24/03/2011 1:29 AM
Ông Vikram Nehru, kinh tế trưởng của Ngân hàng Thế giới tại khu vực Đông Á và Thái Bình Dương trả lời phỏng vấn riêng của SGTT bên lề Hội nghị phát triển Đông Á tổ chức tại Singapore trong hai ngày 21-22.3.

Việt Nam lại đối diện với bất ổn kinh tế vĩ mô trở lại trong bối cảnh các nền kinh tế khu vực đã dần thoát ra khỏi khủng hoảng. Ông có bất ngờ về điều này không?













Theo ông Vikram Nehru, Chính phủ Việt Nam đúng khi đang cố lấy lại niềm tin thị trường bằng chính sách tài khóa, tiền tệ thắt chặt.

Việt Nam đã làm tốt trong giai đoạn khủng hoảng và đã đạt được tốc độ tăng trưởng cao. Tôi nghĩ vấn đề nằm ở chỗ Việt Nam đã không rút các gói kích thích tiền tệ và tài khóa đủ sớm. Một trong những lý do mà Việt Nam không làm vậy, theo tôi, là nhằm đảm bảo tiếp tục tăng trưởng kinh tế. Sau Đại hội Đảng, chính phủ đã rất rõ ràng trong các hành động nhằm khôi phục ổn định kinh tế vĩ mô. Hàng loạt các hành động liên quan đến chính sách tài khóa, tiền tệ, tỷ giá và doanh nghiệp nhà nước đã được nêu ra trong Nghị quyết 11, và tôi rất ấn tượng với các biện pháp đó.

Vậy vì sao Ngân hàng Thế giới vẫn dự báo lạm phát của Việt Nam tới 9,5% trong năm nay, mức cao hơn nhiều so với các nền kinh tế ASEAN khác?

Hãy cẩn thận điểm này nhé. Chúng ta hãy nhìn vào lạm phát lõi (core inflation). Lạm phát lõi bị ảnh hưởng bởi giá lương thực, thực phẩm. Nhưng anh vẫn đúng bởi lạm phát vẫn là mối lo ngại vĩ mô lớn. Chính phủ đã biết cách để giảm lạm phát xuống thông qua các chính sách đã công bố. Tôi nghĩ trong hai ba tháng tới, mức lạm phát sẽ xuống rất nhanh vì đã đến lúc nó phải xuống rồi. Cái giá phải trả, cũng như sức ép sẽ rất lớn nếu lạm phát duy trì ở mức cao như hiện tại. Chúng tôi hi vọng lạm phát sẽ giảm xuống ở mức hợp lý nếu chính phủ tiếp tục những biện pháp kinh tế vĩ mô đúng đắn.

Nhưng Việt Nam phải xử lý lạm phát năm nay trong hoàn cảnh đã khác năm 2008 vì hiện nay giá nguyên liệu và hàng hóa trên thế giới đang tăng nhanh?

Tôi lại nghĩ lạm phát năm nay ở Việt Nam giống với những gì xảy ra trong các năm 2007-2008. Nói cách khác, tín dụng đã được mở rộng quá nhanh giống như giai đoạn 2007-2008, khi nền kinh tế nhận được luồng vốn vào quá lớn. Nguy cơ lớn với Việt Nam là Việt Nam đã hoạt động tốt và thu hút được luồng vốn vào lớn làm chính phủ rất khó quản lý. Điều này dẫn đến nền kinh tế quá nóng và gây ra lạm phát. Chính phủ đã liệt kê ra biện pháp để xử lý điều này.

Do thiếu một chiến lược thuyết phục để giải quyết bất ổn kinh tế vĩ mô, nền kinh tế Việt Nam đã sa lầy từ giai đoạn bất ổn này đến giai đoạn bất ổn khác trong vòng 3 năm qua. Về tổng quan, một vài tháng tới còn đầy thách thức, dù những thay đổi chính sách gần đây đã giảm được một số nguy cơ… Nếu được thực hiện thành công, những chính sách ổn định kinh tế có thể làm giảm tăng trưởng trong ngắn hạn, song sẽ giúp Việt Nam lấy lại được tiềm năng tăng trưởng như trước khủng hoảng trong trung hạn. (Trích báo cáo tháng Ba của ngân hang Thế giới công bố tại Hội nghị phát triển Đông Á và Thái Bình Dương)

Chính phủ đang cố lấy lại niềm tin thị trường bằng chính sách tài khóa, tiền tệ thắt chặt. Bình luận của ông?

Tôi nghĩ họ đang làm đúng. Nếu chính phủ thể hiện là làm đúng như những gì tuyên bố trong Nghị quyết 11, bao gồm cả việc giải quyết những vấn đề nghiêm trọng của khu vực doanh nghiệp nhà nước, thì họ sẽ lại dành được niềm tin của thị trường.

Ở điểm này, Chính phủ cần tăng mức dự trữ ngoại hối đang ở mức thấp không cần thiết, và giảm dần lạm phát đang ở mức cao. Ngoài ra, họ cũng cần xử lý vấn đề niềm tin liên quan đến khu vực doanh nghiệp nhà nước sau vụ Vinashin.

Có hai điểm yếu nhất trong nền kinh tế mà Việt Nam cần tập trung xử lý là hệ thống ngân hàng; và các nhóm kinh tế chẳng hạn như khu vực doanh nghiệp nhà nước mà Vinashin là trường hợp điển hình như tôi vừa nói.

Ngân hàng Thế giới ước tính mục “lỗi và sai số” lên tới 10 tỷ USD trong năm 2010 và 10 tỷ USD khác trong năm 2009, tức là số tiền này không nằm trong hệ thống ngân hàng, dù Việt Nam vẫn thặng dư cán cân thanh toán. Ông giải thích điều này thế nào?

Vấn đề kinh tế vĩ mô trong thời gian qua đã gây ra một cuộc khủng hoảng niềm tin, làm người dân và doanh nghiệp đã chuyển từ tiền đồng sang đô la Mỹ và vàng vì họ sợ lạm phát leo thang và bất ổn chính sách. Điều này đã và đang xảy ra. Hiện tại, nếu chính phủ có những quyết định đúng đắn, thì người dân và doanh nghiệp sẽ lại chuyển từ tiền đồng sang đô la Mỹ, và Việt Nam lại có thể tăng dự trữ ngoại hối. Điều tương tự cũng đã xảy ra vào đầu năm 2008.

Cafeland.vn - Theo SGTT
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
Tags: cafeland