Bản vẽ hiện trạng hoàn công (2 bản chính); bản hợp đồng thi công với đơn vị có
giấy phép hành nghề (1 bản sao) kèm 1 bản sao giấy phép hành nghề của đơn vị
thi công (có thị thực sao y) hoặc biên lai thu xây dựng.
Tôi có một số thắc mắc xin được giải đáp như sau:
Ở mục "Bản vẽ hiện trạng hoàn công", bản vẽ này sẽ do ai vẽ? Có cần
thuê người ở phường xuống đo đạc hay chính tôi sẽ đo đạc và vẽ lại (xin được
hướng dẫn cụ thể)?
Và điều quan trọng là tôi ký hợp đồng với 1 đơn vị thi công không có giấy phép
hành nghề (trong quá trình xây dựng nhà tôi bị phạt 3 triệu đồng vì đơn vị
không có giấy phép hành nghề nhưng nhà vẫn tiếp tục được hoàn thành). Với
trường hợp của tôi thì phải giải quyết thế nào để có thể làm thủ tục hoàn công
nhà? Và nếu không làm hoàn công nhà thì sẽ có ảnh hưởng gì không?
(Vynam, VPNOCSEN@...)
- Trả lời:
- Về việc hoàn tất thủ tục hoàn công nhà:
Do thư không cho biết căn nhà của ông thuộc tỉnh, thành phố nào nên luật sư chỉ có thể trả lời như sau:
1/ Về việc lập bản vẽ hoàn công công trình xây dựng
Căn cứ khoản 2, điều 27, nghị định số 209/2004/NĐ-CP ngày 16-12-2004 của Chính phủ, nhà thầu thi công xây dựng có trách nhiệm lập bản vẽ hoàn công công trình xây dựng.
Theo điều 11 thông tư số 39/2009/TT-BXD ngày 9-12-2009 của Bộ Xây dựng, đối với nhà ở có tổng diện tích sàn xây dựng nhỏ hơn 250m2 hay dưới 3 tầng thì mọi tổ chức, cá nhân được thi công xây dựng nhà ở nếu có kinh nghiệm đã từng thi công xây dựng nhà ở có quy mô tương tự hay thực hiện công việc tương tự.
Đối với nhà ở có tổng diện tích xây dựng lớn hơn 250m2 hay ở từ 3 tầng trở lên, nhà ở có tầng hầm hay thi công nâng tầng nhà ở thì tổ chức thi công xây dựng phải có đủ điều kiện năng lực thi công xây dựng theo quy định tại điều 35 nghị định 12/2009/NĐ-CP.
Như vậy, ông có thể tham khảo hướng dẫn nêu trên để xác định việc lập bản vẽ hoàn công công trình xây dựng phải do cá nhân đơn vị nào lập, nếu diện tích sàn nhỏ hơn 250m2 hay nhà có quy mô dưới 3 tầng thì cá nhân hay tổ chức đã có kinh nghiệm xây nhà tương tự đều có quyền xây dựng và sau khi xây dựng xong thì lập bản vẽ hoàn công công trình xây dựng. Nếu nhà có diện tích sàn lớn hơn 250m2 hay trên 3 tầng… thì phải do đơn vị có điều kiện năng lực như đã nêu trên xây dựng và lập bản vẽ hoàn công công trình xây dựng khi xây dựng xong.
Căn cứ vào quyết định nêu trên thì ông không cần nhờ phường đến để đo đạc như thư trình bày, vì phường không có chức năng lập bản vẽ nghiệm thu công trình xây dựng.
2/ Về hợp đồng thi công xây dựng
Cũng có 2 trường hợp tương tự đã nêu trên, nếu nhà của ông có diện tích sàn dưới 250m2 hay dưới 3 tầng thì ông có thể ký kết hợp đồng thi công xây dựng với tổ chức, cá nhân có kinh nghiệm đã từng thi công xây dựng nhà tương tự. Nếu diện tích sàn của căn nhà trên 250m2 hay trên 3 tầng… thì ông phải ký hợp đồng thi công xây dựng với tổ chức có chứng chỉ hành nghề thi công xây dựng và có đủ điều kiện năng lực thi công xây dựng theo quyết định tại điều 53 nghị định 12/2009/NĐ-CP.
3/ Về câu hỏi nếu trường hợp của ông buộc phải ký kết hợp đồng thi công xây dựng với đơn vị có chứng chỉ hành nghề thi công xây dựng, nhưng thực tế ông không làm như vậy thì giải quyết ra sao?
Căn cứ điều 10 nghị định 23/2009/NĐ-CP ngày 27-2-2009 của Chính phủ thì đối với vi phạm của chủ đầu tư liên quan đến việc thuê nhà thầu xây dựng không đủ năng lực, kinh nghiệm xây dựng nhà, sau khi bị phạt tiền không bắt buộc thực hiện đúng quy định về điều kiện khởi công xây dựng.
Do đó, theo quy định này thì có thể hiểu việc ông không có hợp đồng thi công xây dựng hợp lệ không làm ảnh hưởng đến việc hoàn công và cấp chủ quyền sở hữu căn nhà. Để giải quyết cụ thể trường hợp này, ông có thể liên hệ với phòng tài nguyên - môi trường quận/huyện tại nơi có căn nhà để được xem xét và giải quyết.
4/ Trường hợp không tiến hành thủ tục hoàn công
Về nguyên tắc, hồ sơ hoàn công là cơ sở để xem xét công nhận quyền sở hữu nhà ở cho ông. Do đó, nếu ông không tiến hành hồ sơ nêu trên thì ông sẽ không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền công nhận quyền sở hữu căn nhà.
Trân trọng.