Năm 2010 Hà Nội đã ghi nhận một vài cơn “sốt” đất cục bộ, mang tính đầu cơ cao. Giá đất sản xuất, kinh doanh tăng cao sẽ khiến doanh nghiệp thêm khó khăn chồng chất trong bối cảnh kinh doanh khó khăn như hiện nay. Giá đất sản xuất, kinh doanh tăng cao sẽ khiến doanh nghiệp thêm khó khăn chồng chất trong bối cảnh kinh doanh khó khăn như hiện nay.

Diện tích thuê đất càng lớn thì doanh nghiệp càng thiệt thòi khi giá đất tăng
Năm 2010 Hà Nội đã ghi nhận một vài cơn “sốt” đất cục bộ, mang tính đầu cơ cao, nhất ở các huyện ngoại thành phía Tây thành phố. Trong khi đó, giá đất áp dụng cho năm 2011, vừa được HĐND TP Hà Nội thông qua tại kỳ họp 22, lại không có những biến động lớn so với năm 2010.

Giá đất tăng ở nhiều nơi

Điều tra của Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội trên thị trường bất động sản 2010 cho biết, giá chuyển nhượng quyền sử dụng đất ở tại các quận, huyện, thị xã và trục đầu mối giao thông đều tăng cao hơn giá đất do thành phố quy định, nhất là các khu vực huyện giáp ranh với quận như Từ Liêm, Thanh Trì, Gia Lâm, Hoài Đức... Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Vũ Văn Hậu cho hay: “Tại các quận nội thành như Hoàn Kiếm, Đống Đa, Hai Bà Trưng, Thanh Xuân, giá đất cơ bản đều tăng. Đặc biệt, tại các khu vực ven trục đầu mối giao thông ở một số huyện ngoại thành, giá đất tăng bình quân từ 30% - 50% so với bảng giá đất của thành phố. Trong khi đó, ở những huyện xa hơn như Ba Vì, Phú Xuyên, Mỹ Đức, Chương Mỹ... cơ bản ổn định. Cá biệt tại một số khu dân cư nông thôn xa trung tâm, giá chuyển nhượng thực tế còn thấp hơn giá do UBND TP quy định”.

Nhìn lại một năm thực hiện bảng giá đất năm 2010, Phó Chủ tịch UBND TP Vũ Hồng Khanh cho rằng, bảng giá tương đối hợp lý này đã góp phần đẩy nhanh công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư cho các dự án trên địa bàn. Đồng thời, giá đất năm 2010 cũng đảm bảo cho các tổ chức, cá nhân thực hiện nghĩa vụ tài chính về đất, đấu giá đất hay giao đất có thu tiền sử dụng đất... Tuy vậy, Phó Chủ tịch UBND TP cũng nhìn nhận, giá đất ở một số đường phố chưa phù hợp giá thị trường trong điều kiện bình thường. Mặt khác, một số khu vực đã được Nhà nước đầu tư hạ tầng làm tăng giá đất cần được điều chỉnh lại trên cơ sở cân đối tương quan mặt bằng giá hợp lý.

Không thể “đội” trần 81 triệu đồng/m2

Theo phương án giá đất vừa được HĐND TP Hà Nội thông qua, giá đất tăng ở nhiều vị trí, song mức cao nhất vẫn đứng ở 81 triệu đồng/m2 như năm 2010. Về giá đất ở tại các quận, giá tối thiểu là hơn 2,34 triệu đồng/m2 (áp dụng cho đường 72 qua phường Dương Nội, quận Hà Đông); tối đa vẫn giữ nguyên 81 triệu đồng/m2 (các phố Hàng Ngang, Hàng Đào, Lý Thái Tổ - quận Hoàn Kiếm).

Các vị trí giáp ranh với quận, có giá chuyển nhượng thực tế tăng như Từ Liêm, Thanh Trì, Gia Lâm... phải được điều chỉnh tăng theo tỷ lệ tương ứng với các quận giáp ranh. Cụ thể, giá đất ở các khu vực này sẽ dao động trong khoảng 2,035 đến 31,2 triệu đồng/m2. Tương tự, thị trấn tại các huyện này cũng được điều chỉnh tăng, với mức giá tối thiểu 1,67 triệu đồng/m2, tối đa 26,4 triệu đồng/m2. Tại khu vực thị trấn của các huyện còn lại, dự kiến giá tối thiểu 750.000 đồng/m2, tối đa 8,04 triệu đồng/m2. Tại các đầu mối giao thông thuộc các huyện Thường Tín, Đông Anh, Thanh Oai, Hoài Đức, Đan Phượng... thành phố cũng điều chỉnh giá theo hướng tiệm cận với giá vượt khung tối đa của Chính phủ cho phép (gấp 5 lần đất ở nông thôn), tương đương giá tối đa 11,25 triệu đồng/m2.

Theo ông Nguyễn Văn Nam, Trưởng Ban Kinh tế - Ngân sách (HĐND TP), mức giá 81 triệu đồng/m2 đã lên tới kịch trần theo khung giá được Chính phủ cho phép. Được biết, khung giá đất này đã được ban hành từ năm 2004. Từ khi được ban hành tới nay, Chính phủ chưa lần nào điều chỉnh khung giá này. Theo đó, giá đất ở tối đa tại đô thị chỉ ở mức 67,5 triệu đồng/m2. Do đó, cộng thêm mức điều chỉnh kịch khung 20%, mức giá đất ở các địa phương được phép quy định là từ 81 triệu đồng/m2 trở xuống. UBND TP cũng thừa nhận: “Bảng giá đất do thành phố ban hành phải đảm bảo nằm trong khung giá của Chính phủ. Do đó, một số khu vực, vị trí, giá đất còn thấp hơn giá chuyển nhượng thực tế trên thị trường”.

Giá đất kinh doanh tăng

Cùng với đà điều chỉnh của giá đất ở, giá đất sản xuất kinh doanh phi nông nghiệp tại Hà Nội cũng được điều chỉnh tăng theo, với mức giá tối đa 40,5 triệu đồng/m2, tối thiểu là 525.000 đồng/m2 (đối với khu vực đô thị). Tại các khu vực giáp ranh như huyện Gia Lâm, Thanh Trì, giá đất sản xuất kinh doanh phi nông nghiệp được điều chỉnh tối đa bằng 60% ở cùng vị trí đường phố. Do vậy, ở các khu vực này giá đất tối đa là 15,6 triệu đồng/m2, giá tối thiểu hơn 1,2 triệu đồng/m2. Tại các thị trấn của các huyện còn lại, giá đất sản xuất kinh doanh phi nông nghiệp được điều chỉnh tối đa bằng 60% giá đất ở cùng vị trí, đường phố.

81 triệu đồng/m2 là giá đất “kịch trần” ở Hà Nội, được áp dụng từ năm 2004

Trong khi đó, UBND TP đề xuất, năm 2011, giá đất nông nghiệp vẫn được giữ nguyên như bảng giá đã ban hành năm 2010. Cụ thể, giá đất nông nghiệp trồng lúa nước, trồng cây hàng năm và trồng cây lâu năm tối đa ở mức 252.000 đồng/m2, tối thiểu 54.400 đồng/m2. Giá đất nông nghiệp nuôi trồng thủy sản tối đa 252.000 đồng/m2, tối thiểu 36.000 đồng/m2; giá đất rừng phòng hộ, đặc dụng, sản xuất tối đa 60.000 đồng/m2, tối thiểu 30.000 đồng/m2...

Đánh giá về tác động của giá đất 2011, UBND TP Hà Nội cho rằng, “đảm bảo tốt hơn quyền lợi của người bị thu hồi đất, đồng thời tăng thu cho ngân sách Nhà nước, giảm dần tình trạng đầu cơ đất”. Tuy vậy, cũng có mặt hạn chế là chi phí bồi thường, hỗ trợ về đất sẽ tăng, giá thành sản phẩm, dịch vụ tăng theo.

Đồng tình với quan điểm này, một số doanh nghiệp tỏ ra lo lắng trước đợt tăng giá đất sản xuất, kinh doanh phi nông nghiệp. Họ e ngại giá thuê đất tăng sẽ làm giảm sức cạnh tranh của doanh nghiệp, nhất là trong bối cảnh lãi suất đang tăng cao, doanh nghiệp rất khó tiếp cận nguồn vốn. Giám đốc một doanh nghiệp sản xuất dệt may nói: “Giá đất ở tăng không ngại lắm vì giá đã tăng trước đó rồi, bây giờ có tăng cũng là chạy theo, mà có chạy theo cũng không kịp. Tuy nhiên, giá đất sản xuất, dịch vụ tăng sẽ ảnh hưởng tới doanh nghiệp. Tiền thuê đất chiếm một khoản lớn trong chi phí đầu vào. Xăng dầu, nguyên vật liệu đã tăng giá rồi. Bây giờ lại tới giá đất cũng tăng. Những nguyên nhân này sẽ gây áp lực lớn đối với giá thành sản xuất của doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ”. Trước tình hình này, có người dự báo, thu ngân sách sẽ tăng nhưng nhiều khả năng nợ đọng tiền thuê đất cũng sẽ tăng. Bên cạnh đó, khi doanh nghiệp điều chỉnh lại giá thành sản phẩm thì cuối cùng người tiêu dùng vẫn sẽ phải chịu thiệt.

Cafeland.vn - Theo DDDN
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
Tags: cafeland