Dù rất nỗ lực nhưng trong thời gian qua, bất động sản vẫn là lĩnh vực rất khó đặt chân đối với các doanh nghiệp giao thông. Hầu hết lãnh đạo các doanh nghiệp xây dựng giao thông, đặc biệt là các tổng công ty lớn đều tỏ ra không mấy lạc quan về triển vọng làm bất động sản của mình…
Lợi thế của các đơn vị giao thông là triển khai các dự án giao thông trên khắp vùng miền cả nước, có thể đi trước, đón đầu để thâm nhập các dự án bất động sản, tuy nhiên hàng chục năm nay ưu thế đó vẫn không được tận dụng và phải chịu phận “mở đường, làm cầu cho người khác hưởng”.

Chính vì vậy, hầu hết các doanh nghiệp giao thông đều hiểu rằng, nếu chỉ đi bằng một chân trong “ao nhà” giao thông thì khó có thể mạnh được và mức độ rủi ro khi biến động giá hoặc cơ chế thay đổi sẽ rất cao. Do vậy, làm bất sản- lĩnh vực được coi là gần gũi với giao thông, có thể tận dụng ưu thế nhân lực, máy móc và vốn để đi cho vững bằng hai chân, tạo thế vững hơn là điều rất cần thiết.

Trong năm 2010 vừa qua, nhiều đơn vị trong ngành GTVT cũng có những động thái rất tích cực để từng bước đặt chân vào thị trường tiềm năng này. Đơn cử như Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) đã thành lập riêng một công ty con về đầu tư bất động sản là VEC Land. Tổng công ty XD Thăng Long cũng xúc tiến nhiều chương trình xây dựng các tòa nhà hỗn hợp trên những mảnh đất vàng ở trung tâm Hà Nội và gần khu vực cầu Thăng Long. Tổng công ty XDCTGT 1, 4 cũng có nhiều đơn vị thành viên xúc tiến các dự án bất động sản, xây dựng các tòa nhà hỗn hợp hoặc cho thuê...

Tuy nhiên, cho đến thời điển này, dù dự định nhiều, mục tiêu lớn nhưng số dự án được triển khai chẳng là bao. Theo ông Trần Xuân Sanh, Tổng Giám đốc VEC, dù đã thành lập VEC Land để hoạt động kinh doanh bất động sản nhưng cho đến thời điểm hiện nay công ty này vẫn rất khó khăn và hoạt động cầm chừng do số vốn còn quá ít ỏi.

Còn với Tổng công ty XD Thăng Long, dù đã hoàn thành việc thuê thiết kế và trình các cơ quan chức năng các dự án bất động sản nhưng theo lãnh đạo đơn vị này, mọi việc vẫn chưa đâu vào đâu. Một đơn vị khác là Công ty CP cầu 12 vừa qua cũng xin chuyển đổi 6.500m2 đất trụ sở để xây khu nhà hỗn hợp vừa làm văn phòng, vừa cho thuê để tích lũy kinh nghiệm làm các dự án bất động sản khác nhưng cũng rất khó khăn. Dù đã trình UBND TP.Hà Nội từ lâu nhưng do còn nhiều cơ chế bất hợp lý khi chuyển đổi nên dự định này nhiều nguy cơ bị đổ bể.

Trong những tháng gần đây, công tác huy động vốn cho lĩnh vực XDCB giao thông ngày càng hạn hẹp, nhiều công trình đình trệ, nhà thầu thi công xong nhưng chủ đầu tư không có tiền thanh toán nên nhu cầu tham gia vào thị trường bất động sản để giải quyết khó khăn về vốn với các doanh nghiệp giao thông càng lớn hơn.

Chia sẻ với phóng viên Báo GTVT, ông Cấn Hồng Lai, Tổng Giám đốc Tổng công ty XDCTGT 1 cho rằng, trong lúc nguồn vốn cho XDCB giao thông rất hạn hẹp, các dự án đang triển khai bị đình trệ và đọng vốn lớn thì các cơ quan chức năng cần sớm có giải pháp hữu hiệu để hỗ trợ các doanh nghiệp.

Có thể tính đến giải pháp tạo điều kiện mở rộng ngành nghề, giao thêm đất cho các nhà thầu tại những vùng dự án đi qua và các dự án khác để tạo thêm vốn, đồng thời lo công ăn việc làm cho công nhân. “Với lợi thế về kinh nghiệm đi trước đón đầu, năng lực xây lắp và nhân công dồi dào, các doanh nghiệp trong lĩnh vực XDCB giao thông được đánh giá là có rất nhiều cơ hội để tham gia lĩnh vực bất động sản.

Thời gian qua, rất nhiều đơn vị đã nỗ lực tìm con đường riêng cho mình để đầu tư vào lĩnh vực này, nhưng gần như vẫn chưa thể tiếp cận được do cơ chế chưa thật sự cởi mở”- ông Lai khẳng định.
Cafeland.vn - Theo Đức Nguyễn (GTVT)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
Tags: cafeland