Sự gia tăng của các trợ lý ảo được đánh giá là bước đi quan trọng định hình tương lai của internet và là tiến hóa của công nghệ “tìm kiếm”, hướng tới một dịch vụ tương tác cá nhân nhiều hơn.

Trợ lý ảo là một khái niệm mới trong lĩnh vực công nghệ, phần mềm, lần đầu được biết tới trên thế giới vào năm 1961 tại Hội chợ Thế giới Seattle, dưới dạng một thiết bị có tên IBM Shoebox, với khả năng nhận diện giọng nói.

Đến năm 1970, Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ và cơ quan DARPA của Bộ này đã phát triển công cụ "Harpy" có thể nhận dạng khoảng 1000 từ, tương đương vốn từ vựng của một đứa bé 3 tuổi.

Phải tới những năm 1990, trợ lý ảo mới được các nhà sản xuất hàng đầu như Microsoft, IBM, Philips và Lernout & Hauspie chính thức nghiên cứu và áp dụng trên các máy tính cá nhân. Trong đó, sự kiện ra mắt chiếc điện thoại thông minh đầu tiên IBM Simon vào năm 1994 đặt nền móng cho các trợ lý ảo thông minh mà ta biết tới ngày nay.

Năm 2011, trợ lý ảo số hiện đại đầu tiên được cài đặt trên một điện thoại thông minh là Siri, từng được giới thiệu là một tính năng trên chiếc iPhone 4S. Từ năm 2017 đến nay, trợ lý ảo bắt đầu được người dùng chú ý nhờ các ứng dụng thực tiễn, đặc biệt là sự đầu tư mạnh tay từ các tập đoàn lớn như Amazon với Alexa, Google với Google Assistant hay Apple với Siri.

Gần đây nhất, Google đã bổ sung tiếng Việt vào danh sách những ngôn ngữ được hỗ trợ bởi Google Assistant. Nhờ đó, người Việt đã có thể sử dụng những câu lệnh bằng tiếng Việt để hỏi đáp, truy vấn thông tin.

Còn trước đây, người Việt muốn sử dụng Google Assistant buộc phải ra lệnh bằng tiếng Anh (hoặc một ngôn ngữ nước ngoài khác). Rào cản ngôn ngữ khiến cho Google Assistant không được sử dụng rộng rãi tại Việt Nam.

Trợ lý ảo số hiện đại đầu tiên là Siri trên iPhone

Thời của trợ lý ảo

Trong khoảng 1 thập kỉ trợ lại đây, vẫn chưa có một cuộc cách mạng nào thực sự có thể thay đổi thói quen của người dùng.

Tuy vậy, những năm gần đây, sự phát triển của công nghệ AI, nhận diện giọng nói và máy học hứa hẹn sẽ tạo ra một cuộc cách mạng mới về hình thức tương tác với các thiết bị công nghệ. Không bấm, không vuốt, người dùng tương lai có thể sẽ chuyển sang nói.

Ưu điểm của ra lệnh giọng nói là giúp người dùng tương tác với thiết bị ít hơn nhưng có hiệu suất làm việc cao hơn. Điều này rất cần thiết cho lối sống đa nhiệm. Người dùng có thể vừa chuẩn bị bữa sáng, vừa nghe trợ lý ảo đọc tin tức. Hay có thể vừa lái xe và ra lệnh tìm kiếm đường. Giọng nói là hình thức tương tác giúp rút ngắn thời gian nhập lệnh tốt nhất hiện nay.

Ngoài ra, trợ lý ảo nhận lệnh bằng giọng nói có thể giúp người dùng giảm dần thời gian sử dụng điện thoại di động, điều mà các ông lớn công nghệ bắt đầu quan tâm.

Với trợ lý ảo Siri có sẵn trên iPhone, điều khiển TV từ xa của Apple, người dùng sẽ không cần dùng tay bấm bấm đổi kênh hoặc tìm chương trình mới, thay vào đó, chỉ cần đơn giản ra lệnh cho chiếc điều khiển. Nếu muốn biết thời tiết hoặc kết quả của một sự kiện thể thao, cũng qua giọng nói, Siri sẽ giúp người dùng có được câu trả lời nhanh chóng.

Google và Microsoft thì tích hợp các trợ lý ảo trên smartphone là Google Now và Cortana. Amazon tung ra một thiết bị chơi nhạc, đọc sách và có thể giúp mua hàng thông qua Amazon.

Baidu, một người khổng lồ internet Trung Quốc, đưa ra trợ lý kỹ thuật số Duer và khoe rằng "công nghệ nhận diện giọng nói của Baidu hoạt động tốt hơn những gì mà công nghệ hiện nay có thể làm được trong môi trường bị nhiễu tiếng ồn, chẳng hạn như trong xe hơi hay đám đông".

Còn Facebook đã về việc tung ra dịch vụ hướng dẫn khách mang tên “M” trong ứng dụng chat Facebook Messenger. M có thể giúp người dùng Messenger trả lời các câu hỏi cũng như thực hiện các công việc như mua hàng, giao hàng, lên lịch trình đi du lịch, đặt nhà hàng ăn uống, lên lịch cuộc hẹn…

Sự gia tăng của các trợ lý ảo được đánh giá là bước đi quan trọng định hình tương lai của internet và là tiến hóa của công nghệ “tìm kiếm”, hướng tới một dịch vụ tương tác cá nhân nhiều hơn.

Theo Gartner, khoảng 38% người tiêu dùng Mỹ đã sử dụng các dịch vụ trợ lý ảo trên smartphone thời gian gần đây; vào cuối năm 2016, dự báo khoảng hai phần ba người tiêu dùng ở các thị trường phát triển sẽ sử dụng chúng hằng ngày.

Các phần mềm trợ lý ảo dự đoán tình huống tốt hơn những gì người dùng cần dựa trên hành vi trong quá khứ và vị trí của họ. Hàng loạt các thương hiệu lớn trong công nghệ cao đang dành hàng tỷ USD để nỗ lực phát triển trí tuệ nhân tạo, "máy học"… cũng với mục đích tạo nên công nghệ thông minh hỗ trợ con người.

Trợ lý ảo sử dụng trí tuệ nhân tạo của Zalo có tên Ki-Ki được công bố cuối năm 2018

Khoảng trống ở Việt Nam

Mặc dù có sự đầu tư mạnh tay từ các tập đoàn lớn như Amazon, Google, Apple, nhưng các trợ lý ảo trên chỉ được phát triển để hiểu tốt tiếng Anh và tương thích với các ứng dụng nước ngoài. Điều này tạo ra khoảng trống giao thoa giữa công nghệ Việt Nam và thế giới, cần có một trợ lý ảo phục vụ riêng cho người Việt.

Cuối năm 2018, Zalo cho biết công ty này đang từng bước đầu xây dựng một trợ lý ảo có khả năng giao tiếp tốt bằng tiếng Việt. Đằng sau đó là một trung tâm nghiên cứu Zalo AI được thành lập vào cuối năm 2017.

Trợ lý ảo sử dụng trí tuệ nhân tạo của Zalo có tên Ki-Ki, nhận diện khá tốt giọng nói tự nhiên của người Việt, bao gồm giọng của ba miền Bắc, Trung, Nam khá tự nhiên.

Thực tế, trước Ki-Ki, nhiều startup công nghệ cũng sử dụng AI cho một số nhu cầu đặc thù như học anh văn, chatbot... Thế nhưng, trợ lý ảo có khả năng đa nhiệm, phục vụ nhiều thói quen và liên kết với các ứng dụng Việt vẫn chưa có bên nào thật sự trình làng.

Theo các chuyên gia, để trợ lý ảo thân thiện với người dùng thì khả năng nghe, hiểu và trả lời bằng ngôn ngữ tự nhiên là điều quan trọng nhất. Đây chính là thế mạnh mà các doanh nghiệp Việt Nam cần tận dụng, bởi chỉ người Việt mới có thể vận dụng tốt ngôn ngữ mẹ đẻ của mình.

Để cải thiện khả năng nghe và nói cho trợ lý ảo, việc quan trọng nhất là xây dựng kho dữ liệu khổng lồ về nhận dạng giọng và trả lời bằng ngôn ngữ tự nhiên. "Trợ lý ảo khác chatbot ở chỗ cá nhân hóa hơn, hiểu được thói quen của người dùng", ông Phạm Kim Long, tác giả của hai bộ gõ Labankey và Unikey chia sẻ.

Cũng theo ông Long, trợ lý ảo cần phải là một nền tảng mở, có khả năng hoạt động, liên kết với nhiều nền tảng ứng dụng khác để giúp ích cho cuộc sống của người dùng.

Tuy vậy, trợ lý ảo trên smartphone vẫn là chưa đủ. Trong giai đoạn bùng nổ thiết bị IoT (Internet of Things - Vạn vật kết nối) như hiện này thi bất cứ thiết bị công nghệ kết nối Internet nào cũng cần có trợ lý ảo. Một trong số đó là loa thông minh.

Bên cạnh đó, sự gia tăng của trợ lý ảo đặt ra một số thách thức, đặc biệt là quyền riêng tư. Bởi vì các ứng dụng này sẽ có quyền truy cập vào dữ liệu người dùng và có thể được sử dụng cho bên thứ ba.

Ví dụ, Google Now và Facebook M có thể kiếm được tiền bằng cách bán quảng cáo và khai thác dữ liệu người tiêu dùng. Khi được yêu cầu đặt vé từ TP.HCM tới Hà Nội, trợ lý ảo sẽ chọn giá vé rẻ nhất hay vé của một hãng hàng không có mối quan hệ quảng cáo với các ứng dụng trợ lý ảo? Dù là trí tuệ nhân tạo nhưng các trợ lý ảo này vẫn có những ông chủ thực sự sau lưng…

Việt Hưng (The Leader)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
  • Thời của trợ lý ảo

    Thời của trợ lý ảo

    14/05/2019 3:42 PM

    Sự gia tăng của các trợ lý ảo được đánh giá là bước đi quan trọng định hình tương lai của internet và là tiến hóa của công nghệ “tìm kiếm”, hướng tới một dịch vụ tương tác cá nhân nhiều hơn.

Xem Thêm >>
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.