Đây là một vấn đề được đặt ra tại hội thảo khoa học Việt - Đức về quy hoạch, kiến trúc, bảo tồn và quản lý đô thị do trường Đại học Xây dựng và Đại học Bauhaus Weimar tổ chức mới đây.

Ảnh TTXVN

Theo TS Phạm Thúy Loan (Khoa Kiến trúc và Quy hoạch đô thị, Đại học Xây dựng), từ năm 2008, ranh giới địa chính Hà Nội đã mở rộng bao trùm một diện tích lớn hơn 3,000km2 và trở thành một trong 17 thủ đô rộng nhất trên thế giới.

Trước đó, năm 2007, Việt Nam đã gia nhập WTO; do vậy TP Hà Nội đang đứng trước ngưỡng cửa của toàn cầu hóa và đô thị hóa chóng mặt. Vấn đề đặt ra là Hà Nội sẽ ra sao trong tương lai? Những giá trị nào TP cần hướng tới: Hiện đại? Tiện nghi? Sống tốt? Có tính cạnh tranh? Bình đẳng?

Nhìn nhận sự phát triển của Hà Nội dưới lăng kính văn hóa trong mối quan hệ biện chứng với biến đổi kinh tế, chính trị và xã hội trong suốt chiều dài lịch sử của TP, TS Phạm Thúy Loan nhận định: Hà Nội có sự giao thao, tương tác giữa những yếu tố thiên nhiên và nhân tạo, giữa yếu tố hiện đại được đưa vào từ bên ngoài và những yếu tố bản địa có nguồn gốc, bản chất nông dân thâm căn cố đế.

Hà Nội là trung tâm chính trị, kinh tế và tri thức của Việt Nam liên tục từ thời Pháp thuộc cũng là nơi các yếu tố mang tính hiện đại nảy sinh và phát triển mạnh mẽ nhất. Tuy nhiên, các yếu tố mang tính hiện đại luôn phải đối diện với sự phản kháng mạnh mẽ có nguồn gốc truyền thống và bản năng dân tộc.

Khi trở thành trung tâm của sự phát triển với sức ép thay đổi liên tục về mặt vật chất và ý thức, Hà Nội cũng đồng thời trở thành trung tâm của các sự phản kháng tự nhiên chống lại những sự thay đổi. Chính vì vậy, có thể nhận thấy Hà Nội thiếu sự hoàn thiện, thiếu tính hệ thống và kế thừa, thiếu tính phổ biến của các yếu tố mang tính hiện đại đồng thời thấy sự pha trộn các ảnh hưởng ngoại lai với các tồn tại ngổn ngang của các yếu tố bản địa.

Hà Nội sẽ luôn là một TP phơi bày một cách “thật” nhất trong kiến trúc, trong không gian đô thị, trong cuộc sống hàng ngày một văn hóa bản địa mang đậm tính nông thôn, tạo cho nó nét riêng, sống động. Nhưng đây cũng chính là trở ngại, một thách thức rất lớn cho công cuộc CNH, HĐH…

Cũng nhìn nhận Hà Nội ở khía cạnh văn hóa, PGS.TS Doãn Minh Khôi (Viện trưởng Viện Quy hoạch và Kiến trúc Đô thị, Đại học Xây dựng) cũng cho rằng: Không gian kiến trúc quy hoạch Hà Nội thể hiện sự đa dạng, phong phú của các kiểu thức.

Đó là kết quả của sự hòa nhập có chọn lọc văn hóa kiến trúc Đông - Tây, dân gian - hiện đại, bản địa - thực dân. Văn hóa Việt Nam đã tiếp nhận theo cách của mình các nền văn hóa khác nhau để tạo nên một phong cách kiến trúc, một kiểu quy hoạch, một đặc trưng cảnh quan riêng. Điều đó được thể hiện bởi sự pha trộn kiểu kiến trúc Đông Dương, kiểu quy hoạch kẻ ô phi chính thống và kiểu tổ chức cảnh quan vừa giống nông thôn vừa như TP.

Tất cả tạo nên một đặc trưng riêng biệt, sự hấp dẫn của văn hóa không gian kiến trúc Hà Nội. “Trong tương lai, người ta cần phải tính đến tất cả các yếu tố đặc trưng văn hóa kiến trúc đô thị của Hà Nội như một hằng số trong quá trình phát triển” - TS Khôi nói.

Với quan điểm “Quy hoạch bền vững và xây dựng sinh thái sẽ là những mô hình phát triển đô thị kiểu mới tại Hà Nội”, TS Nguyễn Quang Minh (Khoa Kiến trúc và Quy hoạch Đô thị, Đại học Xây dựng) cho rằng: Hà Nội sẽ phải đáp ứng 2 yêu cầu.

Một là đơn giản nhưng hiệu quả. Hai là sinh thái song phải phù hợp với khả năng kinh tế của người dân. Dựa trên 2 tiêu chí này, mô hình ở mới sẽ được nghiên cứu trên 2 góc độ là quy hoạch và xây dựng, đồng thời được phát triển dưới nhiều góc độ gồm cảnh quan, giao thông, cấu trúc nhà ở và các loại hình nhà ở, không gian ở và công trình công cộng, năng lượng, nước, VLXD, phương pháp thi công, chất thải, thiết kế nhà và các giải pháp xã hội như sự tiếp cận, khả năng chi trả hướng đến các nhóm dân cư có thu nhập thấp…

Ngoài ra, hội thảo nói trên cũng đề cập đến một số vấn đề khác như bảo tồn di sản đô thị, sự đối nghịch giữa phát triển dự án và di sản đô thị, sự tham gia của cộng đồng trong quy hoạch đô thị…
Cafeland.vn - Theo Báo Xây Dựng
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
Tags: cafeland