Biến đổi khí hậu, nước biển dâng, thiên tai, hạn hán xảy ra thường xuyên cùng với việc dân số tăng đã nhanh chóng đặt vấn đề an ninh lương thực lên thành chuyện quốc gia đại sự của rất nhiều quốc gia. Nước ta hiện là một trong những nước xuất khẩu lúa gạo hàng đầu thế giới, tốc độ tăng dân số cao thì vấn đề bảo vệ đất trồng lúa, bảo đảm an ninh lương thực lại càng cấp bách.

Trước khi có dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), Chính phủ cũng đã ban hành Nghị định 42/2012/NĐ-CP về một số giải pháp bảo vệ đất lúa. Tuy nhiên, trong dự thảo luật lần này, các quy định cụ thể về bảo vệ đất lúa như sau khi thu hồi đất phải có giải pháp cấp bù diện tích đất khác vẫn được quy định khá mờ nhạt, chung chung khiến việc bảo vệ diện tích đất lúa hiện nay có nguy cơ bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Có một thực tế rất nguy hiểm là nhiều người đầu cơ bất động sản hiện dùng “chiến thuật” hoang hóa đất lúa để biến thành đất xây dựng. Họ mua đất trồng lúa của nông dân, sau đó bỏ hoang nhiều năm làm cho đất thoái hóa, bạc màu hoặc tiến hành đổ đất, cát, rác lên đó và từng bước lấn dần như: san lấp, xây dựng trái phép tường rào, nền bê tông... với mục đích là “vô hiệu hóa” việc trồng lúa của mảnh đất này để qua một thời gian thì tiến hành xin chuyển đổi mục đích sử dụng đất. Khi kiểm tra hiện trạng khu đất, cơ quan chức năng xem đó là chuyện đã rồi nên đành chấp thuận cho chuyển đổi và đất lúa nghiễm nhiên thành đất thổ cư, đất xây dựng...

Theo quy định tại khoản 2, Điều 50 dự thảo Luật Đất đai, trường hợp giao đất, cho thuê đất trồng lúa, đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng để sử dụng vào mục đích khác thì phải có văn bản chấp thuận của Thủ tướng Chính phủ. Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia, việc quy định như vậy chỉ thêm thủ tục hành chính, rườm rà hơn chứ chưa thực sự cụ thể, thiết thực trong bảo vệ đất lúa. Bởi vì khi cấp dưới trình lên, nếu thấy đủ hồ sơ hợp lý là chấp thuận chứ làm sao có thể kiểm tra thực tế hàng triệu thửa đất trồng lúa trên cả nước được.

Muốn bảo vệ được đất lúa, trước hết phải có quy định hết sức chặt chẽ, rõ ràng về trình tự, thủ tục, điều kiện được chuyển đổi đất lúa sang loại đất khác. Bên cạnh đó, phải xử lý nghiêm minh, kiên quyết, triệt để hành vi vi phạm pháp luật như đầu cơ đất lúa để chuyển đổi sai mục đích nhằm trục lợi để phòng ngừa, răn đe. Theo đó, ngoài biện pháp xử lý hành chính như buộc khôi phục lại hiện trạng ban đầu, bồi thường, thu hồi đất sai mục đích, cần xử lý hình sự các cá nhân, tổ chức vi phạm. Có như vậy mới mong bảo vệ được diện tích đất lúa trước nguy cơ bị xâm hại, sử dụng tùy tiện vào mục đích khác như hiện nay.

Vĩnh Linh (Sở Tư pháp tỉnh Kon Tum)
Người lao động
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.