạnh cái đang diễn ra ở Ai Cập nhắc người ta nhớ rằng nhóm thị trường mới nổi có ảnh hưởng tương tác đến nhau nhiều hơn người ta tưởng, mối tương quan này chủ yếu trên phương diện chính trị.

Cơ quan xếp hạng tín dụng Moody hạ xếp hạng nợ của Ai Cập bởi lo lắng về tình hình tài chính công của nước này.

Như vậy Moody trở thành cơ quan xếp hạng tín dụng thứ 2 đưa ra quan điểm tiêu cực từ khi Ai Cập lâm vào khủng hoảng chính trị.

Moody hạ xếp hạng nợ của Ai Cập 1 bậc, từ mức Ba1 xuống Ba2 với triển vọng tiêu cực. Nguyên nhân chính là bởi rủi ro chính trị và lo lắng phản ứng của chính phủ đối với bất ổn hiện nay sẽ làm tồi tệ thêm tình hình tài chính công vốn đã không mấy thuận lợi của Ai Cập.

Tổng thống Hosni Mubarak đã đồng ý sẽ từ chức vào tháng 9, nhưng những người biểu tình muốn ông phải ra đi ngay lập tức. Trước áp lực mạnh từ phía người biểu tình và quốc tế, Tổng thống Mubarak hôm qua cho biết ông muốn từ chức ngay lập tức, nhưng lo sợ nếu ông làm vậy, đất nước sẽ rơi vào cảnh hỗn loạn.

Trong lần trả lời phỏng vấn đầu tiên kể từ khi các cuộc biểu tình chống chính phủ bùng nổ, ông nói với hãng tin ABC News rằng ông đã "chán ngấy" quyền lực. Tuy nhiên, ông cảnh báo rằng đảng Huynh đệ Hồi giáo sẽ nhảy vào chiếm khoảng trống quyền lực nếu ông ra đi. Ông Mubarak bác bỏ việc chính quyền ông đứng đằng sau tình trạng bạo lực hai ngày qua, nhưng nói tình trạng đó khiến ông “rất ưu phiền”.

Sau Tunisia, Ai Cập, đã đến Yemen, Syria và Jordan, “cách mạng hoa Nhài” đang tạo ra một cơn chấn động lan toả ngày càng dữ dội khắp thế giới Ảrập.

2 “đại gia” thép của Nhật sáp nhập thành tập đoàn thép lớn thứ 2 thế giới

Nippon Steel, tập đoàn thép lớn nhất của Nhật, có kế hoạch sáp nhập với tập đoàn thép đối thủ Sumitomo Metal Industries trong năm sau, động thái này sẽ tạo ra tập đoàn thép lớn thứ 2 thế giới tính theo sản lượng.

Thỏa thuận này mới được công bố ngày hôm nay. Tập đoàn sau khi sáp nhập sẽ lớn thứ 2 trên thế giới sau ArcelorMittal.

Hiện nay 2 tập đoàn này đều đã nắm cổ phần thiểu số của nhau. Từ năm 2002, họ đã liên minh với nhau trong công việc kinh doanh sản phẩm thép bán thành phẩm.

Nippon Steel dự báo doanh thu trong năm tài khóa hiện tại kết thúc vào tháng 3/2011 đạt 4.100 yên tương đương 50,2 tỷ USD. Sumitomo Metal Industries dự báo doanh thu của tập đoàn trong thời gian trên đạt khoảng 1.500 tỷ yên.

Nippon Steel có giá trị vốn hóa thị trường khoảng 1.954 tỷ yên còn tập đoàn Sumitomo Metal Industries có giá trị vốn hóa 927,6 tỷ yên.

Sản lượng thép toàn cầu được dự báo tăng khoảng 6,2% trong năm 2011 lên 1,5 tỷ tấn; giá thép năm 2011 có thể tăng khoảng 66%.

FED vượt Trung Quốc để trở thành chủ nợ lớn nhất của Mỹ

FED đã vượt qua Trung Quốc trong vai trò đối tượng nắm giữ nhiều trái phiếu Bộ Tài chính Mỹ nhất thế giới dù chương trình QE2 mới thực hiện chưa được một nửa.

Dựa trên số liệu hàng tuần mới công bố, tổng giá trị trái phiếu Bộ Tài chính Mỹ các loại do FED nắm giữ trong tài khoản trên thị trường mở (SOMA) đạt 1.108 tỷ USD.

Còn theo số liệu mới nhất của Bộ Tài chính Mỹ, Trung Quốc sở hữu 896 tỷ USD còn Nhật sở hữu 877 tỷ USD trái phiếu Bộ Tài chính Mỹ các loại.

Ông Richard Gilhooly, chiến lược gia tại TD Securities, dự báo: “Đến cuối tháng 6/2011, FED mua khoảng 1.600 tỷ USD trái phiếu Bộ Tài chính Mỹ, tương đương tổng giá trị nắm giữ của cả Trung Quốc và Nhật. FED đã vượt qua Trung Quốc để trở thành đối tượng nắm giữ nhiều nhất trái phiếu Bộ Tài chính Mỹ.”

FED đang mua trái phiếu Bộ Tài chính Mỹ trong 2 chương trình. Chương trình lớn nhất là QE2 bắt đầu vào tháng 11/2010 và dự kiến mua khoảng 600 tỷ USD tính đến cuối tháng 6/2011.

Nếu tính cả chương trình thứ 2, đến cuối tháng 6/2011, tổng giá trị trái phiếu do FED mua thêm sẽ lên thêm 800 tỷ USD. Từ tháng 11/2010, FED đã mua 284 tỷ USD trái phiếu Bộ Tài chính Mỹ.

67% lượng trái phiếu được mua trong chương trình QE2 có thời hạn từ 4,5 đến 10 năm.

Năm 2010, Trung Quốc đứng đầu thế giới về giá trị giao dịch bất động sản

Theo Real Capital Analytics, năm 2010, Trung Quốc thu hút được lượng vốn đầu tư bất động sản lớn nhất thế giới đến năm thứ 2 liên tiếp, doanh số bán bất động sản thương mại toàn thế giới tăng 43%.

Tính toán của Real Capital Analytics cho thấy tổng giá trị các giao dịch bất động sản trong năm 2010 tại Trung Quốc đạt 197,1 tỷ USD, cao hơn 23% so với năm 2009 và tương đương khoảng 34% trong tổng số 582 tỷ USD các giá trị giao dịch bất động sản trên toàn thế giới.

Tuy nhiên tính trong tương quan với toàn thế giới, tổng giá trị giao dịch bất động sản của Trung Quốc giảm từ mức 41% của năm trước đó bởi giới chức kinh tế hàng đầu Trung Quốc cố gắng đưa ra biện pháp ngăn thị trường bất động sản tăng trưởng quá nóng.

Các biện pháp yêu cầu tăng mức chi trả và ngăn đầu cơ bất động sản đã hãm lại giao dịch bất động sản của Trung Quốc trong quý 2 và quý 3/2010. Trong 2 tháng cuối cùng của năm 2010, các giao dịch lên mức cao thứ 2 trong 4 năm.

Năm 2010, Trung Quốc nhiều khả năng đứng đầu thế giới về nhập khẩu vàng

Trong khoảng thời trước Tết Nguyên đán, nhập khẩu vàng của Trung Quốc được dự báo đã tăng gấp đôi so với 1 năm trước, như vậy Trung Quốc nhiều khả năng sẽ vượt Ấn Độ để trở thành nước tiêu thụ vàng nhiều nhất thế giới.

Tăng trưởng về nhu cầu vàng tại Trung Quốc thời gian qua chủ yếu bắt nguồn từ việc các gia đình chuộng tặng vàng cho nhau trong dịp năm mới thay cho những phong bao lì xì.

Tháng 1/2011, giá vàng không tăng bởi thông tin kinh tế từ Mỹ phát đi tín hiệu tích cực, giá vàng vật chất tại Thượng Hải cao hơn khoảng 20USD/ounce so với giá vàng tại London, điều này cho thấy hạn chế tại thị trường châu Á.

10 tháng đầu năm 2010, Trung Quốc nhập khẩu 209 tấn vàng trong khi đó Ấn Độ nhập tổng số 333 tấn vàng trong năm 2010. Lễ hội Ánh sáng tại Ấn Độ đóng vai trò quan trọng trong việc khiến lượng nhập khẩu vàng của Ấn Độ tăng cao.

Năm 2010, khoảng 1/3 lượng vàng của Trung Quốc được nhập khẩu liên quan đến yếu tố các kỳ nghỉ lễ, tuy nhiên mức tăng ấn tượng hơn nhiều so với các thời điểm trước.

Cafeland.vn - Theo Ngọc Diệp (CafeF)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
Tags: cafeland