Chính từ nhu cầu vay vốn “nóng” của một số NHTMCP mà hình thành nên hiện tượng các NHTM lớn “kiếm ăn” trên lưng ngân hàng nhỏ. Mức độ “ăn” này ngày càng quá đà (với lãi suất lên đến trên 20%/năm) khiến các NHTMCP nhỏ không chịu nổi, phải tăng LSHĐ.

Bất ngờ trong sự bất thường = bình thường!

Người dân và những người ngoài ngành đều cho rằng việc Techcombank tăng lãi suất huy động (LSHĐ) lên 17%/năm là một bất ngờ lớn. Nhưng với những người trong cuộc - những người trong giới kinh doanh tiền tệ thì đều biết lãi suất đã được hâm nóng lên từ hai tháng nay. Thị trường đã nổi những cơn sóng ngầm bất thường. Thế nên động thái của Techcombank chẳng qua chỉ là sự “dại dột” tiên phong công khai mức LSHĐ 17%/năm nên họ trở thành tâm điểm “búa rìu” của dư luận, của cơ quan quản lý.

Techcombank không phải là ngân hàng duy nhất tăng lãi suất lên cao. Trong ngày 8/12 - ngày đầu tiên Techcombank áp dụng lãi suất 17%/năm - đã có ít nhất 8 NHTM khác (chủ yếu trên địa bàn TPHCM) điều chỉnh LSHĐ lên 18%/năm, thậm chí có ngân hàng là 19%/năm, chưa kể một loạt các ngân hàng khác đang chờ động thái của NHNN trước sự kiện Techcombank để hành xử cho phù hợp! Do đó hành động của Techcombank là “bất ngờ” trong sự bất thường của thị trường nên trở thành bình thường.

Từ trung tuần tháng 11/2010 lãi suất thị trường bắt đầu có hiện tượng sóng ngầm (các NHTM thực hiện thỏa thuận lãi suất với khách hàng), Hiệp hội ngân hàng (VNBA) đã có cuộc họp với các thành viên ở cả hai miền. Có rất nhiều câu hỏi được đặt ra trong cuộc họp này: Có điều chỉnh mức thỏa thuận 12%/năm hay không? Nếu điều chỉnh thì sẽ lên bao nhiêu? Tác động của nó đến thị trường như thế nào? Và quan trọng nhất, liệu các NHTM thành viên có “thực lòng” đồng thuận (không ngấm ngầm thỏa thuận lãi suất với khách hàng, không triển khai các chương trình khuyến mại lớn)?... Trước những câu hỏi khó trả lời đó, sau hai cuộc họp, VNBA quyết định không đưa ra văn bản thỏa thuận chính thức nào về lãi suất. Các thành viên đều “tự hiểu“ họ không còn phải tuân thủ mức LSHĐ 12%/năm nữa mà có thể tăng LSHĐ, thực hiện các chương trình khuyến mại... làm sao để LSHĐ xoay quanh 14%/năm. Và NHNN, tuy đã có văn bản về việc các TCTD không được huy động và cho vay với lãi suất vượt 150% lãi suất cơ bản (hiện là 9%), cũng đành “làm ngơ” khi có TCTD nào đó nâng LSHĐ (niêm yết công khai) vượt 14%/năm.

Dư luận cho rằng NHNN đã không có tuyên bố rõ ràng nào cho thị trường. Quan điểm này không hẳn đúng, cũng không sai. Vì thứ nhất, văn bản về mức lãi suất tối đa không quá 150% lãi suất cơ bản là trái với Luật Dân sự. Vì hiện luật Dân sự chỉ quy định mức 150% đối với lãi suất cho vay, tức LSHĐ không bị khống chế. Do đó văn bản trên của NHNN là một mệnh lệnh hành chính, can thiệp sâu vào hoạt động kinh doanh của các TCTD.

Thứ hai, với dự báo lạm phát năm nay có thể lên đến 11%, từ tháng 10/2010 NHNN buộc phải thực hiện chính sách thắt chặt tiền tệ: giảm cung tiền trên thị trường mở, nâng lãi suất thị trường lên để hút tiền về ngân hàng, giảm đà tăng tín dụng (tăng trưởng tín dụng của toàn ngành ngân hàng từ trung tuần tháng 11/2010 đã vượt kế hoạch đề ra từ đầu năm là 25%)... nhằm giảm áp lực tăng lạm phát. Và trong bối cảnh giá vàng liên tục tăng, tỷ giá tăng, người dân không còn niềm tin vào VND... mà yêu cầu các NHTM huy động vốn ở mức 12%/năm thì đây có thể coi là một nhiệm vụ bất khả thi.

Thứ ba, cho dù Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia có nói để lãi suất tự điều chỉnh theo thị trường, thì điều đó cũng không có nghĩa Chính phủ, NHNN sẽ “thả” nổi lãi suất, nhất là trong bối cảnh lạm phát tăng cao. Hơn nữa, việc thực hiện và điều hành chính sách tiền tệ, quản lý hệ thống TCTD trước hết thuộc trách nhiệm của NHNN chứ không phải là Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia.

Nhưng vì sao lãi suất trên thị trường tăng cao như vậy?

Ngân hàng lớn 'kiếm ăn' từ ngân hàng nhỏ

Từ bối cảnh trên của thị trường, trở lại vấn đề của các NHTM - những người làm nên sóng lãi suất trên thị trường và cũng chịu tác động đầu tiên từ những con sóng đó.

Ngân hàng thương mại lớn sẵn vốn, mua trái phiếu chính phủ, đổi thành “tiền tươi” cho “kẻ túng thiếu” vay

Ngay chiều ngày 8/12, lãi suất trên thị trường liên ngân hàng lập tức trở lại mức 25%/năm. Sự căng thẳng về lãi suất trước hết do tác động của yêu cầu tăng vốn điều lệ lên 3.000 tỷ đồng theo Nghị định 141 của Chính phủ; tiếp đến là các NHTM phải đáp ứng điều kiện về thanh khoản. NHNN khẳng định thanh khoản của các NHTM năm nay tương đối tốt. Nhưng “tốt” theo con số của các NHTM báo cáo với NHNN. Thực tế, không ít NHTM phải chạy đôn chạy đáo để lo đủ yêu cầu về đảm bảo thanh khoản; và cả để đẩy tăng trưởng tín dụng lên cao, nhằm hoàn thành kế hoạch lợi nhuận mà đại hội cổ đông đã thông qua. Và chính từ nhu cầu vay vốn “nóng” của một số NHTMCP mà hình thành nên hiện tượng các NHTM lớn “kiếm ăn” trên lưng ngân hàng nhỏ. Mức độ “ăn” này ngày càng quá đà (với lãi suất lên đến trên 20%/năm) khiến các NHTMCP nhỏ không chịu nổi, phải tăng LSHĐ. Ngân hàng nhỏ “sốt” lãi suất, ngân hàng lớn - những người khổng lồ không “sốt” nhưng họ chỉ cần “hắt hơi” là thị trường đã có sóng.

Nhìn lại, những biến động của lãi suất trên thị trường vừa qua cho thấy, ban đầu lãi suất tăng nhẹ, từ 12%/năm lên 13%, 14%/năm là xuất phát từ những NHTMCP nhỏ trong những lúc “túng” đành phải tính: vay ngân hàng lớn (trên thị trường liên ngân hàng) hay vay từ dân cư (tăng LSHĐ). Nhưng sau đó sóng lãi suất đã cao hơn, mạnh hơn lại do chính những NHTMCP lớn (với vốn điều lệ lên đến cả chục ngàn tỷ đồng), và không loại trừ cả những NHTM nhà nước cũng vào cuộc (BIDV, ACB, Eximbank... đều có mức LSHĐ công khai trên 14%/năm). Tại sao họ có tiền để cho các NHTM nhỏ vay? Vì họ có lợi thế của một người khổng lồ: từ “thể lực” tốt đến mạng lưới rộng khắp... nên dù LSHĐ của các NHTM này có thấp thì tổng lượng vốn họ huy động được vẫn khá nhiều. Có vốn, họ mua trái phiếu chính phủ - loại lương khô để khi muốn có thể mang đến NHNN “đổi” thành “tiền tươi thóc thật” và cho những kẻ “túng thiếu” vay. Như vậy, việc kinh doanh tiền của các NHTM này có thể nói là đã bị biến tướng. Nhiều NHTM không còn đóng vai là trung gian tài chính, dẫn vốn từ nơi tạm nhàn rỗi (vốn huy động) đến những người cần vốn đầu tư cho sản xuất kinh doanh (những người đi vay). Điều này lý giải tại sao đến hết tháng 11/2010, trong khi có NHTM có tốc độ tăng trưởng tín dụng lên đến 70%, 80% nhưng cũng có ngân hàng “đủng đỉnh” ở mức vài chục %. Và nếu hồi đầu năm nhiều NHTM “giãy nảy” với quy định của Thông tư 13 về tỷ lệ cấp tín dụng thấp, gây khó khăn cho kinh doanh của họ (TCTD là ngân hàng chỉ được sử dụng tối đa 80% vốn huy động để cho vay, các TCTD phi ngân hàng là 85%). Nhưng đến nay tỷ lệ cấp tín dụng/vốn huy động của không ít NHTM lớn thấp một cách đáng ngạc nhiên: 60% - 70%, thậm chí có NHTM còn sử dụng chưa đến 30%. Các NHTM đã dùng vốn vào việc gì? Một phần câu hỏi đã được trả lời ở trên.

Cafeland.vn - Theo DDDN
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
Tags: cafeland