Vậy Design Thinking là gì?
Design Thinking là một phương pháp luận được sử dụng rộng rãi bởi các designer, và hiện đang dần được áp dụng đông đảo bởi các công ty. CEO của IDEO, Tim Brown, nói rằng: “Design Thinking là hướng tiếp cận vấn đề xoay quanh con người nhằm xây dựng các giải pháp đổi mới sáng tạo. Phương pháp này bao hàm những công cụ giúp kết hợp nhu cầu của con người, khả năng của công nghệ, và những yếu tố cần thiết cho doanh nghiệp để đạt được thành công”.
Điều này có nghĩa là Design Thinking giúp giải quyết vấn đề thông qua việc thấu hiểu con người, kiểm chứng liên tục, và không ngừng hoàn thiện giải pháp. Nó có thể được áp dụng cho mọi lĩnh vực, giải quyết các vấn đề trong quá trình thiết kế, xây dựng sản phẩm, và các vấn đề kinh doanh. Tóm lại, phương pháp này tập trung vào tính sáng tạo, tư duy toàn diện, teamwork, tính tò mò, tinh thần lạc quan, và hướng suy nghĩ tập trung vào con người.
Thấu hiểu khách hàng là cực kỳ quan trọng trong Design Thinking. Nguồn ảnh: Internet
Trong quá trình phát triển sản phẩm, bạn phải thực sự đồng cảm với khách hàng - hãy tự hỏi khách hàng sẽ trải nghiệm gì, và cảm nhận những gì khi sử dụng sản phẩm của bạn. Với lối suy nghĩ đó, Design Thinking sẽ giúp bạn xây dựng được một sản phẩm dựa trên khách hàng, và vì lợi ích của khách hàng.
Tại sao Design Thinking lại cần thiết cho startup?
Startup luôn phải vận động thật nhanh. Bạn luôn phải xây dựng, kiểm chứng, và (thường là) thất bại một vài lần trước khi bạn nhận ra những insight quý giá. Triết lý Design Thinking cho phép bạn linh hoạt thích nghi với biến động thị trường, liên tục thử nghiệm, đổi mới, giải quyết các vấn đề, do đó cực kỳ hữu ích trong mọi giai đoạn phát triển của startup - dù bạn mới bắt đầu kinh doanh hay đã đạt product-market fit.
Đôi khi chính bạn còn không nhận ra vấn đề của doanh nghiệp mình. Chẳng hạn như đổ bao nhiêu tiền chạy quảng cáo, mà đơn đặt hàng lại chẳng có bao nhiêu, và bạn không biết vấn đề nằm ở đâu. Design Thinking cũng cực kỳ hữu ích trong việc xác định những vấn đề phức tạp khó diễn giải, từ đó team có thể nảy ra nhiều ý tưởng, xây dựng các giải pháp tiềm năng, và liên tục kiểm chứng nhằm hoàn thiện giải pháp hiệu quả nhất.
Để áp dụng Design Thinking, bạn và đội ngũ cần cởi mở tiếp nhận bộ quy trình, công cụ của phương pháp này, lỗi tư duy tập trung vào khách hàng, và luôn sẵn sàng thử nghiệm những giải pháp mới.
Quy trình của Design Thinking gồm những bước nào?
Quy trình Design Thinking bao gồm 5 bước: Empathize, Define, Ideate, Prototype, và Test.
Empathize – Đồng cảm
Bước này yêu cầu bạn tìm hiểu về tập khách hàng mục tiêu của bạn, tức những người có vấn đề mà bạn đang tìm cách giải quyết, nhằm đạt được sự đồng cảm với họ. Ở bước này, bạn cần phỏng vấn, quan sát, hòa nhập, và đồng cảm với khách hàng để hiểu về trải nghiệm và các động lực thúc đẩy họ, cũng như hòa bản thân mình vào môi trường xung quanh để bạn có được cái hiểu sâu hơn về các vấn đề liên quan. Sự thấu hiểu là một yếu tố rất quan trọng với những quy trình tập trung vào con người như Design Thinking, và sự thấu hiểu cho phép con người gạt bỏ những giả định của họ về thế giới, để hiểu rõ hơn về người dùng và nhu cầu của họ, từ đó xây dựng sản phẩm phù hợp hơn.
Define (The Problem) – Định nghĩa (Vấn đề)
Trong giai đoạn này, bạn tập trung lại những thông tin mà bạn đã tạo ra hoặc thu thập trong giai đoạn Đồng cảm. Đây là lúc bạn phân tích những quan sát của mình, và tổng hợp chúng để định nghĩa được những vấn đề cốt lõi mà bạn và team đã xác định được. Bạn nên làm sao định nghĩa được vấn đề của mình, và đưa ra một câu nhận định vấn đề (problem statement) theo hướng tập trung vào con người.
Quy trình 5 bước của Design Thinking. Nguồn ảnh: Internet
Ví dụ, thay vì định nghĩa vấn đề như một mong muốn của bạn hay nhu cầu của công ty như, “Chúng ta cần tăng thị phần trong thị trường đồ ăn dành cho giới trẻ nữ lên thành 5%”, thì một cách định nghĩa vấn đề tốt hơn sẽ là, “Giới trẻ nữ cần thực phẩm dinh dưỡng để sống lành mạnh, và phát khỏe mạnh”.
Giai đoạn Định nghĩa sẽ giúp bạn thu thập được nhiều ý tưởng để xây dựng các tính năng, chức năng, và nhiều yếu tố khác để giải quyết vấn đề, hoặc ít nhất, là cho phép người dùng tự giải quyết vấn đề của họ với mức độ khó khăn tối thiểu. Ở giai đoạn này, bạn sẽ bắt đầu tiếp cận giai đoạn thứ ba qua việc đặt ra những câu hỏi như “Chúng ta có thể làm gì để khuyến khích giới trẻ nữ thực hiện hành động đem lại lợi ích cho họ, và đồng thời hành động đó bao gồm sản phẩm/dịch vụ của chúng ta?”
Ideate – Lên ý tưởng
Trong giai đoạn này, bạn bắt đầu đưa ra những ý tưởng. Bạn đã hiểu được người dùng và nhu cầu của họ trong giai đoạn Đồng cảm, bạn cũng đã phân tích và tổng hợp những quan sát của mình trong giai đoạn Định nghĩa, và kết thúc nó bằng một câu nhận định vấn đề theo hướng tập trung vào con người. Với những nền tảng vững chắc này, bạn và team có thể bắt đầu sáng tạo (think outside the box) để đưa ra những giải pháp mới cho vấn đề đã xác định, và bạn cũng có thể tìm kiếm những góc nhìn mới cho vấn đề đó.
Điều quan trọng trong thời gian đầu của giai đoạn Lên ý tưởng là đưa ra càng nhiều ý tưởng và giải pháp càng tốt, bởi bạn sẽ không muốn đầu óc mình bị bó hẹp bởi những giả định chưa được kiểm chứng. Hãy sáng tạo!
Prototype – Sản phẩm mẫu
Team thiết kế giờ sẽ xây dựng một số phiên bản với số lượng nhỏ và mức chi phí rẻ của sản phẩm, hoặc tính năng của nó, để bạn có thể điều tra và kiểm chứng những giải pháp đã được xác định ở giai đoạn trước. Sản phẩm mẫu có thể được chia sẻ và kiểm chứng trong nội bộ team, giữa các phòng ban khác nhau, hay với một nhóm nhỏ người dùng ngoài công ty. Đây là quá trình thí nghiệm, với mục tiêu là xác định được giải pháp tốt nhất cho từng vấn đề. Những giải pháp này được thử nghiệm qua các prototype, và lần lượt, được chấp nhận, cải thiện, hoặc kiểm định lại, hoặc bị từ chối dựa trên trải nghiệm khách hàng.
Ở cuối giai đoạn này, team thiết kế sẽ hiểu rõ hơn nữa về những giới hạn của sản phẩm và vấn đề đang tồn tại, và có cái nhìn cụ thể hơn về cách người dùng sẽ phản ứng, suy nghĩ, và cảm nhận khi tương tác với sản phẩm cuối.
Kiểm tra
Ở bước này, bạn đưa prototype cho khách hàng sử dụng và nhận feedback từ họ. Đây là bước cuối cùng trong quy trình 5 bước của Design Thinking, nhưng trong một quy trình lặp đi lặp lại, kết quả được rút ra từ giai đoạn Kiểm tra thường được sử dụng để tái định nghĩa một hoặc một số vấn đề qua việc rút ra hiểu biết về người dùng, điều kiện sử dụng sản phẩm, cách người dùng suy nghĩ, phản ứng, cảm nhận, và từ đó đồng cảm.
Thậm chí ở trong giai đoạn này, bạn vẫn có thể điều chỉnh hoặc tinh chỉnh sản phẩm để giải quyết vấn đề tốt hơn, hay để hiểu hơn về sản phẩm và khách hàng nhiều nhất có thể.
Bản chất phi tuyến tính của Design Thinking
Ở trên, tôi đã vạch ra một quy trình tuyến tính 5 bước của Design Thinking, rằng mỗi bước trước sẽ dẫn tới bước sau và kết thúc ở bước Kiểm tra. Tuy nhiên trong thực tế, quy trình này thường được thực hiện một cách linh hoạt và phi tuyến tính hơn.
Ví dụ, nhiều team khác nhau trong nhóm thiết kế có thể thực hiện nhiều hơn một bước cùng lúc, hoặc bạn có thể thu thập thông tin và làm prototype xuyên suốt cả quá trình để có thể đưa ý tưởng thành hiện thực và trực quan hóa giải pháp một cách nhanh nhất. Đồng thời, kết quả từ giai đoạn Kiểm tra cũng có thể hé lộ nhiều insight về người dùng, và từ đó quay trở lại, có thể dẫn đến những ý tưởng mới và prototype mới.
Điều quan trọng mà bạn cần lưu ý, đó là: 5 giai đoạn này không phải lúc nào cũng lần lượt nối tiếp nhau - chúng không bắt buộc phải tuân theo một thứ tự cụ thể nào cả, và có thể được thực hiện đồng thời hoặc lặp đi lặp lại. 5 giai đoạn này nên được hiểu theo 5 tinh thần chung khác nhau, mà, tất cả chúng cùng góp phần hiện thiện một dự án, thay vì hiểu theo 5 bước nối tiếp nhau. Tuy nhiên, điều đặc biệt ở mô hình 5 bước Design Thinking đó là nó hệ thống hóa và xác định 5 giai đoạn/tinh thần chung mà bạn sẽ phải thực hiện để tiến hành bất kỳ dự án nào (kể cả những dự án đổi mới sáng tạo). Mỗi dự án sẽ bao gồm những hoạt động cụ thể liên quan đến sản phẩm đang được phát triển, nhưng tinh thần chung đằng sau mỗi giai đoạn là không thay đổi.
Ai nên áp dụng Design Thinking?
Câu trả lời là bất kỳ ai cũng cần biết và áp dụng Design Thinking. Đây hoàn toàn là một phương pháp dễ học, dễ áp dụng, mà hiệu quả lại cực kỳ cao. Design Thinking có thể giúp giải quyết nhiều dạng vấn đề trong công ty, giúp các thành viên có chung góc nhìn, chung định hướng, nên mọi thành viên từ CEO, các cấp quản lý, nhân viên các phòng ban đều cần biết và áp dụng.
-
Triết lý khởi nghiệp mọi startup đều cần
30/03/2020 10:43 AMDesign Thinking là triết lý khởi nghiệp được sử dụng bởi nhiều công ty lớn nhỏ, từ startup tới các tập đoàn, từ doanh nghiệp tư nhân tới các tổ chức phi lợi nhuận.