Giả sử bạn đang có ý định mua một căn nhà và hỏi một đồng nghiệp về giá nhà trung bình trong thành phố. Anh ta khoe mới mua một căn nhà với giá 3 tỷ đồng.
Bạn bị ảnh hưởng bởi lời nói đồng nghiệp và vô tình coi đó là giá nhà trung bình. Theo Guy Birken, giá nhà có thể thấp hơn trên thực tế.
Là người tiêu dùng, chúng ta thường bị những thông tin đầu tiên nghe được ảnh hưởng tới việc đánh giá các thông tin nhận được sau đó. Theo chuyên gia tài chính cá nhân Emily Guy Birken, đó gọi là hiệu ứng "neo tâm lý".
Đây chính là chiêu trò mà những người tiếp thị thường dùng để "lừa" bạn vung tay mua sắm. Ví dụ nhà hàng niêm yết giá của một chai rượu là 900 nghìn đồng. Nhưng thật ra họ đang dùng giá đó để thuyết phục bạn mua chai rượu 280 nghìn.
"Nếu so với chai rượu giá 900 nghìn, 280 nghìn dĩ nhiên là một cái giá hời. Nhưng bạn hoàn toàn có thể hạnh phúc chỉ với chai rượu giá 150 nghìn đồng", Guy Birken phân tích.
Dưới đây là phương pháp "mỏ neo" mà Emily Guy Birken cho biết sẽ giúp bạn chi tiêu khôn khéo, không mất tiền vào những thứ không cần thiết:
Emily Guy Birken là tác giả của 4 cuốn sách về tài chính. Ảnh: NBC News.
Tự đặt ra "mỏ neo" của mình
Tại sao chúng ta thường phải neo vào những lời nói của người khác? Guy Birken giải thích rằng bởi nếu không dựa vào thứ gì đó, chúng ta thường có xu hướng choáng ngợp, lăn tăn với bất cứ quyết định nào được đưa ra.
Theo Guy Birken, bạn có thể tránh được cái bẫy này bằng cách tự tạo ra "mỏ neo" của riêng mình. Hãy đặt ra một mức giá mà bạn sẵn lòng chi cho một thứ gì đó, và coi đó là kim chỉ nam.
Ví dụ, Guy Birken thường đặt ra hạn mức chi tiêu mà cô sẽ dành cho sách nói (audiobook), trung bình là 16 đôla/tháng. Mỗi tháng, cô sẽ nhận được điểm thưởng miễn phí. Tuy nhiên, Guy Birken phân tích điểm thưởng này không hề miễn phí chút nào, nó tương đương với số tiền cô phải bỏ ra.
Để đơn giản hơn, Guy Birken chỉ mua sách có giá cao nhất là 10 đôla (bằng tiền mặt). Cô sẽ sử dụng điểm thưởng cho những cuốn có giá trên 10 đôla.
Xác định "mỏ neo" bằng những cách quy đổi thiết thực
- Cách thứ nhất là quy đổi món hàng sang số giờ bạn phải làm việc để kiếm đủ tiền mua nó.
Giả sử bạn kiếm được 350 nghìn đồng/ngày. Bạn quyết định thuê huấn luyện viên cá nhân khi đi tập gym. Một người yêu cầu 700 nghìn đồng/tuần, tương đương với 2 ngày làm việc của bạn. Người khác bắt bạn trả 400 nghìn đồng/tuần, tương đương với hơn một ngày làm việc.
Tùy theo lốii sống và chi tiêu của mình, bạn có thể trả 400 nghìn nếu thấy thời gian tập luyện chỉ đáng giá một ngày làm việc của bạn.
- Cách thứ hai là so sánh giá của món đồ cần mua với giá của một thứ bạn yêu thích.
Giả sử bạn thích cà phê nguyên chất có giá 25 nghìn đồng/gói tại cửa hàng gần nhà. Và bạn đang phân vân không biết có nên bỏ ra 500 nghìn để mua một cái váy. Chiếc váy này đáng giá bằng 20 gói cà phê của bạn. Hãy sử dụng cà phê như một chiếc "mỏ neo", bạn sẽ dễ dàng xác định giá trị của chiếc váy đối với mình.
"Mỏ neo" có tác dụng cả với các khoản chi tiêu lớn
Guy Birken và chồng mình đã mua được 3 căn nhà trong thời gian kết hôn. Mỗi lần, người môi giới nhà đất lại cố gắng thuyết phục họ đi xem những ngôi nhà nằm ngoài mức giá đã định, nhưng họ kiên quyết từ chối.
Cô giải thích rằng nếu người môi giới khuyến khích bạn mua nhà với giá nhiều hơn mức đã định 30.000 đôla, anh ta sẽ nói rằng số tiền đó chẳng đáng là bao, và tổng số tiền bạn phải trả mỗi tháng sẽ không tăng lên nhiều.
"Nhưng nó là một khoản tiền rất nhiều. Bạn phải tự quyết định xem mình có đủ khả năng chi trả không và đừng để người khác tác động", Guy Birken khẳng định.
-
Phương pháp 'mỏ neo' giúp bạn không bao giờ bị hớ khi tiêu tiền
17/07/2019 3:46 PMNgười bán hàng đặt giá cao ngất, và bạn vô tình coi đó là giá chuẩn. Chỉ cần họ giảm giá chút ít, bạn đã nghĩ mình hời.