Chủ nhân của dự án này là Đỗ Tuấn Ân, chàng trai quê Quảng Ngãi đã nảy ra ý định biến tàu hũ thành món đặc sản, đưa vào kinh doanh khi chuẩn bị tốt nghiệp Đại học Ngân hàng.
Sau khi đọc một cuốn sách của Philip Kotler, chuyên gia nổi tiếng về marketing, nhận định rằng Việt Nam có thể nổi lên như một địa điểm hấp dẫn và phong phú với ẩm thực truyền thống, Ân từ bỏ công việc đang làm, về quê thuyết phục một người bà con vào Sài Gòn nấu tàu hũ... bán dạo trước chợ Bến Thành.
"Để tàu hũ có thể tiếp cận du khách và đông đảo người dùng cũng như trở thành một ngành kinh doanh thì không thể chỉ bằng một vài gánh bán dạo", nghĩ vậy, Ân vay mượn tiền làm vốn mở cửa hàng, bất kể sự can ngăn và lo ngại của gia đình lẫn bạn bè, vì: "Đây là món ăn chơi, vốn ít, mở cửa hàng sang trọng cầm chắc sạt nghiệp".
Sau rất nhiều nỗ lực và quyết tâm, Ân cùng nhóm bạn là các sinh viên Lê Hận, Thanh Tùng, Nguyễn Thanh Tùng, Thanh Huy mở một quán lớn ngay trước cổng Trường Đại học Ngân hàng và... thất bại.
Không bỏ cuộc, Ân và các bạn đưa cửa hàng vào ký túc xá Đại học Nông Lâm TP.HCM và bắt đầu tìm ra hướng đi. Tàu hũ là món ăn bổ dưỡng, bình dân, thành phần khách hàng đa dạng và rất phù hợp với sinh viên. Món này ai cũng có thể nấu được nhưng làm sao để chinh phục được dạ dày của khách hàng mới là điều quan trọng.
Thế là nhóm của Ân chia nhau mày mò tìm công thức chế biến, và từ số vốn ít ỏi do cả nhóm tích cóp, vay mượn, nhóm mở rộng quy mô cửa hàng bằng việc thành lập Công ty TNHH Tàu hũ HAT. Tên công ty là gộp chung chữ cái đầu trong tên của các thành viên trong nhóm, thể hiện sự đoàn kết, quyết tâm thực hiện dự án.
HAT chọn khu vực Làng Đại học Linh Trung làm điểm đến và mở luôn bốn chi nhánh. "Có không gian sẽ giúp việc kinh doanh thuận lợi hơn và nâng món ăn này lên một vị trí mới chứ không chỉ sơ sài với hàng quán lề đường. Khách hàng có thể tổ chức những cuộc gặp mặt thân mật ngay tại quán. Điều quan trọng nhất là phải có thực đơn phong phú để khách hàng không chỉ thưởng thức mà còn có thể tìm hiểu công dụng và lợi ích đối với sức khỏe của từng món tàu hũ qua đó tạo nên sự khác biệt cho HAT", Ân cho biết.
Tìm hiểu từ nhiều nguồn, nhóm của Ân kết hợp tàu hũ với nhiều loại lá mang hương vị khác nhau để tạo ra hơn 30 món tàu hũ: tàu hũ đá, tàu hũ nóng, tàu hũ lá nếp... Thực đơn được sắp xếp và trình bày theo kiểu tạp chí với hình ảnh minh họa và những thông tin về đặc điểm, công dụng của từng món.
HAT ngay lập tức thu hút được sự chú ý của khách hàng bởi sự chuyên nghiệp và kỹ lưỡng tưởng như rất tiểu tiết này. "Mong muốn của cả nhóm là dự án này sẽ ngày càng mở rộng quy mô và hình thức để qua đó có thể biến món ăn này trở thành một đặc sản, đó cũng là mục đích dự án hướng tới", Ân chia sẻ.
-
Chàng trai bán tàu hũ trở thành ông chủ IMM
30/12/2015 9:52 AMTừ một cậu bé hàng ngày chèo xuồng đi bán tàu hũ, vé số, Trần Văn Tỉnh đã quyết tâm tự học và xây dựng nên Tập đoàn IMM Group.
-
Nâng tầm... tàu hũ
20/02/2013 9:08 PMTàu hũ trước giờ chỉ là món ăn bình dân gắn liền với hình ảnh người bán kĩu kịt đôi quang gánh, nhưng một nhóm sinh viên đã đưa món ăn này trở thành một đặc sản của Việt Nam với chuỗi bốn cửa hàng.