Thành phố Hồ Chí Minh là đô thị lớn nhất nước với dân số khoảng 7,2 triệu người (tháng 4/2009), có vai trò trung tâm về nhiều mặt - kinh tế, tài chính-ngân hàng, …và là đầu mối giao lưu quốc tế của khu vực phía Nam và cả nước. TP.HCM cũng là một trong 2 khu vực sôi động nhất cả nước về thị trường Nhà ở.

Thành phố Hồ Chí Minh đang trong quá trình đô thị hóa, quy hoạch, chỉnh trang, dân cư từng bước được phân bố lại theo sự điều phối chủ động của Chính quyền Thành phố. Ban Chấp hành Đảng bộ Thành phố đã ban hành Chương trình hành động số 06-Ctr/TU ngày 12/6/2006 về Chương trình Nhà ở giai đoạn 2006-2010. Sau 5 năm triển khai thực hiện, kết quả đạt được khả quan.

* Chương trình xây dựng ký túc xá sinh viên:

Bắt đầu thực hiện từ năm 2009 theo Nghị quyết số 18/NQ-CP ngày 20 tháng 4 năm 2009 của Chính phủ và Quyết định số 65/2009/QĐ-TTg ngày 24 tháng 4 năm 2009 của Thủ tướng Chính phủ; Thành phố đã lập Ban Chỉ đạo xây dựng ký túc xá sinh viên của thành phố, tập trung chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ thực hiện xây dựng các khu ký túc xá sinh viên tại cụm các trường phía Đông Bắc, phía Nam Thành phố; đến nay, đã khởi công xây dựng 05 dự án, dự kiến hoàn thành trong năm 2011 với quy mô 612.000 m2 sàn xây dựng, đáp ứng được 67.000 chỗ ở cho sinh viên với tổng vốn đầu tư là 3.884 tỷ đồng, chủ yếu do nhà nước đầu tư xây dựng bằng nguồn vốn ngân sách (trái phiếu Chính phủ).

* Chương trình nhà ở xã hội:

Góp phần giải quyết khó khăn về nhà ở cho các đối tượng là cán bộ, công nhân viên, sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp thuộc lực lượng vũ trang nhân dân,…., Trong 5 năm qua, Thành phố đã xây dựng hoàn thành 8.321 căn nhà ở xã hội, tương đương 1.243.424 m2 sàn (vượt 13% so với chỉ tiêu 1,1 triệu m2). Đầu năm 2010, đã khởi công 03 dự án nhà ở xã hội với diện tích đất là 2,65 ha, quy mô 1.280 căn nhà ở xã hội, tương đương 110.706 m2 sàn, dự kiến hoàn thành vào năm 2011 - 2012; hoàn thành 02 dự án với quy mô 152 căn nhà ở xã hội, tương đương 15.559 m2 sàn xây dựng. Tuy nhiên, việc đầu tư xây dựng nhà ở xã hội vẫn còn nhiều khó khăn do điều kiện ngân sách thành phố có hạn; việc xã hội hóa đầu tư xây dựng bằng nguồn vốn ngoài ngân sách còn nhiều hạn chế; … Trong năm 2009 - 2010, Thành phố có cơ chế hoán đổi quyền sử dụng “đất công” (đất do nhà nước trực tiếp quản lý) để tạo quỹ nhà ở phục vụ đầu tư nhà ở xã hội.

* Chương trình nhà ở thu nhập thấp: Nhu cầu nhà ở cho người thu nhập thấp trên địa bàn thành phố là rất lớn. Tính đến tháng 9/2010, đã có 12 chủ đầu tư đăng ký chính thức xin tham gia chương trình đầu tư xây dựng nhà ở thu nhập thấp với quy mô 16,7 ha đất, 817.361,8 m2 sàn xây dựng, 10.186 căn hộ. UBND TP.HCM đã chấp thuận chủ trương đầu tư xây dựng nhà ở thu nhập thấp cho 05 Chủ đầu tư với quy mô 17,7 ha đất; 582.000m2 sàn xây dựng, 6.329 căn hộ phục vụ khoảng 22.000 người. Trong năm 2010, đã khởi công được 2 dự án với quy mô 852 căn hộ, tổng diện tích sàn xây dựng 79.000m2, tổng mức đầu tư 543,6 tỷ đồng.

* Chương trình “Xây dựng 1 triệu m2 nhà lưu trú công nhân”: Với chủ trương xã hội hóa nhà ở công nhân, về cơ bản thành phố đã đáp ứng được chỗ ở cho công nhân. Tính đến nay, tổng diện tích sàn nhà lưu trú công nhân xây dựng là 1,36 triệu m2, vượt 36% so với chỉ tiêu đến năm 2010 là 1 triệu m2, đáp ứng khoảng 433.000 chỗ ở, trong đó Nhà nước và các doanh nghiệp đầu tư là 137.300 m2 đạt 10%, đáp ứng khoảng 18.800 chỗ ở, phần còn lại xã hội hóa đầu tư xây dựng. Việc các cá nhân, hộ gia đình tham gia đầu tư xây dựng nhà ở cho công nhân thuê đáp ứng phần lớn (90%) nhu cầu xã hội cho thấy chủ trương và các cơ chế chính sách xã hội hóa việc đầu tư xây dựng nhà ở cho công nhân của thành phố là đúng đắn, mang lại hiệu quả cao. Tuy nhiên không ít nhà trọ tư nhân của các hộ gia đình chưa đảm bảo chất lượng theo quy định..

alt

* Chương trình di dời 15.000 hộ dân sống trên và ven kênh rạch: Công tác di dời, tái định cư các hộ dân sống trên và ven kênh rạch thành phố đến nay đã đạt được kết quả nhất định, góp phần vào quá trình phát triển và chỉnh trang đô thị, cải thiện môi trường và từng bước hoàn chỉnh cơ sở hạ tầng kỹ thuật đô thị. Tính từ năm 2006 đến nay, tổng số hộ đã thực hiện di dời của chương trình là 7.297/15.000 hộ (đạt 48,6%), dự ước đến cuối năm 2010 đạt trên 8.000 hộ (53,3%).

6 Thành tựu nổi bật về thực hiện phát triển nhà ở trên địa bàn

  1. Chương trình nhà ở đã thể hiện trách nhiệm của toàn hệ thống chính trị trong việc tạo lập và phát triển quỹ nhà ở, tạo điều kiện nâng cao chất lượng sống cho cư dân thành phố; góp phần chỉnh trang đô thị, tạo quỹ nhà ở tái định cư, nhà ở xã hội, nhà lưu trú công nhân, góp phần ổn định chính trị, xã hội.
  2. Dưới góc độ kinh tế, chương trình nhà ở gắn liền với xã hội hóa đầu tư, thu hút vốn đầu tư trong lĩnh vực nhà ở, góp phần kiến tạo thị trường bất động sản dần ổn định, phát triển đúng định hướng, tính lành mạnh của thị trường từng bước được cải thiện, góp phần làm cho kinh tế thành phố tăng trưởng bền vững.
  3. Đối với văn hóa xã hội, qua chương trình phát triển nhà ở, việc chỉnh trang đô thị để từng bước cải tạo bộ mặt kiến trúc của Thành phố, thay đổi mô hình nhà ở từ nhà phố thấp tầng lụp xụp, nhà ổ chuột ven kênh rạch,…sang nhà chung cư cao tầng hiện đại, có lối sống mới với cơ sở hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội từng bước được hoàn chỉnh, cảnh quan kiến trúc đô thị ngày càng tốt hơn, hiện đại hơn.
  4. Về công tác quy hoạch, thông qua chương trình phát triển nhà ở đã góp phần thúc đẩy việc thực thi quy hoạch phát triển đô thị, việc các khu đô thị mới được tiến hành đồng thời với chỉnh trang đô thị hiện hữu, bước đầu đạt một số kết quả thiết thực trong việc thay đổi tập quán cư trú từ nhà phố sang nhà cao tầng, từng bước tái bố trí dân cư và mở rộng không gian đô thị;… góp phần chuyển đổi cơ cấu kinh tế Thành phố phù hợp với giai đoạn hiện tại và tương lai…
  5. Về mặt quản lý nhà nước, thời gian qua Thành phố đã tập trung chỉ đạo tăng cường công tác quản lý nhà nước về xây dựng và chất lượng công trình. Thành phố đã phân cấp cho các quận - huyện và giao nhiệm vụ cụ thể cho Chủ tịch Ủy ban nhân dân các quận - huyện chủ động thực hiện các chương trình nhà ở tái định cư, chương trình cải tạo xây dựng mới các chung cư hư hỏng nặng…
  6. Đẩy mạnh xã hội hóa đầu tư xây dựng các loại nhà ở.

6 Bài học kinh nghiệm:

1. Bài học kinh nghiệm đầu tiên là việc xác định đúng mục tiêu của chương trình nhà ở, gắn với hiện trạng kinh tế - xã hội của Thành phố. Kết quả đạt được của Chương trình nhà ở không chỉ giải quyết bài toán an sinh - xã hội cho nhân dân mà còn hỗ trợ thúc đẩy phát triển kinh tế, hiện đại hóa đô thị.

2. Trong tổ chức thực hiện, cần xác định phát triển nhà ở là một quá trình liên tục và lâu dài, đây là công tác đòi hỏi phải giải quyết hiệu quả các vấn đề: ( i) Cơ chế chính sách (gồm hành lang pháp lý, chủ trương đầu tư,…); ( ii) Vốn đầu tư; ( iii) Vấn đề về bộ máy, nguồn nhân lực. Từ kinh nghiệm giai đoạn 2006 - 2010 cho thấy, để chương trình nhà ở triển khai thực hiện hiệu quả, cần quan tâm đến các công tác sau:

- Về cơ chế chính sách: Bên cạnh việc tuân thủ các quy định của pháp luật về quản lý đầu tư xây dựng và phát triển nhà ở, địa phương cần mạnh dạn kiến nghị Trung ương giải quyết hoặc áp dụng các cơ chế ưu đãi (về đất đai, về vốn, về kiến trúc, về cơ chế hoàn vốn theo các hình thức hợp đồng hợp tác, về nghĩa vụ thuế và hỗ trợ lãi suất…) nhằm khuyến khích thu hút các chủ đầu tư tham gia các chương trình nhà ở.

- Về vốn đầu tư: Tùy từng chương trình sẽ có hình thức thu hút vốn đầu tư phù hợp, có thể sử dụng vốn ngân sách nhà nước hoặc kêu gọi xã hội hóa đầu tư (tư nhân đầu tư, Nhà nước mua lại quỹ nhà hoặc đầu tư theo hình thức hợp đồng chuyển giao, cơ chế hoán đổi đất công,…) để giảm áp lực ngân sách nhà nước trong đầu tư phát triển quỹ nhà, sử dụng vốn trái phiếu Chính phủ hoặc vốn ODA cho công tác chỉnh trang, nâng cấp đô thị.

- Về bộ máy, năng lực của chủ đầu tư, tư vấn, nhà thầu thi công: Cần nâng cao năng lực của chủ đầu tư về quản lý, phát triển dự án, chủ đầu tư không chỉ là đơn vị thụ hưởng mà còn là đơn vị theo dõi, đánh giá tiến độ, chất lượng của dự án đầu tư.

3. Đối với từng loại hình nhà ở, cần xác định nhu cầu và khả năng đầu tư, làm cơ sở để xây dựng chương trình phát triển nhà ở tại địa phương. Trong công tác quy hoạch, Ủy ban Nhân dân các quận, huyện cần gắn kết quy hoạch xây dựng đô thị với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất tại địa phương, tạo quỹ đất đáp ứng cho nhu cầu phát triển nhà ở, nhất là nhà ở cho người thu nhập thấp, nhà ở xã hội trên địa bàn.

4, Phát huy vai trò và tính chủ đạo của Ủy ban nhân dân các quận - huyện trong công tác quy hoạch xây dựng phát triển nhà ở cũng như vai trò chủ dự án trong công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, tái định cư, đẩy nhanh tiến độ của dự án. Để đảm bảo hiệu quả của từng chương trình, các địa phương cần có kế hoạch chi tiết, xác định đối tượng của từng loại hình nhà ở, quỹ đất để đầu tư (vị trí, địa điểm), các chỉ tiêu quy hoạch - kiến trúc, vốn đầu tư và phân kỳ từng giai đoạn thực hiện, mô hình đầu tư xây dựng và quản lý, khai thác, vận hành đối với các dự án nhà ở.

5. Đối với nhà ở xã hội, do nguồn vốn ngân sách còn hạn chế, cần phải có kế hoạch lâu dài tạo nguồn đất do Nhà nước trực tiếp quản lý và có cơ chế hỗ trợ tài chính hơn nữa cho các chủ đầu tư, các doanh nghiệp tham gia đầu tư xây dựng nhà ở xã hội. Đối với các chương trình nhà lưu trú công nhân, nhà tái định cư, ký túc xá sinh viên, có các giải pháp cụ thể, phù hợp thúc đẩy xã hội hóa đầu tư, sử dụng nguồn vốn ngoài ngân sách tham gia chương trình, hỗ trợ các chủ đầu tư về cơ chế tài chính, thủ tục đầu tư.

6. Qua thực tế phát triển nhà ở trên địa bàn thành phố, việc phát triển nhà ở theo dạng chung cư hiện đại cao tầng là phù hợp mang lại hiệu quả cao về nhiều mặt. Vì vậy, cần tiếp tục nghiên cứu giới thiệu các mô hình ở, từng bước thay đổi tập quán, nhận thức của người dân từ nhà ở riêng lẻ thấp tầng sang nhà chung cư cao tầng hiện đại, từ sở hữu nhà sang thuê nhà để ở. ta

tag: bai hoc tu bds, dau tu bds

Cafeland.vn - Theo Tạp chí bất động sản nhà đất VIỆT NAM
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
Tags: cafeland