Nóng vội mở rộng quy mô trong khi không nắm bắt được thị trường, chỉ sau ba năm điều hành, anh Thanh Trần đã khiến công ty do gia đình để lại bị phá sản và mang thêm khoảng nợ hơn 12 tỷ đồng.

Dưới đây là bài viết về câu chuyện thất bại sau ba năm điều hành công ty của gia đình do anh Thanh Trần chia sẻ với bạn đọc VnExpress.

Năm 2010, tôi tốt nghiệp đại học khi vừa tròn 24 tuổi. Cũng ngay lúc đó ba tôi bệnh nặng, cần có người kế thừa công việc. Do vậy, tôi không chọn cho mình con đường làm kỹ sư cầu đường như bạn bè cùng lớp mà trở về gánh vác công việc kinh doanh nông sản của gia đình ở Đồng Nai. Công ty có quy mô cũng tương đối khá với doanh thu khoảng 2,5 tỷ mỗi tháng.

Trở về với tấm bằng đại học cùng sự háo hức của tuổi trẻ, tôi lao vào công việc với niềm say mê, đầy nhiệt huyết. Và ngay trong năm đầu tiên khi tôi tiếp quản, công ty đã kiếm được khoản lợi nhuận lớn. Tôi vững tin vào năm tiếp theo nên mạnh dạn vay mượn rất nhiều tiền từ người thân, các mối quan hệ của cha mẹ kể cả ngân hàng... để đầu tư thêm cơ sở máy móc, mở rộng quy mô sản xuất, đưa doanh thu công ty lên đến 7 tỷ đồng mỗi tháng.

Tuy nhiên, chính sự nóng vội mở rộng sản xuất này trong khi không tính toán kỹ thị trường đã khiến tôi trả giá. Do vay mượn nhiều vốn, tôi tiến hành mở rộng thu mua, nhập hàng vào kho liên tục trong khi công suất sản xuất không kịp dẫn đến lượng hàng tồn đọng quá nhiều. Mặt khác, giá hàng thì càng ngày càng sụt giảm thê thảm, cộng với lãi suất ngân hàng và lãi suất tín dụng bên ngoài tăng cao khiến hoạt động công ty gặp nhiều khó khăn.

Vì nóng vội, chỉ sau 3 năm điều hành công ty của gia đình, anh Trần đã phải mang nợ hơn 12 tỷ đồng.

Năm 2013, tôi mất trắng khoản vốn của công ty cộng với một khoản nợ khổng lồ lên đến 10 tỷ đồng mà mình đã vay mượn. Tôi thất vọng tột cùng nhưng không quỵ ngã. Tôi động viên mình phải đứng dậy và đi tiếp. Tôi cố gắng xoay sở vay mượn ở ngoài để trả được khoản tiền lãi mỗi tháng gần 300 triệu đồng, sau đó vực lại khâu sản xuất.

Lúc này, thị trường nông sản cũng bắt đầu ổn định dần, nhưng vì không còn vốn nên tôi chỉ có thể mua hàng đến đâu thì sản xuất đến đó và số tiền lợi nhuận thu được chỉ đủ để trả tiền lãi hàng tháng. Sau đó, hoạt động sản xuất của tôi lại gặp khó khăn do vốn không có nên cứ vay mượn đầu này, đắp đầu kia dẫn đến lợi nhuận không còn trong khi tiếp tục gây thêm nợ mới. Tổng số nợ của công ty tôi đến thời điểm tháng 10/2013 lên đến 12 tỷ đồng.

Tôi thực sự rơi vào bế tắc và không còn cầm cự được nữa đành chính thức tuyên bố vỡ nợ. Những ngày trước khi tuyên bố phá sản, tôi và gia đình như sống trong địa ngục. Cha mẹ thì ngã bệnh, còn tôi không đêm nào ngủ được bởi cơ nghiệp, danh dự mà mấy chục năm qua gia đình đã gầy dựng giờ sắp bị vùi dưới hố sâu nợ nần.

Tôi đứng ra khoanh vùng lại tất cả những khoản nợ từ người thân và thông báo về tình hình của gia đình để thương lượng. Đối với những chủ nợ ngoài xã hội, tôi cũng xin khất lại toàn bộ tiền lãi, còn tiền gốc thì xin làm trả dần. Bên cạnh những người chia sẻ, động viên và thông cảm cho tôi và gia đình, thì cũng có rất nhiều người buông lời chỉ trích, dèm pha, thậm chí một trong những chủ nợ vì quá bức xúc đã mang dao tới đâm tôi bị thương.

Và những điềm xấu vẫn chưa chịu dừng lại khi mười ngày sau đó, một trong những chủ nợ của tôi - người luôn động viên và chia sẻ cho tôi và gia đình nhiều nhất, trong một lần uống rượu say đã đột tử (chú có tiền sử về não, chết đi sống lại mấy lần vì uống rượu). Thế là dư luận lại quy chụp là vì quá suy sụp do tôi nợ tiền không trả nên chú uống thuốc tự tử khiến tôi càng thêm đau khổ.

Để tránh búa rìu dư luận, tôi quyết định đưa ba mẹ và đứa em trai út về quê sống với ông bà nội ở Huế. Em trai kế thì đi phụ việc cho gia đình người cô. Còn tôi, năm lập gia đình cũng là lúc công ty bị phá sản (tháng 4 lấy vợ, tháng 10 phá sản). Chúng tôi quen nhau từ thời còn học phổ thông, yêu nhau gần 7 năm mới kết hôn, càng khiến tôi thêm dằn dặt vì cảm thấy làm khổ vợ.

Để có tiền sống qua giai đoạn khó khăn này, vợ chồng tôi mở quán cơm tấm, bán đồ ăn sáng. Từ một giám đốc điều hành hơn trăm công nhân, giờ đi bưng bê từng dĩa cơm và kiếm từng đồng bạc lẻ, nhưng tới tận bây giờ tôi chưa bao giờ cảm thấy xấu hổ về điều đó, mà xem nó là một trong những trải nghiệm không bao giờ quên trong cuộc đời. Vợ chồng tôi cặm cụi buôn bán cơm tấm nhưng mỗi ngày chỉ lãi tầm 300.000 đồng, đủ để chi tiêu.

Nhiều đêm tôi đã khóc cho số phận gia đình mình (chưa bao giờ tôi khóc nhiều như thế), nhưng nỗi đau vẫn chưa buông tha. Một buổi trưa tháng Chạp của năm 2013, ông tôi đột ngột qua đời. Về quê chịu tang ông mà trong người không có nổi vài trăm ngàn, phải nói là nỗi đau tận cùng nỗi đau.

Qua Tết 2014, quê tôi vào vụ mùa mới, nhìn mọi người đang tấp nập thu mua và sản xuất khiến lòng tôi như ngồi trên đống lửa. Tôi quyết định dọn dẹp lại phân xưởng, chuẩn bị máy móc đâu vào đấy, nhưng rồi lại ngồi thẫn thờ vì không biết mình sẽ làm như thế nào và bắt đầu lại từ đâu. Bởi lúc này tiền không có, công nhân không có, hàng hóa không có thì tôi biết làm gì.

Sau những ngày trằn trọc, ngồi nhìn những chiếc máy nằm trơ trọi, một lần nữa tôi quyết định đi vay từ những anh chị, cô chú trong gia đình và bạn bè. Do mới phá sản nên ai cũng dè dặt và thiếu niềm tin ở tôi. Vì thế, số tiền vay được rất khiêm tốn chỉ khoảng 300 triệu đồng.

Tuy số tiền khá ít nhưng nó lại vô cùng quý giá với tôi lúc này. Tôi bắt tay vào sản xuất bằng việc kêu gọi những anh chị em công nhân trung thành nhất về lại công ty đứng máy. Bản thân tôi thì làm tất cả mọi thứ từ bốc xếp, kế toán, thu chi. Ban đầu nhiều bạn hàng vẫn e dè làm ăn với tôi, nhưng dần dần họ cũng quay lại, có lẽ họ thương tôi và gia đình nên mở lại cơ hội.

Khi công việc cơ bản vào guồng, tôi tiến hành thay đổi cách quản lý công việc theo hướng chặt chẽ hơn, rõ ràng hơn, sản lượng càng ngày càng tăng lên. Công nhân cũ lần lượt quay về. Bạn hàng cũ cũng làm ăn nhiều hơn và họ tiếp tục bán chịu cho tôi, có lúc số tiền thiếu ngót ngét 5-7 tỷ đồng.

Hiện tại, doanh thu của công ty đã đạt trung bình khoảng 5 tỷ đồng mỗi tháng chỉ trong một thời gian ngắn hoạt động trở lại, khiến tôi cứ tưởng như đang mơ. Tôi không thể ngờ trong khó khăn, tình thương mà mọi người dành cho mình còn nhiều đến thế. Bên cạnh đó thì những lời dèm pha hướng vào gia đình tôi ngày càng ít đi.

Trời không phụ lòng người, vừa rồi tôi đã trả nợ được đợt đầu tiên. Số tiền trả tôi tính toán đâu ra đó, trả cho tất cả mọi người với mỗi người một ít (tổng cộng khoảng một tỷ đồng). Số nợ còn lại gần 11 tỷ tương đối lớn nhưng nếu công việc kinh doanh thuận lợi như hiện nay, tôi hy vọng trong ba năm tới sẽ giải quyết dứt điểm.

Những trái ngọt đầu tiên đã đến và tôi lại bật khóc khi những cố gắng của mình đã được ghi nhận. Niềm vui của gia đình như được nhân lên khi chúng tôi đón đứa con trai đầu lòng và đặt tên cháu là Chấn Hưng. Cái tên mà mỗi lần gọi như nhắc nhở chính bàn thân mình phải cố gắng hơn nữa để chấn hưng gia nghiệp.

Qua câu chuyện của bản thân, tôi mong những ai nếu có lỡ rơi vào hoàn cảnh như tôi thì đừng bao giờ bế tắc và tuyệt vọng, mà hãy sẵn sàng đối diện với tất cả, rồi thành quả sẽ đến với những người biết nỗ lực và phấn đấu.

Sang năm mới 2015, với rất nhiều dự định được đưa ra, tôi tin tình cảm mà tất cả mọi người dành cho mình cùng những kinh nghiệm, hướng đi mới, tôi sẽ đạt được thành quả lớn hơn.

Thanh Trần (VnExpress)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Xem Thêm >>
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.