Có đến 95% các công ty sẽ thất bại ngay trong 5 năm đầu khởi nghiệp. Điều này đồng nghĩa với việc, nếu như bạn vừa bắt tay vào kinh doanh, thì xác suất thất bại của bạn là gần như chắc chắn.
Ở tuổi 26, doanh nhân trẻ Azriel Ratz hiện là CEO của Ratz Pack Media - một công ty truyền thông do chính anh sáng lập. Với 7 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực online marketing, Azriel là chuyên gia trong lĩnh vực quảng cáo Facebook với những chiến dịch giúp thu về lợi nhuận cao gấp 5 lần chi phí dành cho quảng cáo.
Từng phải chứng kiến dự án startup của mình sụp đổ hoàn toàn ngay từ khi mới bắt đầu, Azriel đã ngộ ra nhiều bài học khởi nghiệp quý giá để có cuộc lội ngược dòng ngoạn mục, gặt hái được thành công như ngày hôm nay. Dưới đây là chia sẻ của anh trên trang Addicted2Success:
Có đến 95% các công ty sẽ thất bại ngay trong 5 năm đầu khởi nghiệp. Hãy dừng lại một chút để suy nghĩ về con số này. Điều này đồng nghĩa với việc, nếu như bạn vừa bắt tay vào kinh doanh, thì xác suất thất bại của bạn là gần như chắc chắn.
Vậy, tại sao lúc nào cũng có quá nhiều người lựa chọn khởi nghiệp, khi mà xét về mặt cơ bản, nó tương đương với việc tự ký cho mình bản án tử?
Trước khi thành lập công ty truyền thông của mình, tôi đã có 3 năm rưỡi làm thuê cho một doanh nghiệp khác. Vào tháng 12/2014, tôi nhận ra rằng, bản thân không thể cứ làm mãi công việc này được. Thế nên, khi trò chuyện với sếp, tôi đã bày tỏ sẽ phát triển một dự án của riêng mình, song song với công việc hiện tại.
Ý tưởng khi đó của tôi là một dịch vụ cung cấp thiệp chúc mừng mỗi tháng. Điểm cộng của dự án là tôi đã có sẵn ý tưởng về hình ảnh cùng những lời chúc hay nhất và cả nhóm khách hàng mục tiêu nhờ công việc hiện tại nữa. Lúc ấy, tôi đã đinh ninh rằng, mình sẽ chẳng thể nào thất bại được.
Do chắc mẩm về thành công của mình, nên ngay từ lúc gửi hợp đồng tới những nhà nhiếp ảnh, tôi đã tự tin đến mức nhẩm tính xem bản thân sẽ thu về được bao nhiêu tiền trong tháng đầu tiên từ dự án.
Thế nhưng, bất ngờ thay, thực tế kinh doanh lại khiến tôi hoàn toàn vỡ mộng! Sản phẩm của tôi - thứ mà tôi cứ cho rằng sẽ trở thành tâm điểm của sự chú ý - đã gãy gánh ngay từ khi mới bắt đầu. Trên tổng số 150.000 khách hàng mà tôi tiếp cận được, chỉ có 2 người đăng ký sử dụng dịch vụ.
Và, khi những tấm thiệp bắt đầu đi vào sản xuất, thì chuyện làm ăn với xưởng in cũng hỏng nốt. Mọi viễn cảnh xấu nhất có thể xảy ra, đã xảy ra. Ngân sách cho cả năm loáng cái đã bị tiêu sạch, trong khi lợi nhuận vẫn chỉ là con số “0” tròn trĩnh. Quay về với sếp, tôi thừa nhận rằng, dự án của mình đã thất bại toàn tập.
Azriel Ratz - CEO 26 tuổi của Ratz Pack Media
Tuy nhiên, chỉ vài tháng sau, tôi lại nảy ra ý tưởng mới - tiền thân của Ratz Pack Media sau này. Và, khi nghe tôi trình bày lần này, sếp tôi được dịp cười suốt từ khi đi vào cho tới lúc bước ra khỏi phòng.
Đương nhiên, sau lần đầu “ra riêng” bất thành, hà cớ gì mà sếp tôi lại để cho tôi đâm đầu vào một dự án khác, để rồi lại tiếp tục thất bại nữa cơ chứ?
Dẫu vậy, sau 3 năm kể từ đó, tôi giờ đã hoàn toàn ra riêng và đang điều hành Ratz Pack Media với doanh thu ở mức 6 con số. Tôi thậm chí còn giúp cho nhiều khách hàng có được 1 triệu USD đầu tiên của mình.
Kinh nghiệm và những bài học từ lần thất bại chóng vánh với công ty thiệp đã giúp tôi rất nhiều trong việc xây dựng doanh nghiệp của mình. Và, tôi cũng hy vọng rằng, những bài học khởi nghiệp này cũng sẽ có ích cho chính bạn.
1. Hãy tập làm quen với thất bại
Mặc dù đúng là hầu như toàn bộ công ty khởi nghiệp đều thất bại trong 5 năm đầu tiên, song điều đó không có nghĩa là những cá nhân đằng sau chúng sẽ không bao giờ gặt hái thành công.
Chỉ vì ý tưởng đầu tiên của bạn thất bại, và thực tế có thể sẽ như vậy, không có nghĩa là bạn nên ngừng cố gắng. Khi khởi nghiệp kinh doanh, bạn nên chuẩn bị tâm thế sẵn sàng để đón nhận thất bại.
Mọi viễn cảnh xấu nhất có thể xảy ra chắc chắn sẽ xảy ra, và tốt nhất là bạn nên làm quen với nó. Nếu không làm được việc này, chắc chắn mô hình kinh doanh của bạn sẽ bị khai tử. Nếu thất bại, hãy đứng dậy và tiếp tục cố gắng thêm lần nữa.
Khởi nghiệp kinh doanh không phải là con đường dành cho những người yếu bóng vía; và hầu hết mọi người đều sẽ nghĩ bạn bị điên khi bạn quyết định làm vậy. Chắc chắn, họ sẽ nói đi nói lại chuyện này cho tới cái ngày mà bạn... thành công. |
2. Mọi người sẽ nghĩ bạn bị điên, mà chắc là thế thật
Hẳn bạn còn nhớ con số 95% công ty khởi nghiệp sẽ thất bại đúng không? Nếu đã biết xác suất như vậy mà vẫn còn muốn thử thì đấy chẳng phải là điên rồ hay sao?
Quả thật, một công việc bình thường, ngày làm 8 tiếng và đều đặn đóng bảo hiểm xã hội là sự lựa chọn dễ dàng hơn nhiều so với khởi nghiệp. Và, đương nhiên, việc để trách nhiệm xây dựng tương lai vào tay người khác cũng là một quyết định dễ hiểu.
Thế nhưng, sự lựa chọn nhẹ nhàng ấy sẽ mang lại niềm vui nào cho bạn đây?
Khởi nghiệp kinh doanh không phải là con đường dành cho những người yếu bóng vía; và hầu hết mọi người đều sẽ nghĩ bạn bị điên khi bạn quyết định làm vậy. Chắc chắn, họ sẽ nói đi nói lại chuyện này cho tới cái ngày mà bạn... thành công.
Thế nên, một trong những câu nói mà tôi tâm đắc nhất chính là: “Hãy làm việc cật lực cho đến ngày những kẻ từng dè bỉu bạn buộc phải thốt lên: Dạ, anh có đang tuyển người không ạ?”. Lý do tôi thích câu nói này là bởi nó quá đúng đắn.
3. Linh hoạt triển khai và tối ưu ý tưởng theo thời gian
Thông thường, khi khởi nghiệp, ai cũng tin rằng ý tưởng kinh doanh của mình chắc chắn sẽ giúp cho công ty dẫn đầu thị trường. Bản thân tôi cũng không ngoại lệ.
Ngày mới thành lập công ty truyền thông của mình, tôi đã từng tham vọng biến nó trở thành nơi giải quyết hết thảy mọi nhu cầu có liên quan đến online marketing trên thị trường.
Song, sự thực là giờ đây, chúng tôi chỉ có thể tập trung vào mảng quản lý Facebook và Instagram cho khách hàng mà thôi.
Nếu cứ cố chấp với ý tưởng ban đầu mà không chịu thay đổi cách thức triển khai thì có lẽ tôi đã thất bại từ lâu. Trong giai đoạn bắt đầu, việc đề ra mục tiêu và kế hoạch thực hiện rõ ràng là rất tốt; tuy nhiên, bạn cũng nên sẵn sàng thay đổi và tối ưu chúng theo thời gian.
4. Thử nghiệm trước, đầu tư sau
Khi triển khai dịch vụ cung cấp thiệp chúc mừng hàng tháng, tôi đã dành rất nhiều thời gian cho việc tạo ra sản phẩm và thoả thuận với những nhà nhiếp ảnh. Sai lầm của chúng tôi nằm ở chỗ, dù chưa bán được bất kỳ sản phẩm nào, nhưng lại đầu tư quá nhiều vào mô hình kinh doanh.
Nếu được làm lại, tôi sẽ bắt đầu với việc thăm dò thị trường, tìm hiểu xem người ta nghĩ gì về những tấm thiệp, xem họ sẵn sàng chi bao nhiêu tiền cho nó, lợi nhuận thu về là bao nhiêu v.v., trước khi mạnh tay đầu tư cho dự án.
Ngày hôm nay, “thử nghiệm trước, đầu tư sau” luôn là quy tắc mà tôi tuân thủ, nhất là trong những chiến dịch quảng cáo dành cho khách hàng.
Bất cứ khi nào triển khai chiến dịch ra mắt sản phẩm mới, chúng tôi đều bắt đầu với việc nhắm đến đối tượng khách hàng sở hữu sự tương tác nhiều nhất.
Chúng tôi sẽ chờ xem họ nghĩ gì về sản phẩm mới, và chỉ khi có phản hồi mới bắt đầu chạy quảng cáo đến những khách hàng ít tương tác hơn.
Lời kết: Trong quá trình dựng xây doanh nghiệp, hãy nhớ rằng, mọi thứ không phải lúc nào cũng sẽ diễn ra theo ý bạn. Điều quan trọng nhất cần phải nhớ chính là, dù cho mọi chuyện có không được xuôi chèo mát mái, thì cũng chẳng sao cả. Những cơ hội khác sẽ mở ra, những ý tưởng tuyệt vời khác sẽ luôn luôn xuất hiện, và hãy nhớ, bạn lúc nào cũng có thể thử lại.
-
Căn bệnh nguy hiểm bội phần so với 'thiếu năng lực'
03/11/2020 9:11 AMCăn bệnh này trở nặng bao nhiêu, người lãnh đạo lại càng ít lắng nghe người khác bấy nhiêu, Malcolm Gladwell - tác giả nổi tiếng của nhiều đầu sách bán chạy nhất trên thế giới nhận định.
-
Ngân sách cạn, đồ bán không ai mua, CEO ngộ ra 4 bài học đắt giá để lội ngược dòng ngoạn mục
26/09/2018 3:16 PM"Khi khởi nghiệp, bạn nên chuẩn bị tâm thế sẵn sàng để đón nhận thất bại. Mọi viễn cảnh xấu nhất có thể xảy ra chắc chắn sẽ xảy ra, và tốt hơn là bạn nên làm quen với nó. Nếu không làm được, startup của bạn sẽ bị khai tử", Azriel Ratz - CEO của Ratz Pack Media chia sẻ.
-
Những lưu ý khi làm việc với đối tác nước ngoài
22/12/2016 1:16 PMKhi làm việc với khách hàng quốc tế, doanh nhân Việt cần tìm hiểu những khác biệt về ngôn ngữ, văn hóa, múi giờ… để tránh mắc phải sai lầm đáng tiếc.