Cập nhật 29/12/2011 9:07 AM
Người đàn ông với đôi kính gọng sừng mộc mạc cùng nụ cười đôn hậu nhưng không che giấu được nét khắc khổ của những năm tháng cùng cực là những nét nổi bật khi phác thảo chân dung của Li Ka Shing - tỷ phú sở hữu khối tài sản trị giá 26,5 tỷ USD, người được Forbes xếp hạng thứ 11 trên thế giới (năm 2008) về sự giầu có.
Li Ka Shing, tỷ phú
Li nổi tiếng trong giới kinh doanh với danh tiếng là biết nói lời và giữ lời và là người kinh doanh có đạo đức.

Với một tuổi thơ nghèo khó, tha hương, ít ai nghĩ rằng cuộc đời và sự nghiệp của Li Ka Shing lại tỏa sáng và trở thành niềm tự hào của người dân Trung Quốc nói riêng và người châu Á nói chung.

Với những thành công của ông ngày nay, ít người biết được rằng hơn 30 năm trước, ông chỉ là một gương mặt trong đám đông doanh nhân Hồng Kông luôn nỗ lực đẩy lùi sự cát cứ của các doanh nghiệp Đài Loan và Thượng Hải tại thị trường này.

Một bài viết của Đại học Harvard đã tóm tắt sự nghiệp của Li như sau: “Từ một khởi đầu thấp kém, là con trai của một nhà giáo, một người tị nạn, và sau đấy là một doanh nhân, cuộc đời của Li là một bài học về khả năng hòa nhập và thích nghi. Nhờ làm việc chăm chỉ, ý chí đấu tranh, ông đã xây dựng được một đế chế kinh doanh bao gồm: ngân hàng, xây dựng, bất động sản, nhựa, điện thoại di động, truyền hình vệ tinh, sản xuất xi măng, bán lẻ, khách sạn, vận tải nội địa, hàng không, sản xuất thép, kinh doanh cảng biển”.

Rèn luyện từ thuở niên thiếu hàn vi

Là con một giáo viên nghèo ở Quảng Đông, Li cùng gia đình phải lánh nạn sang Hồng Kông năm 1940 khi quân Nhật tiến vào Trung Quốc. Năm 14 tuổi, khi người cha qua đời vì bệnh lao, gánh nặng gia đình đặt lên vai Li.

Cậu bé ở cái tuổi “ăn chưa no lo chưa tới” này phải bỏ học, đi bán đồng hồ đeo tay ngoài đường, rồi sau đó tìm được một công việc ở nhà máy nhựa với 16 tiếng làm việc quần quật một ngày. Gánh nặng gia đình và những vất vả đầu đời đã “tôi luyện” được tinh thần thép và ý chí quyết tâm gây dựng sự nghiệp trong lòng cậu thanh niên này.

Năm 1950, sau những năm tháng lăn lộn với cuộc sống, dày dạn kinh nghiệm với những va vấp đời thường, Li quyết định mở công ty riêng. Cheung Kong Industries, tên gọi của công ty này gắn liền với triết lý của Li là mỗi sự thành công đều gắn liền với sự đóng góp của vô số những người khác, như dòng sông Dương Tử với vô số nhánh sông tụ hội.

Luôn luôn trăn trở để khẳng định vị trí của công ty mình, Li thường đọc thông tin trên các ấn phẩm thương mại và tin tức kinh doanh. Li rất chú ý đến sự hưng thịnh của phương Tây và quyết định mở rộng sản xuất mặt hàng hoa nhựa với giá cả phải chăng để cung cấp cho thị trường này.

Li nỗ lực học kỹ thuật tinh vi của việc trộn màu với nhựa để những bông hoa nhựa trở giống với thật hơn. Sau khi trang bị lại cửa hàng và tuyển những thợ kỹ thuật giỏi nhất, Li mất hàng tuần để chuẩn bị cho kế hoạch đến thăm nhà máy của các đối tác nước ngoài.

Ấn tượng với chất lượng các sản phẩm của Li, các đơn hàng của đối tác nước ngoài đối với sản phẩm hoa nhựa do công ty của Li sản xuất ngày càng lớn. Chỉ một vài năm sau, công ty của Li đã trở thành nhà cung cấp hoa nhựa lớn nhất châu Á.

Khi được hỏi: “Thành công của ông có phải do may mắn không?”, Li trả lời: “Không, tôi không may mắn, tôi đã phải làm việc rất chăm chỉ để đạt được những mục tiêu tôi đặt ra cho cuộc đời mình”.

Khi doanh nghiệp phát triển mạnh, nắm bắt được cơ hội lớn trên thị trường bất động sản và cơ sở hạ tầng, Li định hướng bỏ vốn vào thị trường này, và quyết tâm phát triển Cheung Kong thành một công ty bất động sản hàng đầu ở Hồng Kông, được niêm yết trên thị trường chứng khoán Hồng Kông năm 1972.

Cứ mỗi USD chi tại Hồng Kông, 5 cent vào túi Li

Li Ka Shing còn là người dám mạo hiểm trong kinh doanh. Năm 1979, Cheung Kong tiếp tục mở rộng phạm vi hoạt động thông qua việc mua lại Hutchison Whampoa từ tay ngân hàng lớn nhất Hồng Kông hiện nay là HSBC.

Lúc đó, tư sản Hồng Kông do lo ngại mối đe dọa từ Trung Quốc đã vội vã bán hết tài sản với giá rẻ để tháo chạy. Sở hữu Hutchison Whampoa, Li quyết định biến doanh nghiệp này thành một tập đoàn hàng đầu thế giới trong nhiều lĩnh vực, nhất là công nghệ cao. Ông đã vay hàng tỷ USD để tái xây dựng và hiện đại hóa các cảng biển và cơ sở hạ tầng ở Hồng Kông.

Hutchison Whampoa bắt đầu phát triển vững mạnh và khống chế lĩnh vực thương mại, vận tải biển và hầu hết cơ sở hạ tầng cảng biển ở Hồng Kông. Điểm nổi bật nhất của Hutchison lúc bấy giờ là việc đầu tư vào các trang thiết bị cảng container trên khắp thế giới, bao gồm Hồng Kông, Trung Quốc, Anh, Rotterdam (Hà Lan), Panama, Bahamas và nhiều nước đang phát triển khác. Doanh nghiệp này kiểm soát 13% năng lực hoạt động cảng container trên khắp thế giới.

Thực ra, từ cuối những năm 1970 đã có tin đồn về việc tân lãnh tụ cải cách Trung Quốc Đặng Tiểu Bình không phản đối việc thu hồi Hồng Kông. Trước những thông tin này, Chính phủ Anh cho rằng sẽ rất khó duy trì tập đoàn Hutchison Whampoa dưới sự quản lý của người Anh, và chiến lược khôn ngoan nhất là bán nó cho một người Hoa hợp pháp dưới mắt cả Bắc Kinh lẫn London.

Hutchison còn nổi tiếng là tập đoàn khôn khéo, biết chọn thời điểm để xây dựng doanh nghiệp mới, sau đấy bán đi với giá hời. Nhờ có nhiều năm kinh doanh bất động sản ở Hồng Kông, dự đoán được những mức đỉnh và đáy của thị trường này, Li đã vận dụng kỹ năng vào các thị trường tài sản khác.

Năm 1999, Li bán lại mạng lưới điện thoại Orange (Anh) cho Tập đoàn Mannesmann (Đức) đã mang lại khoản lợi nhuận lên đến 15,12 tỷ USD. Chỉ một năm sau đấy, “bong bóng” công nghệ vỡ và giá trị của tài sản trong lĩnh vực này tụt dốc mạnh. Năm 2006, Li bán 20% cổ phần kinh doanh cảng biển của Hutchison cho PSA Corp, vụ mua bán này tạo được khoản lợi nhuận lên đến 3,12 tỷ USD.

Năm 1985, ông mua lại Hongkong Electric Holdings - một công ty con của Hutchison là A.S.Watson, là doanh nghiệp dẫn đầu trong lĩnh vực bán lẻ với hơn 7.800 cửa hàng.

Mới đây, Hutchison Telecommunications, với gần 50% sở hữu thuộc Hutchison Whampa, đã bán 67% cổ phần chi phối cho của công ty con là Hutchison Essar, một liên doanh sản xuất điện thoại di động ở Ấn Độ cho Vodafone với giá 11,1 tỷ USD. Trước đó, Hutchison chỉ đầu tư có 2 tỷ USD vào công ty này.

Bên cạnh công việc kinh doanh thông qua các công ty đầu tàu là Cheung Kong Holdings và Hutchison Whampa, Li Ka Dhing cũng đầu tư vào lĩnh vực bất động sản ở Singapore và Canada. Ông là cổ đông đơn lẻ lớn nhất của Ngân hàng Canada Imperial (CIBC), ngân hàng lớn thứ ba ở Canada cho đến khi ông bán cổ phần khỏi ngân hàng này năm 2005 để dành tiền làm từ thiện. Ông còn là cổ đông chính của Công ty năng lượng Husky Energy, có trụ sở tại Alberta, Canada.

Li kinh doanh trên hầu hết mọi mặt đời sống ở Hồng Kông, từ điện đến viễn thông, bất động sản đến bán lẻ, vận tải. Tại Hồng Kông, người ta nói rằng cứ mỗi USD chi phí tại chỗ thì 5 xu vào túi Li Ka Shing. Trong lĩnh vực viễn thông, Li Ka Shing cũng rất thành công với gần 20 triệu thuê bao ở châu Á, Nam Mỹ, châu Âu và Trung Đông.

Đến nay, giá trị vốn hóa của Tập đoàn Cheung Kong Group trên thị trường chứng khoán Hồng Kông đã lên đến 1.230 tỷ Đôla Hồng Kông (157 tỷ USD), đây là con số bao gồm cả giá trị của lượng cổ phần chi phối tập đoàn này nắm giữ trong 12 công ty niêm yết trên khắp thế giới. Tập đoàn này hoạt động tại 57 quốc gia và có số lượng nhân viên hơn 260.000 người.

Năm 1992, Chủ tịch Đặng Tiểu Bình đã đến Thượng Hải và Quảng Đông. Ông nói rằng Trung Quốc đang thực hiện chính sách mở cửa và chào đón đầu tư nước ngoài. Sau chuyến đi đến miền Nam của Chủ tịch Đặng, tập đoàn của Li bắt đầu mở rộng đầu tư vào đại lục.

Li nổi tiếng trong giới kinh doanh với danh tiếng là biết nói lời và giữ lời và là người kinh doanh có đạo đức. Ngay sau khi sự nghiệp bắt đầu vững vàng, ông đã giúp đỡ những nhà đầu tư nhỏ ở Hồng Kông. Họ rất yêu quý và kính trọng ông, vì ông “tuy là một người nhỏ bé nhưng đã đánh bại những ông lớn ngay trong trò chơi của các ông lớn”.

Li đã từng được Tổng bí thư Đặng Tiểu Bình mời làm thành viên trong Ban quản trị của Tập đoàn China International Trust and Investment Corporation (CITIC) để hỗ trợ cho những chính sách cải cách kinh tế mà Tổng bí thư Đặng đang thực hiện. CITIC là tập đoàn lớn nhất với 42% sở hữu thuộc Chính phủ Trung Quốc. Ông đã nhận lời làm vị trí này một năm.

Trong lĩnh vực tài chính, ông đã từng là thành viên Hội đồng Quản trị độc lập của Ngân hàng HSBC từ năm 1980 và đã trở thành Phó chủ tịch của ngân hàng này năm 1985. Ông còn là Phó chủ tịch của HSBC Holdings trong giai đoạn 1991-1992.

Nổi tiếng vì hoạt động từ thiện

Tuổi thơ nhọc nhằn từng dập tắt nhiều hy vọng, ước muốn giản dị của Li lại luôn đánh thức ông mỗi khi doanh nghiệp của ông đạt được thành công. Chính vì vậy, nhắc đến Li, người dân Trung Quốc lại muốn nói về một trái tim nhân hậu. Ông đã cống hiến khá nhiều tài sản cho các hoạt động từ thiện trên khắp thế giới.

Tháng 1/2005, Li công bố kế hoạch bán 1,2 tỷ Đôla Canada giá trị cổ phần tại Ngân hàng CIBC để thành lập Quỹ từ thiện Li Ka Shing Foundation ở Hồng Kông và Li Ka Shing Foundation ở Toronto, Canada. Đến nay, quỹ từ thiện mang tên Li Ka Shing và các quỹ từ thiện tư nhân khác do Li sáng lập đã hỗ trợ rất nhiều hoạt động nhân đạo, học bổng với tổng số tiền ông đóng góp cho mục đích nhân đạo lên đến hơn 1,2 tỷ USD.

Năm 1981, Li sáng lập Đại học Sơn Đầu ở Trung Quốc, khởi động guồng máy cải cách trong hệ thống giáo dục của Trung Quốc. Đại học Sơn Đầu bao gồm 9 trường đại học chi nhánh. Trong đó, đại học y khoa có 5 bệnh viện liên kết.

Ở Hồng Kông, người ta gọi Li là “siêu nhân” (Superman) không chỉ vì sự nghiệp kinh doanh thành đạt và còn vì trái tim nhân hậu của ông. Năm 2006, ông đã cam kết sẽ cống hiến một phần ba tài sản của mình cho mục đích từ thiện.

Năm 2005, Li đóng góp 1 tỷ HKD cho Khoa Y, Đại học Hồng Kông. Tháng 9/2007, Li cũng đóng góp 100 triệu USD cho trường Lee Kuan Yew, thuộc Đại học Quốc gia Singapore. Sau vụ động đất ở Tứ Xuyên, Trung Quốc, Li đã đóng góp 3,85 triệu USD để hỗ trợ gia đình những người lâm nạn...
Theo Lê Hường (VnEconomy)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Xem Thêm >>
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu Việt Nam. Cung cấp thông tin bất động sản, thông tin mới nhất thị trường nhà đất và mua bán nhà đất tại Việt Nam. Network CafeLand gồm có: CafeLand Nhà Đất, CafeLand TV, CafeLand Map, CafeLand Proptech….