Theo số liệu từ Tổng cục thống kê, lạm phát năm 2010 là 11,75% -con số vượt xa chỉ tiêu lạm phát Quốc hội giao cho Chính phủ hồi đầu năm 2010 không quá 7%, chỉ tiêu được điều chỉnh không quá 8%. Tiếp theo đó, chỉ số giá tiêu dùng tháng 1/2011 cả nước vừa được công bố tăng 1,74%, là mức khá cao so với kỳ vọng. Từ những con số trên cho thấy nhiệm vụ kiểm soát lạm phát dưới mức 7% trong năm 2011 là rất khó đối với Chính phủ.

Ác mộng từ lạm phát năm 2010

Lạm phát năm 2010 ở mức 2 chữ số đã nói lên sự bất ổn trong nền kinh tế, cùng với việc quản lý kinh tế vĩ mô của Nhà nước vẫn chưa đạt được hiệu quả như mong muốn. Nguyên nhân gây nên lạm phát cao ở năm 2010 vẫn còn là vấn đề gây tranh cãi.

Theo Hội đồng Tư vấn chính sách tiền tệ Quốc gia thì yếu tố làm lạm phát tăng cao hoàn toàn không do sai lầm trong điều hành vĩ mô nói chung. Chính sách tiền tệ trong năm qua không phải là nhân tố làm cho lạm phát tăng cao. Nguyên nhân chính là xuất phát từ những nhân tố khách quan như sự bất ổn kinh tế, giá cả thế giới và một số yếu tố chủ quan nội tại của nền kinh tế.

Thế nhưng, trong con số 11,75% thì yếu tố tiền tệ đóng góp đến 4,65%, các yếu tố khác chiếm 7,1% là cơ sở để Tổng cục thống kê nhận định rằng nguyên nhân làm lạm phát tăng lên chủ yếu từ yếu tố tiền tệ.

Có thể nói, lạm phát 2010 cao là do yếu tố khách quan lẫn chủ quan. Thiên tai, dịch bệnh xãy ra khiến giá lương thực, thực phẩm tăng... cũng tác động đến lạm phát. Các chính sách được ban hành không đạt được hiệu quả như mong muốn, quản lý giá cả vẫn chưa được thực hiện tốt, nên có một số mặt hàng tăng giá không phải do cung - cầu thị trường, mà do tâm lý như giá vàng, USD tăng chủ yếu là do tâm lý, đầu cơ, găm giữ.

Hiệu quả đầu tư chưa tốt cũng là yếu tố gây áp lực làm gia tăng lạm phát, với nguồn vốn đầu tư lớn dẫn đến nguồn tiền đầu tư tăng, thế nhưng nguồn vốn này lại không tạo ra sản lượng tương xứng, khiến cho nguồn cung hàng hóa thấp hơn so với nguồn cầu dẫn đến áp lực tăng giá hàng hóa.

Ngoài ra, Ngân hàng Nhà nước thực hiện chính sách tự do lãi suất, ngân hàng thương mại lợi dụng điều này đẩy lãi suất huy động lên cao nhằm thu hút nguồn vốn về mình. Lãi suất huy động cao tất yếu làm cho lãi suất cho vay cao, khiến cho doanh nghiệp khó vay được vốn ngân hàng để đầu tư kinh doanh sản xuất. Do đó, để duy trì hoạt động, ngân hàng thương mại buộc phải cấp tín dụng cho các khoản vay đầu tư bất động sản, chứng khoán. Nguồn vốn không đi vào hoạt động sản xuất kinh doanh mà chuyển sang kênh đầu tư không tạo ra giá trị gia tăng, khiến cho chi phí đầu vào của doanh nghiệp tăng cao, tình hình sản xuất kinh doanh gặp nhiều khó khăn, nguồn cung hàng hóa từ đó cũng giảm theo.

Trong năm 2010, nền kinh tế thế giới tiếp tục có những bước phục hồi khả quan. Hầu hết các quốc gia đều có tăng trưởng GDP dương trong năm 2010. Kỳ vọng về sự phục hồi kinh tế khiến cho giá hàng hóa tăng lên. Việc giá cả hàng hóa thế giới tăng lên góp phần làm gia tăng chi phí đầu vào của doanh nghiệp trong nước, từ đó đẩy giá thành lên cao, do doanh nghiệp trong nước còn phải nhập khẩu nhiều loại nguyên vật liệu, phụ liệu cho sản xuất. Đây cũng là nguyên nhân tác động đến lạm phát năm 2010.

alt

Lạm phát năm 2010 vượt xa mục tiêu đề ra hồi đầu năm. Ảnh: Nguồn internet

Khó có thể kiểm soát lạm phát năm 2011

Dư âm của lạm phát từ năm ngoái ít nhiều cũng tác động đến kỳ vọng lạm phát của người dân trong năm 2011. Với con số lạm phát phát từ năm ngoái, thật khó để người dân tin vào lạm phát năm 2011 sẽ được kiểm soát. Lạm phát năm 2010 là 11,75% vượt xa mục tiêu đề ra hồi đầu năm 2010 là 7% sau đó mục tiêu được điều chỉnh là 8%. Do đó mục tiêu đặt ra là kiểm soát lạm soát ở mức dưới 7% trong năm 2011 là sẽ khó thực hiện được.

Thiên tai, dịch bệnh sẽ là trở ngại cho nguồn cung hàng hóa, thiên tai năm nào cũng xãy ra làm cho nguồn cung hàng hóa bị thiếu hụt, nếu như không có những biện pháp ngăn ngừa những thiệt hại do thiên tai gây ra, giữ vững ổn định nguồn cung lương thực, thực phẩm thì áp lực làm tăng giá lương thực, thực phẩm là điều không thể tránh khỏi.

Lãi suất năm 2011 được dự báo khó có thể mà giảm được, do lạm phát cao từ năm 2010 cùng với chỉ số giá tiêu dùng tháng 1/2011 cao hơn so với kỳ vọng. Do đó, doanh nghiệp sẽ tiếp tục gặp khó khăn vay vốn ngân hàng khiến cho chi phí đầu ở mức cao gây khó cho việc sản xuất, tạo nguy cơ khan hiếm nguồn cung hàng hóa.

Chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ là 2 công cụ chủ yếu góp phần thức đẩy tăng trưởng kinh tế, kiểm soát lạm phát. Thế nhưng, trong năm 2010 dường như 2 công cụ này vẫn chưa có sự phối hợp đồng bộ. Thâm hụt ngân sách ở mức 5,8% GDP cho thấy chính sách tài khóa mở rộng, trong khi chính sách tiền tệ thì lại thắt chặt nhằm kiềm chế lạm phát. Mục tiêu kiềm chế lạm phát vẫn chưa đạt được khi chỉ số giá tiêu dùng liên tục ở mức cao ở những tháng cuối năm 2010. Do đó trong năm 2011, các chính sách cần có sự đồng bộ, phối hợp chặt chẽ với nhau, mỗi chính sách đưa ra phải tạo được hiệu quả, ngăn chặn kịp thời nguy cơ lạm phát tăng cao cũng như góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Theo nhận định của CafeLand, kiểm soát lạm phát năm 2011 ở mức dưới 7% -mục tiêu đề ra của Quốc hội sẽ là nhiệm vụ khó khả thi, để kiềm chế lạm phát được như mục tiêu trên thì khả năng hy sinh tăng trưởng kinh tế là điều khó tránh khỏi. Ngoài ra, Chính phủ cần phải sớm xác định chính xác những yếu tố có thể tác động lên lạm phát trong năm 2011, từ đó đưa ra những biện pháp ngăn ngừa những yếu tố đó.

Khách Quan
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
Tags: cafeland