Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại Lễ ra mắt Ủy ban Quản lý vốn nhà nước. Ảnh: Báo Chính phủ
Sau gần 8 tháng thành lập, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước đã chính thức được ra mắt với nhiệm vụ tiếp nhận quyền đại diện chủ sở hữu Nhà nước tại 19 doanh nghiệp Nhà nước với số vốn chủ sở hữu là trên 1 triệu tỷ đồng, tổng giá trị tài sản là hơn 2,3 triệu tỷ đồng.
Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước ra đời theo Nghị quyết 9 của Chính phủ, ban hành tháng 2/2018.
Theo Nghị định số 131 của Chính phủ, ban hành hôm qua (29/9) thì Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước thuộc Chính phủ, được Chính phủ giao thực hiện quyền, trách nhiệm của đại diện chủ sở hữu nhà nước đối với doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ và phần vốn nhà nước đầu tư tại công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên.
Phát biểu tại buổi lễ, Thủ tướng yêu cầu sau một năm hoạt động, Ủy ban phải tạo được sự đổi mới mạnh mẽ, sự khác biệt trong thực hiện quyền đại diện chủ sở hữu vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, góp phần giải quyết việc làm, nộp ngân sách Nhà nước, tăng trưởng kinh tế.
Theo Nghị định, có 7 Tập đoàn và 12 Tổng Công ty được Chính phủ giao Ủy ban trực tiếp làm đại diện chủ sở hữu gồm: Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT), Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (VRG), Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV), Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex), Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem), Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước (SCIC), Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV), Tổng công ty Viễn thông Mobifone, Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines), Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR), Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC), Tổng công ty Thuốc lá Việt nam (Vinataba), Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines), Tổng công ty Lương thực miền Bắc (Vinafood), Tổng công ty Lương thực mien Nam (Vinafood 2), Tổng công ty Cà phê Việt Nam (Vinacafe).