Cận Tết Nguyên đán, cơ sở sản xuất nhỏ tại Đồng Tháp của chị Nguyễn Thị Các Thủy dự kiến đưa ra thị trường khoảng 2.000 hộp mứt chuối, hy vọng thu khoản lãi hàng chục triệu đồng.

Sẵn có món gia truyền, Tết năm ngoái, chị Các Thủy (Lai Vung, Đồng Tháp) cùng mẹ làm mứt chuối để biếu người thân. Được hưởng ứng, cộng với thấy các sản phẩm được bán trên thị trường không mấy đặc sắc, chị quyết định tiến tới làm mứt để kinh doanh.

Với nguyên liệu chính từ chuối ép khô, cộng với nhiều sản vật địa phương như đậu phộng, dừa khô, bánh phồng, gừng... việc làm mứt không quá khó, nhưng lại đòi hỏi sự tinh tế để món ăn không quá ngọt, mềm bên trong nhưng giòn bên ngoài. Một sản phẩm ưng ý với chị Thủy phải vừa giữ được vị ngọt cuối chuối, cay cay của gừng hay độ giòn của đậu phộng.

Món mứt gia truyền đã mang lại thu nhập hàng chục triệu đồng cho nữ doanh nhân trẻ.

Để tập trung kinh doanh, chị Thủy bỏ hẳn công việc tại TP HCM để trở về quê hương Đồng Tháp lập nghiệp. Xuất phát điểm là dân công nghệ nên một trong những việc đầu tiên chị nghĩ tới là lập website, đăng ký thương hiệu cho sản phẩm. Đến giữa năm 2013, sau khi hoàn tất các thủ tục đăng ký kinh doanh và công bố chất lượng về vệ sinh an toàn thực phẩm, chị ký hợp đồng với đối tác đầu tiên.

Do gia đình tự trồng được chuối - nguyên liệu chính của món mứt, chị Thủy cho biết đầu vào cho sản xuất của chị khá rẻ. Cùng với đó, các khâu chuẩn bị khác cũng do chị tự làm hoặc nhờ bạn bè giúp đỡ nên khởi đầu công việc khởi động khá suôn sẻ.

Tuy nhiên, cũng theo nữ doanh nhân trẻ này, trong giai đoạn đầu kinh doanh, cái khó nhất với chị là “làm chủ” được nguyên liệu. Thời tiết tốt, thì sau khi ép chuối chỉ cần phơi 3 đến 4 lượt nắng là chuối khô đủ độ, nhưng nếu trời mưa thì bánh phồng dễ bị ẩm và chuối cũng dễ bị mốc nhanh chóng. Chị lại phải mày mò khắp nơi phương pháp bảo quản để giữ được sản phẩm tốt, đảm bảo vệ sinh.

Khi việc kinh doanh dần phát triển, chị Thủy lại tiếp tục nhận thấy khó khăn khi phải một mình vừa sản xuất, vừa đi chào, bán hàng. Bà chủ trẻ sinh năm 1983 này bắt đầu nghĩ tới chuyện mở rộng kinh doanh, tham gia các hội chợ nông sản tại Đồng Tháp và Long Xuyên. Chị thủy cho biết hiệu quả khá cao khi nhiều khách hàng ăn thử, thấy ngon và mua về dùng ngay. Với giá 35.000 đồng một hộp mứt, đến nay, việc kinh doanh đã mang lại cho nữ doanh nhân này khoản lãi khoảng 30 triệu đồng một tháng.

Để tăng gia sản xuất, ngoài việc tận dụng nguồn nhân lực trong gia đình, cơ sở làm mứt của chị Thủy còn thu hút thêm công ăn việc làm cho các chị em phụ nữ cùng xóm. Tết này, cơ sở sản xuất 15 lao động của chị dự kiến đưa ra thị trường khoảng 2.000 hộp mứt, thu về hàng chục triệu đồng.

Chị Thủy chia sẻ: “Nguyên tắc của mình đặt ra cho sản phẩm cũng như cho công nhân là phải có trách nhiệm trên từng miếng bánh làm ra, tôn trọng khách hàng cũng như tôn trọng chính sức lao động của mình”. Trong năm tới, bà chủ trẻ này cho biết sẽ kết hợp với các đại lý bán hàng lưu niệm để bán cho khách du lịch và tìm mối xuất khẩu mứt chuối sang các nước lân cận như Campuchia, Thái Lan…

Lê Na (VnExpress)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
  • Dân công nghệ kinh doanh mứt chuối

    Dân công nghệ kinh doanh mứt chuối

    10/01/2014 8:28 AM

    Cận Tết Nguyên đán, cơ sở sản xuất nhỏ tại Đồng Tháp của chị Nguyễn Thị Các Thủy dự kiến đưa ra thị trường khoảng 2.000 hộp mứt chuối, hy vọng thu khoản lãi hàng chục triệu đồng.

Xem Thêm >>
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.