Bao tải tiền và sự trung thực
Bài học cơ bản đầu tiên ông có được khi chập chững bước vào công việc kinh doanh là câu chuyện liên quan đến một bao tải tiền. Đó là thời điểm ông là nhân viên kinh doanh của một công ty sản xuất da giày xuất khẩu ở quận 11, TP.HCM, sau khi tốt nghiệp Đại học Tổng hợp Quốc gia Moscow (Liên Xô) năm 1988. Chỉ sau 2 ngày được nhận vào làm, ông được chủ công ty giao cho một bao tải tiền và chiếc xe gắn máy để sang quận 8 lấy nguyên liệu.
“Trong thương vụ ấy, tôi không biết công ty lời lỗ bao nhiêu, chỉ biết là, tối đó, tôi được sếp mời ăn một bữa thịnh soạn. Sau này, tôi mới hiểu, mình đã được sếp tin tưởng vì sự trung thực và làm việc hết mình”, ông bồi hồi nhớ lại.
Trước khi quyết định đầu quân cho Công ty Shell Gas Việt Nam (trụ sở tại tầng 7, Toà nhà BLVD, 39 - Lê Duẩn, quận 1, TP.HCM, thuộc Tập đoàn Shell - liên doanh giữa Anh và Hà Lan) năm 2008, ông từng kinh qua nhiều vị trí tại các công ty khác nhau, nhưng có hai nơi ông nhớ nhất. Đầu tiên, đó là năm 1995, ông mở màn việc kinh doanh gas khi lọt vào mắt xanh của một lãnh đạo trong Công ty liên doanh Thái - Nhật. Với lợi thế về tiếng Anh, kinh nghiệm kinh doanh 5 năm trong công ty chuyên về dầu cọ (Malaysia), sự nhiệt tình bản năng, ông được đưa vào vị trí trưởng phòng kinh doanh. Dù công việc này khá thuận buồm xuôi gió, nhưng ông chỉ có những sáng kiến đột phá sau khi được công ty cử đi học về kinh doanh gas tại Thái Lan.
“Tôi thường xuyên cùng một số lãnh đạo cấp cao đi thực tế từng địa bàn để thăm dò những băn khoăn, thắc mắc của nhà phân phối về sản phẩm, chế độ ưu đãi..., từ đó có quyết định đầu tư vốn, nhân lực. Nhờ vậy, tôi đã xây dựng hệ thống phân phối rất mạnh ở TP.HCM và các tỉnh miền Tây”, ông chia sẻ.
Thứ hai, năm 2008, ông về đầu quân cho Shell Gas Việt Nam. Chỉ sau 6 tháng đầu phụ trách kinh doanh khu vực miền Nam, ông đã được giao phụ trách kinh doanh trên cả nước. Ở vị trí đó, ông được tham gia bàn bạc trực tiếp mọi công việc liên quan đến kinh doanh với Tổng giám đốc tại Việt Nam và cả Tổng giám đốc khu vực châu Á. Với nhiều sáng kiến được ghi nhận, ông đã góp phần tăng gấp đôi lợi nhuận cho Công ty, thông qua việc đơn giản hóa mô hình kinh doanh, cung cấp cho người tiêu dùng những giá trị họ cần.
Hiểu biết thấu đáo công việc kinh doanh, có khả năng làm việc ăn ý với mọi người, biết tự tạo ra khoảng thời gian rỗi nhất định để chiêm nghiệm việc gì làm tốt, việc gì phải làm tốt hơn và đâu là cơ hội mới để hoạch định trước chiến lược nắm bắt nó, đó là khả năng nổi trội giúp ông ghi được điểm cao trong mắt lãnh đạo Tập đoàn Shell và các nhân viên của ông.
Xây dựng “văn hoá an toàn”
Nhìn lại chặng đường đã qua, ông thấy mình chỉ gắn với công việc kinh doanh và thời điểm này, cũng chưa có kế hoạch riêng, nếu chia tay Shell Gas. Nhưng nếu được lựa chọn một lần nữa, ông vẫn chọn kinh doanh gas. Theo ông, gas là một mặt hàng thuộc lĩnh vực thiết yếu và thị trường gas Việt Nam còn nhiều dư địa. Nhưng không phải dư địa thị trường nhiều mà ông có tham vọng ôm cả.
“Vùng nào có lợi thế sản xuất, phân phối, điều hành để đảm bảo mang lại giá trị tốt nhất cho người tiêu dùng sẽ là đích nhắm trong kế hoạch phát triển của chúng tôi”, ông nói và cho biết, thương hiệu Shell Gas đã để lại ấn tượng mạnh cho người dân khu vực phía Nam, nhưng thị trường phía Bắc thì chưa được như ý muốn. Trong thời gian tới, ông sẽ tiếp tục đẩy nhanh việc hoàn thiện hệ thống phân phối phía Bắc, chủ yếu là các tỉnh vệ tinh quanh nhà máy Shell Gas Hải Phòng.
Với 15 năm hoạt động trong ngành gas, vị doanh nhân quê ở đất võ Bình Định, có nước da ngăm đen này tự nhận mình là người may mắn, vì được kinh qua nhiều vị trí trong các tập đoàn đa quốc gia. Giờ đây, ông hoàn toàn tự tin có đủ hiểu biết về ngành này và có thể nói về bất kỳ chủ đề nào liên quan đến gas.
Điều đó càng đúng khi tôi hỏi ông về bí quyết khiến Shell Gas Việt Nam chinh phục người tiêu dùng và ông không ngần ngại chia sẻ rằng, thứ nhất, phải đem lại các giá trị mà người tiêu dùng thực sự cần, chứ không đơn thuần coi gas là sản phẩm chất đốt; phải giúp người tiêu dùng biết cách sử dụng sao cho an toàn, phải làm gì nếu xảy ra sự cố… Thứ hai, phải làm sao để người tiêu dùng có được sản phẩm chất lượng tốt, đủ trọng lượng và dịch vụ giao hàng nhanh, gọn.
“Trong trường hợp chưa làm được việc đó trên diện rộng, chúng tôi sẽ bắt đầu từ một khu vực nhỏ, theo chiến lược vết dầu loang. Chiến lược này sẽ phát huy hiệu quả tốt khi kiến thức về an toàn gas của người sử dụng gas được cải thiện và họ cảm thấy an toàn, thoải mái khi vào bếp”, ông chia sẻ.
Giờ bên cạnh ông có một đội ngũ nhân viên và đối tác thống nhất, quyết tâm theo đuổi chiến lược kinh doanh đã đề ra gần 2 năm qua. Nhưng điều làm ông hài lòng hơn cả là văn hóa an toàn tại Shell Gas đã thấm sâu như máu chảy trong huyết quản của từng cá nhân. Thế nhưng, ông luôn trăn trở rằng, xã hội vẫn còn có những mất mát, thiệt hại do sử dụng gas không an toàn. Dù đang điều hành công việc kinh doanh khá trơn tru, nhưng trong đầu ông vẫn đầy ắp những dự định để nâng tiêu chuẩn an toàn gas lên một mức mới, đem lại nhiều giá trị thực sự cho người tiêu dùng.
Sinh ngày: 1/1/1962 Năm 1988: Tốt nghiệp Khoa Kinh tế, Đại học Tổng hợp Quốc gia Moscow (Liên Xô). Năm 1990 - 1992: Nhân viên kinh doanh Công ty Xuất nhập khẩu Phú Thọ (chuyên da giày). Năm 1993 - 1995: Trưởng đại diện Continental Resources SDN BHD (Malaysia, chuyên dầu cọ). Năm 1995 - 1998: Quản lý marketing Công ty Khí hóa dầu độc đáo (Việt Nam) Co, Ltd. Năm1998 - 2005: Quản lý sản phẩm LPG/NH3 Công ty TNHH ExxonMobil Unique (Việt Nam). Năm 2005 - 2006: Quản lý bán hàng Công ty Lafarge Cement J.V. Việt Nam. Năm 2006 - 2008: Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH Thương mại Q&Q. Năm 2008 - 2011: Giám đốc Thương mại Quốc gia Shell Gas Việt Nam. Tháng 10/2011: Tổng giám đốc Shell Gas Việt Nam và Shell Gas Hải Phòng. |
Vài chia sẻ của Trần Hồng Vân Quyết định khó nhất đối với ông khi ở vị trí CEO là gì? Đó là phải đưa ra quyết định sa thải bất kỳ nhân viên nào, vì bất kỳ lý do gì. Một trong những điều ông muốn tất cả các doanh nhân đều biết? Điều hành kinh doanh đúng luật. Đây là điều hiển nhiên ai cũng biết trên lý thuyết, nhưng lại ít làm được trong thực tế. Điển hình là rất nhiều vụ sang chiết gas trái phép vẫn diễn ra, đe dọa uy tín của công ty và an toàn tính mạng của người tiêu dùng. Cuốn sách kinh doanh nào ông yêu thích nhất? Tôi đặc biệt thích cuốn “The Rough Guide to General Management” (tạm dịch là: Một số nguyên tắc cơ bản trong quản trị doanh nghiệp). Cuốn sách này giúp tôi có những kiến thức cơ bản nhằm chuẩn bị cho việc quản trị một công ty như Shell Gas Việt Nam. Trong kỹ năng quản trị, ông thấy mình còn thiếu hụt điều gì? Kỹ năng có thể làm việc được với mọi người đem lại cho tôi nhiều điều thú vị. Nhưng nhiều khi, tôi mắc “bệnh” tham gia quá nhiều vào các buổi thảo luận của các phòng, ban. Nếu tôi không chữa bệnh đó, thì tôi đã tự tước đi quyền tự làm chủ sáng tạo của nhân viên và tôi sẽ khó chuyển giao công việc. Ông có lời khuyên thế nào với người bắt đầu hình thành một doanh nghiệp? Hãy bắt đầu một kế hoạch kinh doanh không quá lạc quan và tham vọng. Mọi tính toán nên dựa trên tình huống xấu nhất và nên bắt đầu từ những thương vụ nhỏ, miễn sao cho “cỗ máy chạy trơn tru”. Đừng đặt quá nặng tiêu chí lợi nhuận trong thời gian đầu, thay vào đó, hãy tập trung xây dựng nền tảng vững chắc dựa trên việc tạo lòng tin với các đối tác. |
-
Trần Hồng Vân: Thành công từ bài học về bao tải tiền
11/08/2012 9:39 AM“Đối với tôi, điều quan trọng nhất để thành công là hết mình với công việc và dĩ nhiên, không thể thiếu tính trung thực”, Trần Hồng Vân, Tổng giám đốc Shell Gas Việt Nam và Shell Gas Hải Phòng bắt đầu câu chuyện như vậy.