Nhiều dự án động lực, trọng điểm tại Đà Nẵng không hoàn thành hoặc không triển khai theo đúng kế hoạch.

Nhiều dự án động lực, trọng điểm tại Đà Nẵng không hoàn thành hoặc không triển khai theo đúng kế hoạch.

Nhiều dự án chậm

Dự án Nhà ở cho công nhân Khu công nghiệp Hòa Cầm (phường Hòa Thọ Tây, quận Cẩm Lệ) được khởi công vào tháng 4/2019, dự kiến hoàn thành vào tháng 3/2020, nhưng đến nay vẫn còn ngổn ngang. Dự án này thuộc danh mục các dự án trọng điểm của TP. Đà Nẵng, với tổng kinh phí đầu tư 198 tỷ đồng.

Ông Hoàng Hữu Nghị, Phó chủ tịch Liên đoàn Lao động TP. Đà Nẵng cho biết, lý do chậm trễ do năng lực của nhà thầu - Công ty TNHH Thương mại đầu tư và phát triển xây dựng Vinalife yếu.

“Nhiều phần việc, Ban Quản lý đầu tư xây dựng dân dụng và công nghiệp Đà Nẵng phải làm thay cho nhà thầu nhằm đẩy nhanh tiến độ dự án. Thành phố đã tính đến phương án chấm dứt hợp đồng với nhà thầu này nếu tiếp tục để dự án chậm”, ông Nghị thông tin.

Đó chỉ là một trong nhiều dự án động lực, trọng điểm của TP. Đà Nẵng chậm tiến độ. Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư Đà Nẵng, Thành phố có 76 dự án trọng điểm, mang tính động lực cần tập trung triển khai trong giai đoạn 2016 - 2020, gồm: 50 dự án đầu tư từ nguồn vốn ngân sách Thành phố, vốn Trung ương hỗ trợ có mục tiêu; 7 dự án đầu tư từ nguồn vốn của các bộ, ngành; 19 dự án đầu tư từ nguồn vốn của nhà đầu tư. Tuy nhiên, đến cuối tháng 4/2020, chỉ có 1 công trình hoàn thành. Đó là Dự án bãi đỗ xe 255 - Phan Châu Trinh (giai đoạn I).

Trong khi đó, nhiều dự án chậm tiến độ như Dự án Đường ven sông Tuyên Sơn - Túy Loan; Dự án Tuyến đường vành đai phía Tây đoạn từ Quốc lộ 14B đến đường TP.HCM - giai đoạn I; Dự án Nâng cấp, cải tạo các tuyến đường liên xã Hòa Phú - Hòa Ninh...

Một số dự án lớn vẫn đang trình thẩm định, chưa thể triển khai như Dự án cảng Liên Chiểu (đang lập báo cáo đánh giá tác động môi trường); Khu công viên phần mềm số 2; Trung tâm Công nghệ sinh học và nuôi cấy tế bào thực vật (mở rộng); Dự án Nâng cấp, cải tạo hệ thống xử lý nước rỉ rác tại bãi rác Khánh Sơn - giai đoạn II...

Đáng chú ý, còn đến 11 dự án chưa được phê duyệt chủ trương đầu tư.

Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng, ông Huỳnh Đức Thơ đã yêu cầu các sở, ngành phải phối hợp cùng giải quyết các vướng mắc.

Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư Đà Nẵng, nguyên nhân tiến độ triển khai thực hiện các dự án trọng điểm, mang tính động lực còn chậm là do công tác giải tỏa đền bù chậm, nhất là các khu vực thiếu đất tái định cư. Chẳng hạn, tại Dự án Tuyến đường Tuyên Sơn - Túy Loan, người dân xã Hòa Nhơn chủ yếu muốn bố trí tái định cư tại chỗ, song việc quy hoạch, xây khu tái định cư gần 20 ha tại đây không thể thực hiện được, dẫn đến chậm bàn giao mặt bằng.

Thiếu phối hợp

Ông Trần Phước Sơn, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Đà Nẵng cho biết, thủ tục đầu tư là nút thắt đầu tiên cần gỡ vướng cho các dự án trọng điểm để đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công, đặc biệt là giải phóng mặt bằng.

Bên cạnh đó, một số nguyên nhân khác được lãnh đạo TP. Đà Nẵng chỉ ra, như sự thiếu phối hợp, chủ động của các đơn vị được giao thực hiện dự án. Đơn cử, Dự án khơi thông sông Cổ Cò hiện chậm tiến độ so với quyết định của Thành phố. Theo kế hoạch, năm 2020 sẽ bố trí hơn 178 tỷ đồng cho dự án này, nhưng việc thực hiện thủ tục chậm sẽ dẫn đến Dự án chậm khởi công, ảnh hưởng tới giải ngân vốn.

Trong cuộc họp về các dự án động lực trọng điểm diễn ra mới đây, Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng, ông Huỳnh Đức Thơ đã yêu cầu các sở, ngành phải phối hợp cùng giải quyết các vướng mắc.

Theo ông Huỳnh Đức Thơ, hai vướng mắc lớn nhất trong việc thực hiện các dự án là đền bù giải tỏa và thủ tục. Tuy nhiêu, có những thủ tục nhỏ, nhưng các đơn vị lại không ngồi lại xử lý, mà đẩy qua đẩy lại, khiến dự án chậm.

“Phải chủ động, có giải pháp, đừng nghĩ việc này của ban này, sở kia mà không làm… Cán bộ mà chỉ nghĩ đừng sai, an toàn cho mình thôi, còn kệ công việc, thì làm sao dự án không chậm”, ông Huỳnh Đức Thơ nói.

Hoàng Anh (baodautu)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.