Nguồn cung ngoại hối trong thời điểm cuối năm 2010 và đầu năm 2011 dồi dào hơn so với trước đó vài tháng. Một khi cung USD tăng lên, các ngân hàng, doanh nghiệp và thậm chí người dân đang tìm cách găm giữ đồng USD thay thế kim loại vàng. Các ngân hàng đã bắt đầu cho một cuộc đua tăng lãi suất để nắm giữ đồng USD trên thị trường từ lượng kiều hối chuyển về Việt Nam trong dịp Tết Nguyên đán này.

8 tỉ USD chuyển về Việt Nam gây bất ngờ cho giới chuyên gia.


Lượng USD đột ngột chảy về

Càng dần về cuối năm, dòng kiều hối trên thị trường tiền tệ có những chuyển biến tăng rõ nét. Theo thống kê của Vụ Quản lý ngoại hối Ngân hàng Nhà nước, trong năm 2010, tổng lượng kiều hối trên cả nước vượt 8 tỉ USD. Nguồn cung USD trên thị trường tiền tệ có xu hướng "thăng hoa". Áp lực lên tỉ giá đang dần giải nhiệt. Phần nào cho thấy, lãi suất USD tại Việt Nam hấp dẫn kiều bào và nhà đầu tư nước ngoài. Nguồn cung USD tăng cũng do tác động bởi nhu cầu chuyển tiền về cho người thân vào dịp Noel, Tết Nguyên đán cho người thân.

Còn nhớ năm 2008, ảnh hưởng suy thoái của nền kinh tế thế giới khiến nền kinh tế các nước phát triển chao đảo. Sang năm 2009, nền kinh tế thế giới vẫn còn bị phủ một đám mây u ám mang tên "suy thoái". Bà con Việt kiều làm ăn ở nước ngoài gặp phải nhiều khó khăn nhất định. Rõ nét nhất, lượng USD chuyển về Việt Nam chỉ đạt 6 tỉ USD. Nếu so với năm 2008, lượng kiều hối đạt 7,2 tỉ USD, mức giảm tương ứng 13%. Dẫu sao, năm 2009 cũng là năm "bản lề" để nền kinh tế các nước phát triển từng bước gượng dậy. Các gói hỗ trợ kích cầu của chính phủ nhiều nước được tung ra. Các nền kinh tế lớn gồm Mỹ, EU, Nhật Bản và Trung Quốc đang bắt đầu có những dấu hiệu chững lại sau cuộc khủng hoảng lan rộng. Nhiều gói kích cầu đã phát huy tác dụng đáng kể.

Đồng USD mất giá từ 15% đến 20% so với "rổ tiền tệ" thế giới.

PGS.TS Trần Hoàng Ngân, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia phân tích: "Bước sang năm 2010, nền kinh tế thế giới có những chuyển biến rõ nét nên bà con Việt kiều có công việc thu nhập tốt hơn, lượng USD chuyển về nhiều hơn. Bên cạnh lượng kiều hối tiêu dùng còn có lượng kiều hối đầu tư. Bà con gửi về một phần cho thân nhân tiêu xài và một phần đầu tư gián tiếp thông qua Việt Nam".

Điều này thể hiện môi trường đầu tư Việt Nam cải thiện và có khả năng phát triển mạnh trong tương lai. Niềm tin của bà con kiều bào xa quê hương vào thị trường tiền tệ Việt Nam như được tiếp sức khiến nguồn cung ngoại tệ tăng mạnh. Với lượng kiều hối năm 2010 đạt hơn 8 tỉ USD đã phá vỡ các kỷ lục trước đó và gây sửng sốt giới chuyên gia. Ban đầu, theo phân tích, dự kiến lượng kiều hối năm 2010 chỉ đạt vào khoảng 6 tỉ USD.

Thống kê ước tính của Ngân hàng Nhà nước, 6 tháng đầu năm 2010, lượng kiều hối chỉ mới ở mức khoảng 3,6 tỉ USD. Càng dần về cuối năm, lượng kiều hối đổ về Việt Nam như dòng nước, càng lúc chảy càng mạnh hơn. Những ngày cuối năm, lượng kiều hối tăng đột biến. Lẽ ra, nếu lượng USD chảy về Việt Nam sớm hơn sẽ không gây bất ngờ cho giới chuyên gia. Nguồn kiều hối chuyển về sẽ làm cải thiện thâm hụt cán cân thanh toán tổng thể của Việt Nam.

Thống kê của Bộ Công thương, năm 2010, nhập siêu cả nước ước đạt 12,3 tỉ USD. Trong đó, kim ngạch nhập khẩu khoảng 84 tỉ USD, tăng 20% và xuất khẩu đạt 71,63 tỉ, tăng 25,5% so với năm 2009. Trước đây, dự kiến thâm hụt mậu dịch năm 2010 hơn 14 tỷ USD thì với dòng kiều hối trên làm giảm thâm hụt khoảng 2 tỷ đến 2,5 tỷ, góp phần làm giảm áp lực vào sự tăng giá USD mạnh trong thời gian vừa qua.

"Áp thấp nhiệt đới" có tạo thành... cơn bão mang tên lãi suất đồng USD?

Còn nhớ, trong tháng 11/2010, tỷ giá USD đột ngột tăng mạnh nhưng đến tháng 12, dòng kiều hối đổ về Việt Nam như cơn mưa giải hạn sự căng thẳng tột độ. Trên thị trường phi chính thức, ngày 30/11, giá USD đạt mức 21.450 đồng, có những lúc chạm ngưỡng 22.000 đồng. Theo niêm yết của Ngân hàng Nhà nước, giá USD chỉ ở mức 19.500 đồng. Lãi suất USD trên các ngân hàng trong những ngày giáp Tết càng hấp dẫn giới đầu tư nước ngoài. Nếu như lãi suất USD có kỳ hạn 3 tháng ở thị trường quốc tế chỉ dao động ở mức 0,25 - 0,3%, thế nhưng, tại Việt Nam, lãi suất USD đã lên mức 6%/năm. Có nhiều người lầm tưởng và lạc quan với nguồn USD tăng đột biến.

Tiến sĩ Lê Thẩm Dương, Trưởng khoa Quản trị doanh nghiệp Trường Đại học Ngân hàng cảnh báo: "Đến một lúc nào đó, khi thị trường tiền tệ Việt Nam kém hấp dẫn và nguồn cung USD sẽ lại "trôi" ra khỏi thị trường". Đây cũng là nguyên tắc dễ hiểu cứ như "nước chảy về chỗ trũng". Khi "vùng trũng" được lấp đầy, nguồn cung USD trên thị trường ngoại hối sẽ không thể tránh khỏi cơn sốt. Lúc đó, tỷ giá sẽ hình thành đợt "áp thấp nhiệt đới" và có nguy cơ trở thành… cơn bão. Nói là "cơn bão" tỷ giá cũng đúng vì không còn xa lạ với người dân Việt Nam, nhất là đối với giới kinh doanh xuất nhập khẩu. Có điều, những cơn bão được dự đoán chính xác hay không để các doanh nghiệp có thể tránh những thiệt hại đáng kể. Không phải trong các đợt sốt tỷ giá, tất cả các doanh nghiệp đều chịu thiệt thòi. Trái lại, có những doanh nghiệp còn được hưởng lợi từ những đơn bão mang tên tỷ giá.

Vẫn thời điểm đầu tháng 11/2010, tỷ giá USD đột ngột leo thang, nhiều doanh nghiệp bất ngờ thu lợi nhuận lớn. Nếu như đầu năm là dịp nhập khẩu nguyên liệu để thực hiện chiến lược sản xuất và xuất khẩu thì cuối năm, các doanh nghiệp bắt đầu ồ ạt xuất khẩu hàng hóa để kết sổ. Chỉ với chênh lệch tỷ giá, một số doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản, may mặc, dầu khí… đã có lời từ 30 đến 40% lợi nhuận thu được.

Nắm bắt nhu cầu nguồn ngoại tệ đang dư thừa trên thị trường, các ngân hàng chạy đua cùng các doanh nghiệp "găm giữ" đồng USD bằng cách tăng lãi suất. Cuối tuần rồi, cuộc đua tăng lãi suất tại các Ngân hàng Thương mại bắt đầu sôi động. "Nước dâng thuyền nổi", khi các tiểu gia ngân hàng khơi mào cho mức huy động lãi suất vượt 6%/năm thì các đại gia ngân hàng không thể ngồi yên. Khi Ngân hàng Thương mại cổ phần Việt Nam Thương Tín (Vietbank) đồng loạt tăng lãi suất lên 6%/năm thì Ngân hàng Thương mại cổ phần Nam Việt (NaviBank) đã ở mức 6,24%/năm. Cuộc đua lãi suất huy động USD của các ngân hàng sẽ còn sôi động đến hết quý I/2011. Thậm chí, có thể kéo dài sang đến quý II/2011.

Người dân thấy được nguồn cung ngoại tệ về nhiều, áp lực tỷ giá sẽ giảm do cung tăng và giải quyết được tâm lý của người dân. Trong tương lai, tỷ giá sẽ lệ thuộc vào cung cầu và điều hành của Nhà nước. Cũng có nghĩa, cung cầu mất cân đối, lượng ngoại tệ sẽ được rút ra khỏi thị trường. Dễ nhận thấy nhất, trong những ngày vừa qua, tỷ giá USD tại các ngân hàng thương mại có dấu hiệu dịu đi và giảm nhẹ. Nguồn cung và cầu USD đang dần lấy lại thăng bằng. Theo giám đốc một ngân hàng thương mại khẳng định, thị trường ngoại hối mà trong đó là đồng USD đã giảm "sốc" thực sự trước nguồn cung USD tăng nhanh vào thời điểm cuối năm.

Có thực sự, con số 8 tỉ USD đã làm yên lòng các chuyên gia kinh tế? Câu trả lời là chưa! Và, theo đánh giá, vẫn còn là con số tiềm ẩn nhiều may rủi. Hiện nay, bình quân mỗi năm lượng ngoại hối chuyển về 6 đến 7 tỉ USD. Con số 8 tỉ USD, tăng 13% mà thực tế, vẫn chỉ tương đương với lượng 7 tỉ USD năm 2009 và 6 tỉ USD năm 2008. Cuộc khủng hoảng kinh tế ở các nước phát triển đã "đánh chìm" đồng bạc xanh. Đồng USD mất giá từ 15% đến 20% so với rổ tiền tệ thế giới. Thật vậy, nếu so giá trị giữa đồng USD gửi về với giá vàng trên thế giới thì vẫn không có gì thay đổi.

Xin kết bài viết bằng sự lo lắng và sự trăn trở của Tiến sĩ Lê Thẩm Dương, Trưởng khoa Quản trị doanh nghiệp, Trường Đại học Ngân hàng: "Để thu hút được lượng ngoại tệ cần phải cân đối vĩ mô, hấp dẫn đầu tư thì tự khắc nguồn USD sẽ tìm đường đến thị trường tiền tệ Việt Nam. Dòng USD đổ về một cách vững chãi, không về một cách… ăn nhất thời".

Lượng USD đang chảy vào Việt Nam với lãi suất hấp dẫn hơn các ngân hàng tại nước ngoài, bà con kiều bào ngoài việc gửi tiền về quê hương cho người dân tiêu xài thì còn nhằm mục đích gửi tiết kiệm và đầu tư gián tiếp thông qua Việt Nam. Nhìn nhận về góc độ tâm lý của người dân và giới đầu tư tại nước ngoài về cung cầu thị trường ngoại hối, theo PGS.TS Trần Hoàng Ngân, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia cho rằng: "Nguồn cung USD nhiều tạo tâm lý lạc quan cho người dân. Bà con kiều bào luôn gắn bó với đất nước. Không chỉ có 87 triệu dân ở Việt Nam mà còn trên 3 triệu kiều bào ở nước ngoài cùng chung sức với mục tiêu phát triển nền kinh tế Việt Nam một cách bền vững. Đây cũng là sự lạc quan đáng kể. Năm nay, bên cạnh kiều hối thì sẽ có 1 dòng vốn đầu tư gián tiếp của nước ngoài đổ vào nên nguồn cung ngoại tệ sẽ phong phú nhiều hơn tỷ giá năm 2011 sẽ không còn là cú sốc cho nền kinh tế Việt Nam".


Cafeland.vn - Theo CAND
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
Tags: cafeland