CafeLand - Ngành thiết kế nói chung và thiết kế nội thất nói riêng, đã và đang trở thành nghề được ưa chuộng. Không chỉ với người làm nghề mà cả với khách hàng sử dụng dịch vụ. Nguyên nhân là do đời sống và nhận thức xã hội cũng như sự cảm thụ cuộc sống của mọi người ngày càng được nâng cao.

Thế nhưng, thế nào thì được gọi là thiết kế đúng nghĩa và thế nào là thiết kế có giá trị?

Đây chính là điều còn phải bàn và cần phải hiểu khi việc thiết kế ngày càng trở nên phổ biến và quen thuộc trong cuộc sống, với mọi người và ở trên nhiều lĩnh vực chứ không chỉ riêng gì nội thất.

Trong bài này, PGdecor chỉ tạm dừng thảo luận ở việc thiết kế nội thất.

Nếu bạn từng “chạm” vào nghề, dù trên cương vị khách hàng, người quan sát hay người thiết kế,… thì có thể thấy thiết kế nội thất vốn đã rất đa dạng về phong cách, cách thể hiện cũng như cách tạo ra sản phẩm. Nay nó còn đa dạng hơn tùy theo mỗi cách hiểu của “khách hàng” và “người thiết kế”.

Đa phần khách hàng khi thiết kế thì chỉ quan tâm đến “phối cảnh 3D” vì họ không thích hoặc không hiểu bản vẽ kỹ thuật, cũng không thích hình minh họa vì đơn giản “đó không phải của tôi”. Với họ, chỉ cần 3D.

Họ đúng hay sai? Còn tùy, tùy vào quy trình thiết kế, tùy vào nội dung không gian và tùy vào người thể hiện. Nhưng nói thẳng: sai nhiều hơn.

Phối cảnh 3D khi nằm trong tay khách hàng, xin nói thêm là có khi chỉ là những hình ảnh “giống” nhà mình hoặc tập hợp các hình mình thích chứ không phải tất cả được vẽ cho chính công trình của mình. Họ vội vã nghĩ việc thiết kế như vậy là xong và đi chuyển sang giai đoạn tìm mua những đồ “giống” trong hình hoặc đặt 1 xưởng sản xuất “giống” trong hình. Trò chơi may rủi lúc này mới thực sự bắt đầu và chỉ một thời gian ngắn sau, không ít khách hàng đã trả giá, với cái giá không hề rẻ đến vài trăm triệu, kèm theo thời gian và công sức uổng phí.

Tại sao?

Là vì phối cảnh 3D chỉ thực sự hữu dụng khi nó được hình thành sau một quá trình làm việc nghiêm túc, thống nhất hết các nội dung và thể hiện chân thực các nội dung đã thống nhất cũng như hiện trạng thực tế của công trình. Nếu không nghiêm túc thiết kế, bức hình tạo ra nếu không phải vẽ vì thói quen thì cũng là dựa trên không gian có sẵn nào đó. Nếu không thống nhất hết các nội dung trước khi vẽ 3D thì cái ảnh gọi là 3D đó chỉ là sản phẩm từ sự vô trách nhiệm của cả khách hàng lần người thiết kế. Và nếu việc thể hiện không chân thật về kích thước, vật liệu và hình khối thì sản phẩm cuối cùng nếu đẹp thì thực sự không hơn 1 bức tranh, vẽ thật đẹp ra để treo lên tường trang trí hoặc cất đi làm kỷ niệm.

Về phía người thiết kế, có cầu, ắt có cung, đó là lẽ thường tình của thị trường. Và từ đó những họa viên học đồ họa 3 tháng nghiễm nhiên biến thành “nhà thiết kế” còn những nhà thiết kế học 5 năm cũng từ đó chuyển hóa thành “họa viên” hay giới trong nghề còn có tên gọi đau xót hơn là “họa nô”. Mỗi ngày những người này có thể đẻ ra 3-5 hình phối cảnh để phục vụ thượng khách. Cùng với đó là những thư viện đồ họa, mode đồ bán sẵn có thị trường để phát triển, nạn ăn cắt ý tưởng, ăn cắp hình ảnh, ăn cắp bản vẽ trở nên phổ biến,... liệu đó có phải là xu thế của thị trường?

Vậy tóm lại, thiết kế nội thất cần làm những gì và thế nào là đủ?

Là khách hàng, chủ đầu tư hay người thuê thiết kế, PGdecor khuyên các bạn hãy là những khách hàng thông minh. Trước khi thuê thiết kế, thay vì nghĩ về giá thiết kế, nghĩ đến những thương hiệu uy tín hay những lời giới thiệu có cánh,... bạn hãy nghĩ thật sâu, thật thực tế về chính dự án của mình, về những gì mình muốn có, cần có và những gì mình phải có. Tiếp đó là những gì mình thích, mình ghét,... đồng thời tìm hiểu thêm thông qua internet, tạp chí về những thứ liên quan. Để đảm bảo mình có cái nhìn sơ bộ về công việc mình sẽ trao đổi với người thiết kế. Nếu làm được như vậy, bạn sẽ hạn chế được việc mất thời gian và công sức cũng như rủi ro sau này.

Còn đối với người thiết kế, đơn vị thiết kế, chúng ta cũng có những rủi ro nhất định khi làm nghề. Nhẹ thì mất tiền mất sức mất thời gian, nặng thì có thể mất uy tín và thương hiệu. Để tránh những rủi ro đó, mỗi người thiết kế cần xây dựng cho mình một nền tảng kiến thức và kỹ năng đủ tốt, kèm theo đó là một cái tâm đủ sáng khi đứng trước khách hàng và dự án. Không đặt lợi ích tài chính của mình lên trước khách hàng hay dự án.

Phan Nam - Pgdecor
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.