Cập nhật 24/05/2018 4:44 PM
Để WeFit thành công và sớm hiện thực hóa ước mơ trở thành công ty Kỳ Lân, Nguyễn Khôi phải vượt qua nỗi cô đơn của người tiên phong, không phủ nhận bất cứ điều gì dù điên rồ nhất, lấy sự chân thành bổ khuyết cho việc thiếu kinh nghiệm quản trị.

Nguyễn Khôi, nhà sáng lập Wefit.

Trong danh sách 30 Under 30 của Forbes công bố mới đây, Nguyễn Khôi và “đứa con” WeFit là một trong những startup có bước tiến thần tốc nhất.

Tháng 9/2016, WeFit tham gia thị trường, cuối năm, công ty nằm trong top 3 cuộc thi startup tiềm năng do VTV tổ chức. Năm 2017, WeFit được DealstreetAsia - tạp chí kinh tế uy tín châu Á – đánh giá là một trong những "startup đáng chú ý nhất năm".

Đầu năm 2018, Nguyễn Khôi và Wefit được Forbes Việt Nam lựa chọn vào danh sách Under 30.

WeFit là ứng dụng cung cấp giải pháp luyện tập mới tại Việt Nam, liên kết hợp tác với hàng trăm phòng tập fitness gym, yoga, dancing...tại Hà Nội và TP. HCM.

Hiện WeFit có 30 bộ môn tập luyện liên kết với trên 500 phòng tập khắp Việt Nam, giúp hơn 5.000 khách hàng dễ dàng hơn trong việc chọn lựa bộ môn và thời gian, phòng tập thuận tiện nhất cho việc tập luyện, doanh thu của WeFit năm 2017 đạt 700 ngàn USD.

Cảm giác của anh như thế nào khi xuất hiện trong danh sách 30 Under 30 của Forbes cùng với anh Trần Mạnh Công – Topica, một người mà anh từng thú nhận là học được rất nhiều về chuyện khởi nghiệp khi tham gia dự án Edumall?

CEO Nguyễn Khôi: Cảm giác khi được xuất hiện trong danh sách Forbes Under 30 giống như Spiderman được làm Avengers vậy! Được ở giữa những người giỏi xuất chúng, có những người là thần tượng của mình hồi bé, những người như anh Công là người dìu dắt vào con đường khởi nghiệp, cảm xúc của mình vừa đan xen giữa tự hào, vui sướng lẫn áp lực.

Sinh nhật 1 tuổi của WeFit

Có rất nhiều mô hình startup thành công trên thế giới, vậy tại sao anh quyết định chọn áp dụng công nghệ thông tin vào lĩnh vực fitness – lifestyle? Quá trình, sự việc hay khoảnh khắc nào giúp anh nhận ra, WeFit chắc chắn sẽ thành công?

CEO Nguyễn Khôi: Công nghệ thông tin hiện tại có thể ứng dụng vào rất nhiều lĩnh vực khác nhau trên thế giới, tuy nhiên, bản thân mình chỉ tập trung vào những lĩnh vực có tính nhân văn và giá trị cộng đồng cao.

Trước đây mình từng gắn bó với giáo dục và sau một thời gian làm giáo dục, mình muốn có bước tiến mới trong một lĩnh vực mới, nên đã chọn sức khoẻ.

Thực ra, lượng khách hàng mục tiêu của WeFit không phải các anh bụng bia mà là phụ nữ tuổi từ 25-35 tuổi. Sức khoẻ tốt là nhu cầu thiết yếu với tất cả mọi người ở mọi lứa tuổi, nhưng những bộ môn fitness mà WeFit đang có, phù hợp nhất với tập đối tượng trên.

Anh đánh giá như thế nào về thị trường fitness – lifestyle ở Việt Nam thời điểm hiện tại?

CEO Nguyễn Khôi: Thị trường fitness-lifestyle ở Việt Nam đang có đà tăng trưởng cực nhanh, theo đà phát triển chung của nền kinh tế. Tính riêng thị trường tập luyện truyền thống ở Việt Nam, tốc độ tăng trưởng đã đạt 50%/năm, đặc biệt từ sau khi WeFit xuất hiện tốc độ này còn nhanh hơn nữa

Các lĩnh vực khác trong lifestyle như làm đẹp cũng có thị trường lên tới 2 tỷ USD tại Việt Nam.

Ứng dụng công nghệ vào những ngành này, sẽ giúp khai phá nhanh hơn những tập khách hàng, mà thị phần truyền thống còn chưa khai thác được. Về cơ bản, thị trường fitness vẫn đang thiếu những nhà cung cấp chất lượng, đặc biệt là ở công đoạn chất lượng dịch vụ của con người.

Với vai trò là người đi tiên phong trong lĩnh vực này, có khi nào anh thấy cô đơn chưa? Vì thật ra, việc thay đổi ý thức của một con người là điều không dễ dàng.

CEO Nguyễn Khôi: Đã làm startup thì sẽ luôn phải đối mặt với bài toán "giáo dục - educate thị trường" là điều không thể tránh khỏi, thành thực mà nói, có những lúc mình cũng rất nản vì phải educate nhiều thứ.

Do ngành fitness ở Việt Nam còn tương đối mới mẻ, nên ngoài việc phải educate cho khách hàng về ưu điểm công nghệ, mình còn phải educate thị trường về lợi ích tập luyện cũng như cung cấp các kiến thức từ cơ bản nhất.

Ngoài kiến thức thì những trải nghiệm trong thời gian du học ở Mỹ có giúp ích nhiều cho anh trong việc startup ở Việt Nam không? Có phải những người du học về sẽ dễ dàng thành công hơn các bạn trong nước khi startup, nhờ được thụ hưởng nền giáo dục sáng tạo và thực tế hơn nền giáo dục Việt Nam?

CEO Nguyễn Khôi: Không phải tất cả những người đi du học về đều sẽ có thể khởi nghiệp thành công, vì để khởi nghiệp cũng còn phụ thuộc nhiều yếu tố.

Trên thực tế, kiến thức được truyền đạt ở Việt Nam không khác xa thế giới quá nhiều, đặc biệt là ở những môn kỹ thuật. Tuy nhiên, cái chúng ta thiếu chính là một môi trường tự do, để cho mỗi người được phép thể hiện bản thân mình.

Điều mình học được nhiều nhất khi du học ở Mỹ chính là một tư duy "open-minded" tức là tư duy mở, sẵn sàng thu nhận nhiều ý kiến trái chiều và không phủ nhận bất kỳ điều gì dù là điên rồ nhất.

Những người khởi nghiệp thành công thường bắt đầu từ những ý tưởng điên rồ, có khi trình bày sẽ gặp phản đối dữ dội. Mình khi mới làm WeFit cũng bị phản đối dữ lắm!

Có nhiều chuyên gia nhận xét: yếu tố quan trọng nhất quyết định thành bại của một startup chính là nhân lực. Sở dĩ các startup Việt Nam thất bại nhiều hơn thành công là do không biết đánh giá, tuyển dụng và quản lý nhân sự phù hợp. Anh nghĩ gì về nhận định này? Anh có thể chia sẻ một chút về nguyên tắc quản trị nhân sự của bản thân.

CEO Nguyễn Khôi: Nhân lực không chỉ là yếu tố quyết định thành bại của startup, mà theo mình là của bất kỳ loại hình kinh doanh nào.

Ba yếu tố quan trọng nhất khiến startup thất bại là tạo ra sản phẩm không có nhu cầu, nhân lực không đủ tốt và hết tiền giữa đường. Trong đó với mình cả 2 yếu tố đầu tiên đều do vấn đề của nhân sự.

Bản thân mình cũng chú trọng vào việc tuyển dụng, bồi huấn và giữ chân nhân sự. Những việc về nhân sự thường chiếm 30% thời gian của mình. Quan trọng nhất đối với mình trong việc quản trị nhân sự là phải duy trì được sự chân thành.

Với những người còn trẻ và thiếu kinh nghiệm quản trị như mình, trong quá trình làm việc với nhân sự thường xảy ra rất nhiều vấn đề. Tuy nhiên nếu duy trì được sự chân thành, khiến mọi người cảm nhận được sự chân thành của bản thân, thì mọi vấn đề đều có thể giải quyết.

Nguyễn Khôi tại lễ vinh danh 30 Under 30 của Forbes.

Anh có ý định đưa công ty ra toàn cầu (Go Global) hay không? Liệu có phải Singapore, nơi đang được coi là thủ phủ startup của cả châu Á?

CEO Nguyễn Khôi: Bất kỳ công ty startup nào khi hình thành cũng mong muốn mình càng ngày càng phát triển và có độ phủ rộng lớn. Singapore đúng là một trong những địa điểm tốt để đặt đại bản doanh nhưng chưa chắc đã là thị trường tốt nhất ở châu Á.

WeFit sẽ bật mí kế hoạch Go Global ở một thời điểm thích hợp hơn, khi mà các kế hoạch đã rõ ràng chứ không phải chỉ là ước mơ.

Anh từng thổ lộ muốn xây dựng một công ty Kỳ Lân cho Việt Nam. Vậy với những bước tiến như thế này của WeFit cũng như các kế hoạch tương lai, năm bao nhiêu tuổi thì Khôi dự định sẽ biến điều đó thành hiện thực?

CEO Nguyễn Khôi: Ở Việt Nam, có 2 ước mơ lớn với dân startup, đó là xuất khẩu sản phẩm sang thị trường quốc tế và trở thành công ty unicorn (kỳ lân). WeFit đương nhiên cũng muốn thực hiện việc này và cũng đã có những kế hoạch cho riêng mình.

Xin cảm ơn anh!

Quỳnh Như (The Leader)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Xem Thêm >>
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.