18/02/2011 2:57 AM
Dự kiến, Đồ án Quy hoạch chung Thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn đến 2050 (gọi tắt là quy hoạch chung) sẽ được trình Chính phủ thông qua trong quý I này. Sự kiện này được người dân đặc biệt quan tâm với kỳ vọng lớn đặt ra cho đồ án là mục tiêu phát triển bền vững.


Người dân Hà Nội xem sa bàn quy hoạch chung Thủ đô Ảnh: Thanh Hải

Theo Dự thảo Quy hoạch chung mới nhất do Bộ Xây dựng báo cáo, đồ án đã tập trung xây dựng và phát triển thủ đô Hà Nội trở thành Thành phố xanh - Văn hiến - Văn minh - Hiện đại, trên nền tảng phát triển bền vững, là trung tâm hành chính - chính trị quốc gia, đồng thời có tầm ảnh hưởng khu vực; hạn chế việc phát triển loang rộng và thiếu kiểm soát của đô thị trung tâm. Hệ thống sông hồ được khai thác không chỉ nhằm xác định hình ảnh đặc trưng của đô thị Hà Nội mà còn phục vụ mục tiêu kiểm soát tốt việc thoát nước, tránh ngập úng khi có mưa lớn dài ngày; phòng, chống thiên tai, lũ lụt và ứng phó với biến đổi khí hậu. Trong đó, Thủ đô Hà Nội được xây dựng phát triển bền vững theo mô hình chùm đô thị gồm đô thị hạt nhân trung tâm kết nối với 5 đô thị vệ tinh và các thị trấn thuộc khu vực nông thôn. Đô thị lõi sẽ nằm ở cả hai phía tả và hữu sông Hồng, được quy hoạch trở thành trung tâm chính trị, văn hóa, lịch sử, dịch vụ , y tế, đào tạo chất lượng cao của Hà Nội và cả nước.


Dự báo đến năm 2030, dân số đô thị lõi vào khoảng 4 - 4,6 triệu người. Các đô thị vệ tinh gồm: Hòa Lạc, Sơn Tây, Xuân Mai, Phú Xuyên - Phú Minh và Sóc Sơn, dự báo dân số khoảng 1,3 - 1,4 triệu người. Các đô thị này sẽ mang những chức năng đặc thù riêng để phát triển và hỗ trợ, chia sẻ với đô thị trung tâm hạt nhân về nhà ở, đào tạo chất lượng cao, công nghiệp, dịch vụ..., giải quyết công ăn việc làm cho người dân đô thị, nông thôn và dân nhập cư. Phát triển cơ sở hạ tầng đồng bộ, sử dụng giao thông công cộng là phương tiện chủ yếu để kết nối đô thị trung tâm với các đô thị vệ tinh. Đồ án xác định mục tiêu nâng cấp hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội, giảm sự quá tải về dịch vụ y tế, giáo dục, nhà ở, công sở làm việc, các công trình văn hóa, thể dục - thể thao, vui chơi giải trí, công viên cây xanh… tại khu vực nội thành. Dành quỹ đất dự trữ trong quy hoạch để phát triển các công trình hạ tầng xã hội đô thị và xây dựng các trụ sở làm việc.


Những khu vực hành lang xanh, nêm xanh tạo ra các vùng đệm giữa khu vực bảo tồn và khu vực phát triển là một trong những yếu tố mấu chốt cho sự phát triển bền vững của Hà Nội. Ngay từ nhiệm vụ quy hoạch của đồ án quy hoạch chung được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đã xác định rõ các giải pháp nghiên cứu quy hoạch không gian, giao thông, hạ tầng kỹ thuật… đều lồng ghép nội dung nghiên cứu bảo vệ môi trường có tính chiến lược theo các giai đoan quy hoạch.


Hà Nội hiện nay đang phải đối mặt với nhiều vấn đề bức xúc về môi trường. Vì thế, bảo vệ môi trường Thủ đô cần được giải quyết bằng nhiều giải pháp tổng thể, đồng bộ nhằm kiểm soát ô nhiễm các khu vực phát triển, xử lý các cơ sở gây ô nhiễm, xử lý triệt để chất thải rắn, lỏng, khí, đảm bảo chất lượng không khí trong lành, phục hồi môi trường nước các dòng sông ô nhiễm, cải thiện chất lượng nước, cải thiện và sử dụng bền vững tài nguyên đất, giảm thiểu tai biến môi trường, hạn chế thiên tai lũ lụt, bảo vệ cảnh quan môi trường, bảo vệ rừng, các thảm thực vật, phát triển các hệ sinh thái tự nhiên… Đồng thời đảm bảo các điều kiện xã hội đặc biệt tại các khu nghèo đô thị, khu tái định cư, vùng ven đô. Nghiên cứu đánh giá môi trường chiến lược cho thấy, quy hoạch chung sẽ góp phần quan trọng trong việc phòng ngừa, khắc phục ô nhiễm và suy thoái môi trường cũng như cải thiện mạnh mẽ chất lượng môi trường sống trong quá trình phát triển đô thị hiện nay và trong những năm tiếp theo. Những định hướng lớn trong quy hoạch về tổng thể đều phù hợp với mục tiêu bảo vệ và cải thiện môi trường của Thủ đô.

Cafeland.vn - Theo KT&ĐT
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
Tags: cafeland