Phạm Hà Anh Thủy đã dành 10 năm để tích lũy kinh nghiệm trước khi bắt tay vào khởi dựng sự nghiệp. Trong thời gian đó, anh cho rằng cách hữu hiệu nhất để phát triển bản thân là lao vào những thử thách mà mình đặt ra.

Khát vọng tuổi 20

Nhiều người đã ngạc nhiên khi biết Phạm Hà Anh Thủy sang Mỹ khi tuổi vừa đôi mươi để học tài chính công, một chuyên ngành "khó nhằn" trong quá trình học lẫn tìm việc.

Nói về quyết định này anh không giấu được tự hào: "Ngày đó, tôi tràn đầy nhiệt huyết, chỉ khát khao học tập những kiến thức cần thiết để có thể về xây dựng quê hương".

Hơn mười năm sau, khát vọng của anh vẫn thế nhưng con đường thì đã đôi phần thay đổi. Anh dành 5 năm hoạt động trong ngành nghiên cứu thị trường và sau đó là 5 năm trong ngành bán lẻ ở những tập đoàn quốc tế để trui rèn bản thân.

Trong suốt quá trình đó là những tháng ngày anh lao vào thử thách, bởi nhiệm vụ mà anh nhận đều là xây dựng những bộ phận mà công ty đang cần để đáp ứng nhu cầu thị trường. "Không hiểu sao những thử thách mới luôn mang lại cho tôi động lực", Thủy chia sẻ.

Có lẽ cũng chính vì thử thách mà Phạm Hà Anh Thủy đầu quân về Nụ Cười Khách Hàng khi đang yên vị ở chức vụ khá lớn của tập đoàn bán lẻ Metro. Khi đó Nụ Cười Khách Hàng đã gần như là một dự án bế tắc của những nhà đầu tư tên tuổi như Open Asia, quỹ đầu tư mạo hiểm IDG...

Thủy cho biết, khi đưa ra quyết định này, anh chỉ nghĩ đến một chuyện là làm thế nào để cứu được đầu tư của cả tập đoàn. Tất nhiên, anh biết làm được điều này nghĩa là tạo nên được "huyền thoại" cho mình.

Về cơ bản, Nụ Cười Khách Hàng là một dự án hoạt động theo phương thức kinh doanh khá mới lạ ở Việt Nam. Thông qua việc phát hành SmileCard - những chiếc thẻ giúp khách hàng có thể tích lũy tài khoản khi mua sắm ở các điểm chấp nhận thẻ, công ty sẽ đảm nhận nhiệm vụ kết nối khách hàng với doanh nghiệp (DN).

Hình thức này giúp DN chăm sóc khách hàng bằng việc giảm giá bán, nhưng vừa có cơ hội đón khách hàng quay lại bởi khoản tích lũy này sẽ được cấn trừ trong lần thanh toán sau. Cái lợi của mô hình này là khách hàng có thể dùng khoản tích lũy của mình ở nhiều nơi chứ không chỉ riêng một DN.

Thủy cho biết đây là một sản phẩm đã áp dụng khá thành công ở thị trường Thái Lan. Muốn nhân rộng thành công này, các nhà đầu tư đã mang sản phẩm này vào Việt Nam. Tuy nhiên, đặc thù thị trường hai nơi khác nhau khiến sản phẩm có những hạn chế riêng.

Về công nghệ, cốt lõi để xây dựng nên hệ thống này được mô phỏng theo hoạt động của ngân hàng nên khá cứng nhắc, không thể ứng dụng linh hoạt cho thị trường Việt Nam.

Thấy được tiềm năng cũng như mắt xích đang khóa chặt cánh cửa của SmileCard, công ty quyết định cho viết lại hoàn toàn phần mềm quản lý này. Một mặt vẫn đảm bảo tính cốt lõi, mặt khác vẫn đảm bảo tính mở và tương tác cao. Thủy tâm sự: "Đây là kinh nghiệm mà tôi tích lũy được trong những ngày làm việc ở Metro".

Thành công từ "bảo thủ”

Vừa viết lại phần mềm hệ thống vừa chuẩn bị công tác tổ chức, chỉ trong một thời gian ngắn, số lượng DN tham gia mô hình của SmileCard đã lên đến hơn 40 và điểm chấp nhận thẻ đã là 150 tại khu vực TP.HCM. Thủy cho biết phương pháp phát triển hệ thống của anh khá "bảo thủ”.

Nghĩa là phải biết gạn lọc đối tượng tham gia mô hình, sắp xếp sao cho các DN trong các hệ thống phải tương đồng về mặt đối tượng khách hàng nhằm bổ trợ cho nhau một cách tốt nhất.

Điều đó có nghĩa là những đối tác cạnh tranh trực tiếp với nhau, Smile Card chấp nhận loại bỏ nhằm đảm bảo quyền lợi cao nhất cho DN tham gia.

"Những quyết định của tôi bây giờ là hướng tới tương lai của SmileCard 10 năm nữa chứ không phải trong một vài năm. Chỉ cần 40 đối tác có độ tương tác cao thì vẫn tốt hơn phát triển nóng mà phát sinh mâu thuẫn", Thủy tiết lộ.

Đối tượng phục vụ của SmileCard là nhân viên văn phòng trên 20 tuổi, tiêu dùng từ 3 đến 4 triệu đồng trở lên. Đây là đối tượng "vàng" theo cơ cấu dân số Việt Nam hiện nay.

Tuy nhiên khó khăn của SmileCard gặp phải cũng không ít. Phạm Hà Anh Thủy cho biết, người dùng Việt Nam vẫn còn khá xa lạ với mô hình khuyến mãi bằng tích lũy điểm khi mua sắm.

Tâm lý chung ai cũng muốn được giảm giá trực tiếp trên sản phẩm. Do đó, để người dùng chấp nhận hình thức này không dễ.

Hiểu được điều này, SmileCard phải cố gắng xây dựng hệ thống và huấn luyện ngay chính đối tác của mình mới có thể tạo nên mô hình hoàn hảo, để khách hàng thấy được sự ưu việt của hình thức khuyến mãi này.

Cũng may, các DN thấy được lợi ích của họ khi tham gia vào mô hình này nên SmileCard nhận được sự hợp tác khá cao. Ở phía khách hàng, một mặt vừa được tích lũy tiền theo mô hình của SmileCard, vừa có thể hưởng thêm các chương trình khuyến mãi riêng của DN khi có triển khai nên lượng người đăng ký thẻ ngày một đông.

Thủy khoe: "Chúng tôi đang trên đà phát triển lượng khách hàng tháng sau sẽ gấp đôi tháng trước".

Tất nhiên, với khoản đầu tư khá lớn cho hệ thống, SmileCard đến nay vẫn chưa có lãi, nhưng tốc độ phát triển dưới bàn tay điều hành của Thủy đã theo kịp kỳ vọng của nhà đầu tư.

Anh bảo, khởi nghiệp lúc nào cũng khó khăn nên dù là làm thuê, anh vẫn luôn tâm niệm, tiêu đồng nào cũng phải như tiêu đồng tiền cuối cùng của mình vậy.

Đặng Quý Yên (Doanh nhân Sài Gòn)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
  • "Kẻ bảo thủ" tiêu tiền

    "Kẻ bảo thủ" tiêu tiền

    07/08/2013 10:22 AM

    Phạm Hà Anh Thủy đã dành 10 năm để tích lũy kinh nghiệm trước khi bắt tay vào khởi dựng sự nghiệp. Trong thời gian đó, anh cho rằng cách hữu hiệu nhất để phát triển bản thân là lao vào những thử thách mà mình đặt ra.

Xem Thêm >>
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.