Hôm nay (15/10) thông tư 16 hướng dẫn nghị định 71/CP chính thức có hiệu lực. Theo nhận định nhiều chuyên gia, thông tư 16 cho phép uỷ quyền công chứng tài sản nhà ở hình thành trong tương lai sẽ khiến cho thị trường bất động sản sôi động trở lại.
Chuyển nhượng hợp đồng góp vốn bất động sản hình thành trong tương lai là một hình thức giao dịch phố biến nhất trên thị trường. Tuy nhiên, tại nghị định 71NĐ-CP quy định, hợp đồng uỷ quyền quản lý, trông coi, sử dụng nhà ở, uỷ quyền bán, cho thuê nhà ở phải công chứng hoặc chứng thực. Các bên chỉ được ký kết hợp đồng uỷ quyền và cơ quan có thẩm quyền chỉ được công chứng, chứng thực các hợp đồng quy định tại khoản này khi nhà ở đã được xây dựng xong.

Điều này có nghĩa là, hợp đồng góp vốn vào các dự án dở dang sẽ không còn được giao dịch, chuyển nhượng trên thị trường. Không những thế cả những hợp đồng mua bán nhà đất đối với các dự án đã đủ điều kiện bán cũng không được phép chuyển nhượng trước thời hạn việc xây dựng hoàn thành.

Tuy nhiên, tại thông tư 16, Bộ xây dựng đã đưa ra hướng dẫn “cởi trói” khi cho phép công chứng uỷ quyền hợp đồng góp vốn mua nhà hình thành trong tương lai.

Theo đánh giá ông Chu Hồng Khanh -trưởng văn phòng công chứng A1, thông tư 16 tạo điều kiện rất tốt cho thị trường bất động sản sôi động lên. Khi đó người có nhu cầu mua nhà thực sự nhưng chưa có giấy chứng nhận sẽ được công chứng chứng thực và được chủ đầu tư chấp nhận sau này sẽ được cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà, đất.

Trước đây, khi chưa có thông tư 16, tại nghị định 71 của chính phủ thì không cho người dân hợp đồng uỷ quyền liên quan đến các bất động sản mà chưa có giấy chứng nhận. Thời điểm đó, người dân muốn giao dịch thường thông qua uỷ quyền có công chứng việc này hết sức rủi ro. Bởi theo quy định pháp luật, hợp đồng uỷ quyền có thể vô hiệu khi một trong hai bên mất năng lực hành vi dân sự, hoặc một trong hai bên chết do vậy người ta tham gia giao dịch bằng hợp đồng uỷ quyền đó rủi ro sẽ xảy ra với bên mua bởi khi đó tài sản sẽ trở về với người thừa kế của người đã chết. Do vậy, khi thông tư 16 ra đời người mua sẽ trực tiếp được đứng tên trong hợp đồng mua bán.

“Thông tư 16 là bước tiến mới tạo điều kiện cho thị trường bất động sản VN sôi động hơn bởi theo như trước đây người dân muốn mua bán nhà hoặc chuyển nhượng đất phải có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, sở hữu nhà… nhưng với quy định mới các sản phẩm hình thành trong tương lai sẽ được giao dịch vì vậy thị trường sẽ sôi động hơn”.

Anh Nguyễn Mạnh Cường - Trưởng phòng kinh doanh công ty CP nhà đất Nam Long cho biết khoảng nửa tháng nay lượng giao dịch bất động sản tại các dự án Văn Khê, Văn Phú, An Hưng… khá sôi động với tỉ lệ thành công cao. Giá đất tại khu vực này cũng tăng dần. Tuy nhiên, hầu hết các khách hàng đều chờ đến ngày 15/10 tức là ngày thông tư 16 chính thức có hiệu lực mới đi ký hợp đồng chuyển nhượng bất động sản.

Cafeland.vn - Theo VnMedia
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
Tags: cafeland