Số lượng dự án xây dựng nhà ở cho công nhân các khu công nghiệp (KCN) và nhà ở cho người thu nhập thấp ở đô thị được các địa phương đăng ký khá nhiều. Tuy nhiên, thực tế là số dự án khởi công xây dựng còn khiêm tốn, do thiếu quỹ đất "sạch" và nguồn vốn.
Đăng ký nhiều, triển khai ít

Nhà ở cho người thu nhập thấp tại Ngô Thì Nhậm, quận Hà Đông đang được hoàn thiện. Ảnh: Thái Hiền


Đánh giá về chương trình nhà ở cho công nhân và người thu nhập thấp ở đô thị, Bộ Xây dựng cho rằng, bên cạnh sự quan tâm của nhiều địa phương, doanh nghiệp (DN) thuộc các thành phần kinh tế cũng rất tích cực tham gia, nên số lượng dự án đăng ký ngày càng tăng. Song số dự án đã khởi công chiếm tỷ lệ nhỏ. Trong số 110 dự án nhà ở cho công nhân KCN được các địa phương đăng ký giai đoạn 2009-2015, với tổng vốn đầu tư 25.554 tỷ đồng (trong đó vốn của DN là 24.425 tỷ đồng, vốn ngân sách địa phương 1.129 tỷ đồng), quy mô xây dựng 6.039.898m2 sàn, mới có 24 dự án khởi công với tổng vốn đầu tư 2.600 tỷ đồng, tổng diện tích sàn 753.000m2, góp phần giải quyết chỗ ở cho khoảng 125.000 người. Đối với chương trình xây dựng nhà ở cho người có thu nhập thấp ở đô thị, các địa phương đã đăng ký 189 dự án trong giai đoạn 2009-2015, với vốn đầu tư là 28.550 tỷ đồng (trong đó vốn từ DN là 27.240 tỷ đồng, vốn ngân sách địa phương 1.310 tỷ đồng). Quy mô xây dựng được đăng ký là 7.106.272m2 sàn, tương ứng với 166.390 căn hộ, đáp ứng nhu cầu ở cho khoảng 700.000 người. Đến nay, mới có 37 dự án khởi công, tổng vốn đầu tư khoảng 3.600 tỷ đồng, tổng diện tích sàn 750.000m2, góp phần giải quyết chỗ ở cho khoảng 64.000 người. Hiện đã có 927 căn hộ hoàn thành phần xây dựng, trong đó tại Hà Nội có 815 căn hộ, TP Hồ Chí Minh có 112 căn hộ.

Nhiều dự án chậm khởi công là do địa phương chưa có quy hoạch, kế hoạch bố trí quỹ đất để phát triển nhà ở công nhân và nhà ở cho người có thu nhập thấp. Trong khi đó, theo Nghị quyết số 18/NQ-CP của Chính phủ, UBND cấp tỉnh phải rà soát, điều chỉnh hoặc bổ sung quỹ đất để phát triển nhà ở sinh viên, nhà ở công nhân KCN và nhà ở thu nhập thấp trong quy hoạch chung, quy hoạch chi tiết xây dựng của địa phương (kể cả quỹ đất dành để xây dựng nhà ở xã hội nhưng chưa sử dụng để giao cho DN xây dựng nhà ở thu nhập thấp). Thứ nữa, việc triển khai chính sách nhà ở cho công nhân KCN và người thu nhập thấp tại khu vực đô thị gặp khó khăn lớn về vốn bởi Nhà nước không trực tiếp đầu tư xây dựng nhà ở cho hai đối tượng này. DN lại khó tiếp cận với các nguồn vốn vay của các tổ chức tín dụng trong nước, vốn đầu tư của DN nước ngoài (FDI), vốn vay của các tổ chức tín dụng quốc tế (ODA)...

Bài toán nhà ở xã hội cho thuê

Bộ Xây dựng thừa nhận, mặc dù từ năm 1991 Nhà nước đã đưa tiền nhà ở vào lương để người làm công tự chủ trong việc tạo lập chỗ ở, nhưng cơ cấu tiền nhà ở tính trong tiền lương mới đạt 8-10%, trong khi giá cả ngày càng tăng, giá nhà đất ngày càng cao so với tiền lương thực tế được chi trả, nên người hưởng lương từ ngân sách, đặc biệt là công nhân KCN, người thu nhập thấp khu vực đô thị khó có khả năng tạo lập chỗ ở cho mình. Mặt khác, những chính sách khuyến khích, ưu đãi đầu tư phát triển nhà ở đã ban hành chỉ thông qua các dự án, DN kinh doanh nhà, chưa đến trực tiếp đối tượng thụ hưởng, dẫn đến tình trạng DN chỉ quan tâm đến lợi nhuận, phát triển nhà ở thương mại, nhà có tiện nghi cao, thu hồi vốn nhanh mà không quan tâm đến nhà ở cho những người thu nhập thấp, có khó khăn về nhà ở. Bên cạnh đó, trên thị trường mới hình thành các loại căn hộ nhà ở để bán, chưa có nhà ở cho thuê, chưa tạo sự thay đổi về nhận thức từ “sở hữu nhà” sang “thuê nhà” ở như nhiều nước trên thế giới.

Để hỗ trợ cải thiện nhà ở cho người thu nhập thấp và các đối tượng chính sách xã hội, Bộ Xây dựng đề xuất nguyên tắc không áp dụng cơ chế, chính sách chung cho tất cả đối tượng, mà mỗi loại đối tượng sẽ được áp dụng theo từng hình thức và biện pháp hỗ trợ phù hợp. Việc phát triển nhà ở xã hội được thực hiện thông qua các hình thức Nhà nước đầu tư ngân sách xây dựng nhà ở cho thuê. Các DN đề nghị cùng với việc tiếp cận nguồn vốn ưu đãi và quỹ đất, ngân hàng nên áp dụng cơ chế tín dụng hai chiều để tạo thuận lợi cho cả chủ đầu tư lẫn người mua nhà vay vốn. Khi ngân hàng cho chủ đầu tư vay vốn thì khách hàng của dự án phải nộp tiền mua nhà qua ngân hàng đó để kiểm soát việc sử dụng vốn, đồng thời giúp khách tín chấp vay tiền mua nhà bằng chính căn hộ đó. Với những khó khăn đó, liệu mục tiêu bảo đảm nhà ở cho người có thu nhập thấp có dễ thành hiện thực?

Theo thống kê tại khu vực đô thị, hiện có khoảng 20%, tương đương 1,35 triệu hộ có thu nhập thấp và nhà ở chật hẹp (bình quân diện tích sàn nhà ở dưới 10m2/người). Đến năm 2020, khu vực đô thị cả nước cần phát triển thêm 6,74 triệu căn nhà ở, trong đó tổng nhu cầu về nhà ở của người có thu nhập thấp, thực sự rất khó khăn trong việc cải thiện chỗ ở khoảng 1,17 triệu căn. Trong khi đó, đến năm 2020, tổng diện tích các KCN đạt khoảng 80.000ha và nhu cầu về nhà ở cho công nhân tại các KCN khoảng 33,6 triệu mét vuông.
Cafeland.vn - Theo Hà Nội mới
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
Tags: cafeland