Thực hiện Nghị quyết 11 của Chính phủ về kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo an sinh xã hội, Bộ Kế hoạch và Đầu tư được giao nhiệm vụ chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan ngang Bộ, các địa phương triển khai việc cắt giảm đầu tư công, rà soát và loại bỏ các dự án kém hiệu quả năm 2011. BỘ TRƯỞNG BỘ KẾ HOẠCH VÀ ĐẦU TƯ VÕ HỒNG PHÚC cho biết, Bộ đã cử 11 đoàn đi các nơi để xem xét và rà soát các dự án lớn và loại bỏ dự án kém hiệu quả.

- Chống lạm phát trong thời điểm hiện nay có gì khác với năm 2008 khi chúng ta thực hiện chống lạm phát rất mạnh, thưa Bộ trưởng?

- Chống lạm phát kỳ này có khác so với năm 2008. Năm 2008, chúng ta có một yếu tố tác động lớn nhất là giá cả bên ngoài. Nhưng năm nay có 2 mặt, vừa là tác động của giá cả bên ngoài, vừa giá cả bên trong. Giá cả bên trong là do áp lực về giá điện, chúng ta đang điều chỉnh theo cơ chế thị trường. Giá điện tăng lên, đẩy mặt bằng giá khác tăng lên và làm tăng thêm áp lực lạm phát. Chống lạm phát ngày càng khó khăn hơn, do tình hình dự trữ ngoại hối. Năm 2008, chúng ta có một lượng dự trữ ngoại hối khá tốt. Lượng dự trữ ngoại hối thấp sẽ gây áp lực lớn lên tỷ giá. Và khi tỷ giá chịu áp lực sẽ gây áp lực lớn đến mặt bằng giá chung.


- Có phải chúng ta đã tung lượng tiền ra quá lớn, trong đó có cả đầu tư công. Vậy đây có phải là nguyên nhân của lạm phát, thưa Bộ trưởng ?

- Lượng tín dụng đúng là tung ra quá lớn. Năm 2010, dự kiến của Chính phủ là dư nợ tín dụng của cả nền kinh tế là dưới 25%, tuy nhiên đến tháng 12 năm 2010, tổng dư nợ tín dụng của cả nền kinh tế đã là 31%. Đó là lượng tiền tung ra quá lớn để cho đầu tư. Đầu tư công lớn, chúng ta đã giảm trái phiếu Chính phủ. Dự kiến, Chính phủ trước đây khi trình QH lượng trái phiếu Chính phủ là 63 ngàn tỷ đồng, nhưng sau đó QH đã giảm xuống còn 45 ngàn tỷ đồng, và đầu tư từ ngân sách có mức độ. Giờ đây chúng ta cũng xem lại đầu tư cho doanh nghiệp từ ngân sách nhà nước. Thời gian qua, dư nợ tín dụng tăng lên chủ yếu là do đầu tư vào doanh nghiệp nhà nước. Đầu tư công ở đây nên hiểu là đầu tư của cả doanh nghiệp nhà nước, đầu tư của cả Chính phủ là khá lớn.

- Theo chỉ đạo của Chính phủ là phải cắt giảm đầu tư công. Vậy, chúng ta cắt giảm đầu tư công thế nào để nó cũng không ảnh hưởng nhiều đến tốc độ tăng trưởng kinh tế?

- Chính phủ không đặt mục tiêu cụ thể, mà tăng trưởng kinh tế ở mức tối đa có thể. Chúng ta không phấn đấu là giữ mức bao nhiêu cả. Đó là cái mới trong chống lạm phát kỳ này. Tỷ lệ lạm phát Chính phủ muốn kiềm chế càng thấp càng tốt, cho nên Chính phủ chỉ đạo không nhằm mục tiêu tăng trưởng mà nhằm mục tiêu kiềm chế lạm phát. Chúng ta có một chính sách cân bằng khi không duy trì được mục tiêu về tăng trưởng, các vấn đề về việc làm, an sinh xã hội, thu nhập của người dân sẽ có vấn đề, thì Chính phủ sẽ đưa ra các vấn đề về an sinh xã hội để bù đắp lại những khó khăn khi tăng trưởng kinh tế không đạt kế hoạch.

- Chúng ta cắt giảm chi tiêu công sẽ dẫn tới vừa bị lạm phát vừa trì trệ trong phát triển kinh tế. Vậy, việc này có đáng lo ngại không, thưa Bộ trưởng?

- Sẽ có phần nào đó tác động đến tăng trưởng, nhưng cũng không đáng ngại vì chúng ta có một chính sách hợp lý để giữ một mức độ tăng trưởng nhất định và vẫn bảo đảm mục tiêu chống lạm phát. Cho nên việc này không có tác động gì lớn cả.

- Luôn có những vấn đề phát sinh khi đầu tư. Chính phủ có ngoại lệ nào khi có những khoản chi thêm ngoài dự kiến không, thưa Bộ trưởng?

- Sẽ không có những khoản chi ngoài dự kiến. Chỉ có những khoản chi trong ngân sách Nhà nước. Hiện nay Chính phủ chưa đặt vấn đề cắt giảm chi ngân sách hoặc đầu tư từ trái phiếu mà Quốc hội đã phê duyệt. Con số đó tôi cho là đã hợp lý. Nếu như cắt giảm những khoản tạm ứng đó thì chúng ta đã hạn chế, cắt giảm chi tiêu, đầu tư công.

- Hiệu quả chi tiêu công hiện nay ra sao, thưa Bộ trưởng?

- Phải thực hiện chặt chẽ Nghị quyết 11 của Chính phủ, kiên quyết không cho tạm ứng, chỉ cho thực hiện, triển khai các dự án khi đủ điều kiện, và các dự án hiệu quả. Còn các dự án không đủ điều kiện, không mang lại hiệu quả thì kiên quyết không cho triển khai. Các doanh nghiệp Nhà nước, các tập đoàn cũng phải thực hiện triệt để nghị quyết này hạn chế đầu tư vào các dự án không có hiệu quả.

- Sẽ giám sát như thế nào để các doanh nghiệp nhà nước đạt được hiệu quả đầu tư, thưa Bộ trưởng?

- Phải có một đơn vị giám sát thật chặt chẽ. Phải có một cơ quan được tổ chức để giám sát các tập đoàn chứ để như hiện nay, mỗi bộ nắm một vài tập đoàn và không quản lý chặt thì không thực hiện được việc giám sát. Chúng ta cũng phải xem xét lại các dự án của họ và những dự án nào đầu tư chưa cần thiết thì phải hạn chế; kể cả những dự án đầu tư nước ngoài. Các dự án đầu tư nước ngoài cũng đang là vấn đề, có những dự án đầu tư quá lớn và mang tiền ra nước ngoài, góp phần làm tăng áp lực về nhu cầu ngoại tệ và góp phần làm tăng lạm phát. Chúng tôi đang xem xét rà soát lại dự án của các tập đoàn.

- Xin cám ơn Bộ trưởng!

tag: cat giam dau tu cong

Cafeland.vn - Theo Đại biểu nhân dân
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
Tags: cafeland