Năm 2010, các ngân hàng Việt Nam đã có 3 - 4 lần đồng thuận lãi suất nhưng rồi lại phá ra để cầu lợi cho riêng mình. Đồng thuận nhưng không đồng lòng đã gây ra nhiều biến động khác thường trên thị trường.
Hô to - làm khó

Một thị trường cạnh tranh hoàn hảo thì lãi suất hay giá cả bất cứ mặt hàng nào cùng đều có một mặt bằng chung có lợi cho khách hàng và an toàn cho DN, ổn định cho thị trường. Yêu cầu đồng thuận chỉ diễn ra lúc thị trường có bất ổn cần sự đồng lòng của các ngân hàng để ổn định chung cho nền kinh tế, có lợi cho DN và tất nhiên là cả ngân hàng.

Việc đồng thuận dù do Hiệp hội Ngân hàng - là cơ quan đại diện kêu gọi các thành viên thực hiện, nhưng luôn là sự kiện được nhiều người trông đợi và Ngân hàng Nhà nước giám sát chặt chẽ. Kịch bản thông thường là kinh tế hay tiền tệ có những biến động hoặc có những yêu cầu mới về điều hành, Ngân hàng Nhà nước sẽ phát đi những tín hiệu cả về hành chính và thị trường. Sau đó, Hiệp hội Ngân hàng tổ chức cuộc họp với các thành viên kêu gọi đồng thuận.

Hiểu được sự kỳ vọng cùng như quan sát của nhiều phía, các ngân hàng dễ dàng và lập tức đạt được đồng thuận. Tuy nhiên, dù đã ký vào bản đồng thuận nhưng cũng phải 1 thời gian sau, nhanh thì một tuần mà chậm thì cả tháng, các ngân hàng mới thực hiện đúng.

Nhưng cũng chỉ thực hiện đồng thuận được một thời gian ngắn, các ngân hàng đã tìm cách "lách" đầu tiên là nhẹ nhàng bằng những chiêu khuyến mãi, rồi tăng lãi suất trong một số chương trình đặc biệt để thử phản ứng và chờ một ngân hàng đi đầu trước khi tất cả cùng "đồng thuận" phá rào. Nếu như việc đồng thuận rất khó khăn và thực hiện kéo dài, thì việc phá đồng thuận lại được "thống nhất" thực hiện có khi chỉ trong 1 - 2 ngày.


Thực tế, mới đây nhất, sau khi cơn sóng lãi suất với đỉnh cao 17%, Ngân hàng Nhà nước đã phải hợp các ngân hàng thương mại lại để cùng nhau thống nhất áp mức lãi suất 14% cho thị trường. Khác với những lần trước đồng thuận vốn được Ngân hàng Nhà nước coi như là việc riêng của Hiệp hội thì lần này chính cơ quan này phải chủ trì.

Điều này nhắc lại câu nói của lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước khi lãi suất ở đỉnh cao là: cơ quan quản lý có đủ công cụ để điều hành lãi suất, kể cả biện pháp hành chính. Và quả thực, dù chưa đến mức phải ra một văn bản điều hành hành chính nhưng cũng phải cơ quan quản lý ra tay trực tiếp thì mới dẹp "loạn" lãi suất. Thế nhưng, cũng phải mất cả tuần sau, vẫn có những ngân hàng chưa thực hiện, phải nhắc nhở, phải cảnh cáo kỷ luật, việc mới được thuận chiều.

Trước đó, khi Chính phủ đồng ý cho thực hiện lãi suất thỏa thuận, chấp nhận việc các ngân hàng tăng lãi suất. Lường trước việc tăng lãi suất quá cao, Hiệp hội Ngân hàng đã kêu gọi các thành viên đồng thuận lãi suất 12%. Như mọi lần, ai cùng đồng ý nhưng chỉ một thời gian rất ngắn sau, mức đồng thuận đã bị phá vỡ.

Coi đó như là một chuyện tất nhiên, không mấy ai phản đối mà tất cả cùng lao vào một cuộc đua lãi suất, các mốc mới 13 - 14 - 15 và cao nhất là 17% cứ đều đặn được thiết lập. Tất cả đã quên lời đồng thuận và cả cơ quan hiệp hội cũng không thể có phản ứng gì.

Trong khi đó, hồi tháng 9, khi thực hiện yêu cầu hạ lãi suất của Chính phủ, các ngân hàng gần như không có phản ứng. Mãi đến khi cơ quan nhà nước có nhiều sức ép, Hiệp hội Ngân hàng vào cuộc thì mới đạt được mức đồng thuận 11%.

Ngân hàng Nhà nước dù không can dự vào đồng thuận nhưng cũng lấy việc đồng thuận này để cảnh báo các ngân hàng nếu không thực hiện đúng sẽ kỷ luật. Tuy nhiên sau đó không lâu, mức lãi suất này bằng nhiều cách đã bị phá bỏ. Lãi suất cứ tăng đều lên và rất may cho các ngân hàng khi Chính phủ cho chấp nhận tăng lãi suất vào đầu tháng 11.

Cứ như thế, đồng thuận lãi suất nhiều khi chỉ hô to mà thực hiện thì khó, đồng ý mà không đồng lòng nên hiệu quả chưa cao, nhiều khi đồng thuận là cơ hội để nói dối và "lườm", để "soi" nhau kỹ hơn. Chính vì thế, dù coi đồng thuận lãi suất là chuyện của các ngân hàng thông qua Hiệp hội, Ngân hàng Nhà nước đã có lần giải thích họ không can dự, nhưng dường như đồng thuận mà không có "bóng" của cơ quan quản lý hay những biện pháp hành chính thì e khó mà thành bởi vì đồng thuận mới chỉ là đồng thanh mà thôi.

Tự làm khó

Một thị trường tiền tệ bất ổn, lãi suất tăng không chỉ gây khó khăn cho DN, tăng thêm nguy cơ cho nền kinh tế mà chính các ngân hàng cũng gặp khó khăn. Lý giải điều này, các chuyên gia tài chính nói, huy động lãi suất cao, tất nhiên sẽ phải chấp nhận cho vay cao...

Lãi suất cho vay cao khiến cho việc giải ngân khó khăn hơn, trong khi các ngân hàng Việt Nam sống chủ yếu nhờ vào tín dụng. Không cho vay được tất nhiên sẽ ảnh hưởng đến lợi nhuận ngân hàng. Đó như là một tất yếu và các ngân hàng biết rõ điều này.

Trong khi đó, Hiệp hội Ngân hàng cũng đã nhiều lần cảnh báo các ngân hàng, cho vay lãi suất cao sẽ khiến rủi ro cao hơn. Các khách hàng chấp nhận lãi suất cao luôn đi kèm với rủi ro cao, hậu quả là nợ xấu của các ngân hàng tăng lên. Vì thế, trong những lời kêu gọi đồng thuận, bên cạnh những lợi ích cho thị trường thì tiêu chí an toàn cho các ngân hàng luôn được đặt ra.

Thực tế, mỗi lần phá rào, chạy đua lãi suất, các ngân hàng luôn phải đối mặt với tình trạng vốn từ ngân hàng này chảy sang ngân hàng khác, vốn chạy lòng vòng giữa các ngân hàng mà không sinh lợi. Ngân hàng yếu kém chấp nhận tăng lãi suất để giải quyết khó khăn trước mắt, nhưng những người không khó khăn cũng phải tăng lãi suất để không bị mất vốn.


Thực tế cho thấy, có những thời điểm các ngân hàng quốc doanh đã mất hàng chục ngàn tỷ trong một thời gian ngắn vì ngân hàng cổ phần tăng lãi suất cao hơn. Vietinbank, khi tăng lãi suất lên 15% hồi đầu tháng 12 cũng thừa nhận, họ không thiếu nhưng vẫn phải tăng nếu không muốn mất vốn.

Còn có thời điểm, khi các ngân hàng cổ phần thiếu vốn tăng lãi suất đã bị các ngân hàng quốc doanh và cổ phần lớn dùng vốn sẵn có thông qua các công ty con gửi hay cho các ngân hàng nhỏ vay để lấy lãi. Ngân hàng cổ phần lại tố lên cơ quan quản lý là bị ăn chặn trên lưng.

Một chuyên gia Ngân hàng Nhà nước cho biết, việc các ngân hàng cạnh tranh bằng đẩy lãi suất cao là được cái ngắn hạn mà mất cái dài hạn. Ngoài những nguy cơ về hiệu quả và tính an toàn như trên thì còn ảnh hưởng nhiều đến uy tín. Mỗi nước đều có xếp hạng các ngân hàng dựa trên hiệu quả, độ an toàn...

Theo đó, những ngân hàng có lãi suất cao luôn bị đặt nghi ngờ về tính an toàn và rủi ro.Vì thế, bên cạnh những hấp dẫn về lãi suất, khách hàng luôn chọn ngân hàng an toàng để gửi tiền chứ không phải ngân hàng lãi suất cao.

Chính lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước đã rất bức xúc với các cuộc đua lãi suất hiện nay và cho biết dự định sẽ có những xếp hạng, công bố rõ ràng. Tuy nhiên, đây là việc nhạy cảm nên chưa thành hiện thực. Nhìn trên thị trường cũng không khó nhận ra điều này khi những người khởi đầu những cú phá rào lãi suất, khởi động những cuộc đua và có mức lãi suất cao nhất thường là những ngân hàng nhỏ, có khó khăn trước mắt nhất là vấn đề thanh khoản.

Với thị trường, ngân hàng cấp vốn cho DN nhưng chính ngân hàng cũng cần DN là nơi có nguồn tiền gửi và nơi đầu ra cho họ. Các ngân hàng bằng mọi cách có lợi cho mình, đẩy khó khăn về DN thì đến lúc DN cũng lo ngại và mất niềm tin với những ngân hàng hay làm khó mình. Họ sẽ tìm đến những ngân hàng uy tín để có được lãi suất tốt đồng thời có được những sự ổn định và cam kết lâu dài.

Không ai có thể đặt niềm tin vào những người vì khó khăn của mình mà đẩy khó khăn cho người khác, kéo thị trường vào những khó khăn. Và một điều tất yếu, môi trường kinh doanh sẽ ngày càng minh bạch và thông tin nhiều hơn, khách hàng sẽ thông minh hơn thì những ngân hàng nhỏ yếu, những kẻ "phá bĩnh", hay phá rào, không giữ uy tín rồi cũng sẽ bị chính cộng đồng kinh doanh điểm mặt và lên án.

Còn khách hàng, cả người vay và người gửi cũng sẽ có nhìn nhận đúng hơn về những ngân hàng không uy tín, không giữ đúng cam kết với cộng đồng, với thị trường thì khi có rủi ro e số phận của những khách hàng cũng khó được bảo toàn.

Hơn thế, một DN, nhất là ngân hàng vốn được ví như là mạch máu của nền kinh tế, thì bên cạnh việc kiếm lợi cho mình sẽ còn có những trách nhiệm trong ổn định thị trường, hỗ trợ các chính sách điều hành, hỗ trợ và đồng hành cùng DN. Tuy nhiên, đa số các ngân hàng hiện nay chưa làm được nhiều điều đó. Trách nhiệm của DN nhìn từ góc độ này chỉ được đánh điểm trừ mà thôi.

Cafeland.vn - Theo VEF
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
Tags: cafeland