25/01/2011 12:30 PM
Tình trạng vay mượn lẫn nhau giữa các ngân hàng khó khăn mỗi dịp Tết vẫn thường xảy ra, năm nay dường như không ngoại lệ.
Lãi suất cho vay giữa các ngân hàng kỳ hạn 1 tháng trong tuần qua đã tăng đột biến - Ảnh: Hoài Nam

Theo thống kê của HSBC, lãi suất qua đêm trên thị trường liên ngân hàng (giữa các ngân hàng với nhau) có xu hướng giảm, từ mức 11,38%/năm giữa tuần trước xuống còn 10,7%/năm vào cuối tuần qua. Tuy nhiên, lãi suất các kỳ hạn dài 1 tháng hay 3 tháng thì vẫn duy trì ở mức cao. Còn theo phản ánh từ một số ngân hàng trong nước, lãi suất cho vay giữa các ngân hàng kỳ hạn 1 tháng trong tuần qua đã tăng đột biến.

Theo ghi nhận của ĐTCK, một số ngân hàng lớn đã giảm lượng cho vay trên thị trường liên ngân hàng ngày 21/1 là lý do chính đẩy lãi suất tăng lên.

Thực tế thị trường nhiều năm qua cho thấy, do tập quán rút tiền mặt lớn vào dịp sát Tết của người dân và doanh nghiệp nên việc chuẩn bị lượng tiền cung ứng luôn là bài toán khó với bộ phận nguồn vốn của mỗi ngân hàng. Do việc xác định lượng tiền rút là khá khó khăn nên hầu hết các ngân hàng đều chuẩn bị sẵn một lượng dự trữ nhất định. Việc chuẩn bị này có thể thông qua việc đẩy mạnh huy động từ dân cư, hoặc sẵn sàng các loại trái phiếu, thậm chí là ngoại tệ để khi cần thiết có thể hoán đổi lấy tiền đồng thông qua nghiệp vụ thị trường mở hoặc Swap, phục vụ nhu cầu rút tiền của người dân và doanh nghiệp.

Lý thuyết là như vậy, nhưng đối với một số ngân hàng nhỏ không dễ chuẩn bị thanh khoản. Huy động vốn từ dân cư không dễ do cạnh tranh giữa các ngân hàng, lượng trái phiếu chính phủ nắm giữ ít nên hạn chế việc tham gia thị trường mở để lấy tiền đồng về. Nơi tìm nguồn vốn chủ yếu trong trường hợp cần kíp chính là thị trường liên ngân hàng, đi vay lại những ngân hàng đang dư thừa vốn.

Nhưng trên thực tế vào dịp Tết, bản những ngân hàng lớn có nguồn tiền dồi dào cũng hạn chế bớt lượng cho vay trên thị trường liên ngân hàng để chuẩn bị "lực lượng" đáp ứng nhu cầu khách hàng của mình. Đây là lý do khiến trong những dịp Tết trước đây, có những năm lãi suất liên ngân hàng tăng lên trên 30%/năm mà những ngân hàng cần vốn cũng chưa dễ vay được.

Thành viên Ban điều hành một ngân hàng thương mại nhận xét, lượng vốn giao dịch trên thị trường liên ngân hàng của các NHTM lớn ảnh hưởng rất nhiều đến lãi suất thị trường. Nếu các ngân hàng này hạn chế giao dịch trên liên ngân hàng lập tức sẽ tạo ra tình trạng căng thẳng về vốn và lãi suất trong ngắn hạn tăng.

Năm nay, các ngân hàng nhỏ đang gặp khó khăn về huy động vốn dân cư do khó cạnh tranh với ngân hàng lớn khi trần lãi suất bị giới hạn ở mức 14%/năm (như ĐTCK phản ánh trong số ra ngày 21/1), thế nên khả năng thị trường liên ngân hàng chắc chắn sẽ sôi động.

"Tuần nóng nhất trên thị trường liên ngân hàng thường rơi vào tuần cuối cùng sát Tết Nguyên đán, thời điểm hiện tại mới chỉ là bắt đầu mà thôi", vị lãnh đạo này cho biết. "Để thị trường vận hành trôi chảy dịp sát tết phụ thuộc rất nhiều vào vai trò điều tiết của NHNN và hành động của các ngân hàng thương mại lớn".

Theo một quan chức cao cấp của Uỷ ban Giám sát Tài chính quốc gia, lượng vốn nhàn rỗi ngắn hạn của các ngân hàng thương mại được trao đổi trên thị trường liên ngân hàng nhằm mục đích tìm kiếm lợi nhuận (bên cho vay) và đáp ứng nhu cầu thanh khoản trong ngắn hạn (của bên nhận vay).

Tuy nhiên, do đặc thù các ngân hàng nhỏ khá phụ thuộc vào thị trường liên ngân hàng, nên thường thiệt thòi khi giao dịch với ngân hàng lớn trên thị trường này vào những dịp Tết. Kết quả là câu chuyện, các ngân hàng lớn kiếm lợi nhiều từ kinh doanh vay vốn trong khi các ngân hàng nhỏ chịu áp lực rất lớn từ việc phải lấy những khoản vốn lãi suất cao, kỳ hạn ngắn trên thị trường liên ngân hàng.

Theo vị quan chức trên, đó là quy luật "cá lớn ăn cá nhỏ" và năm nào đến dịp Tết Nguyên đán, câu chuyên này cũng diễn ra. Và các ngân hàng thương mại nhỏ phải chấp nhận nếu không muốn bị "thủng lưới", lãi suất cao cũng phải vay vì cần tiền.

"NHNN nên dùng công cụ vi mô giám sát trực tiếp các ngân hàng và đưa ra những chính sách cụ thể nhất dành riêng cho các ngân hàng lớn và ngân hàng nhỏ", vị lãnh đạo này gợi ý.

Cafeland.vn - Theo ĐTCK
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
Tags: cafeland