Đến nay, tình hình pháp luật đã thay đổi và rõ ràng, nếu giữ án lệ tranh chấp đòi lại tài sản này sẽ tạo ra nhiều hệ quả pháp lý phức tạp
Án lệ số 02/2016 về vụ án tranh chấp đòi lại tài sản tại tỉnh Sóc Trăng giữa bà Nguyễn Thị Thảnh và ông Nguyễn Văn Tám đã được TAND Tối cao thông qua vào tháng 4-2016 (quyết định giám đốc thẩm số 27/2010 của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao), không còn phù hợp lẽ công bằng và các đạo luật mới ban hành.
Hướng dẫn theo đường lối cũ
Án lệ số 02/2016 lấy từ quyết định giám đốc thẩm số 27/2010 chỉ phù hợp với đường lối giải quyết của TAND Tối cao hướng dẫn áp dụng quy định của Luật đất đai 2003, Luật Nhà ở năm 2005 và BLDS 2005. Trong một thời gian khá dài (gần 10 năm) do các đạo luật thời điểm đó bất cập hạn chế quyền của Việt kiều trong giao dịch bất động sản. Thời điểm mà tòa án các cấp mỗi mỗi nơi xét xử kiểu…
Vì vậy, lúc đó tòa Dân sự TAND Tối cao đã có báo cáo tham luận và sau đó hình thành đường lối xét xử các tranh chấp người Việt Nam định cư ở nước ngoài không có quyền sở hữu nhà, phải nhờ người thân đứng tên giùm.
Án lệ trên là một trong những quyết định áp dụng đương lối hướng dẫn của TAND tối cao thời điểm đó. Cần nói thêm, tuy chỉ là quan điểm TAND tối cao dưới hình thức tham luận, báo cáo, công văn hướng dẫn nhưng sau đó hầu hết TAND các cấp đã xét xử theo quan điểm này.
Đến nay, tình hình pháp luật đã thay đổi. Cụ thể, khi Hiến pháp 2013 ra đời, hàng loại đạo luật mới đã được ban hành theo hướng đảm bảo quyền con người, nên không thể áp dụng quyết định giám đốc thẩm áp dụng đường lối từ năm 2010 để trở thành án lệ áp dụng trong tình hình mới.
Sẽ dẫn đến nhiều hệ lụy xấu
Áp dụng án lệ này sẽ gây nhiều hệ quả pháp lý xấu.
Thứ nhất, sẽ cổ súy cho cho các chủ thể vi phạm Luật Nhà ở 2015, Luật Đất đai 2013 và BLDS 2015 không đủ điều kiên giao dịch nhưng vẫn xác lập giao dịch ngầm, nhà nước không quản lý được.
Thứ hai, đường lối án lệ này giúp cho bên đứng tên giùm “lật kèo” được hưởng lợi từ gia chênh lệch. Cổ súy hành vi lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản của người khác. Thực tế, đã có vụ người đứng tên giùm tự ý bán tài sản của Việt Kiều nhờ đứng tên bị xử lý hình sự về hành vi chiếm đoạt tài sản; có vụ khi xử dân sự và người lật kèo được hưởng lợi giá trị chênh lệch như cách phân chia trong án lệ. Thông qua việc công khai án lệ này, bên lật kèo yêu cầu áp dụng để được hưởng lợi trái với lẽ công bằng và không có căn cứ luật hiện hành.
Thứ ba, áp dụng án lệ này có thể phát sinh những hậu quả pháp lý gây thiệt hại đến quyền lợi hợp pháp của các bên đương sự trong thi hành án (THA). Chẳng hạn khi THA kê biên nhà đất đứng tên của người phải THA, nhưng sau đó THA phải hoãn thi hành do phát sinh vụ kiện đòi tài sản kê biên với lý do nhà đất bị kê biên tuy đứng tên người phải THA, nhưng họ chỉ là người đứng tên giùm.
Có trường hợp người phải THA còn xuất trình giấy viết tay đứng tên giùm một Việt Kiều để yêu cầu hoãn THA. Ra tòa hai bên thỏa thuận giao tài sản cho Việt Kiều. Nếu công nhận như án lệ này thì đương nhiên người THA không còn tài sản để THA. Vô hình trung việc thi hành bản án có hiệu lực và quyết định kê biên trở thành vô nghĩa. Khi đó quyền lợi hợp pháp của người được THA theo bản án có hiệu lực thành trắng tay.
Do sự biến chuyển của tình hình, sự thay đổi của Hiến pháp và các luật. bộ luật cho thấy án lệ này không còn phù hợp. Tôi nghĩ hội đồng thầm phán cần xem xét hủy bỏ hoặc thay thế án lệ này theo quy định. Việc xét xử loại án này cần áp dụng các đạo luật mới đã quy định cụ thể.
LS Nguyễn Hồng Hà (PLTP)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.