Năm 2008, Nguyễn Quang Thuân và 2 người bạn (một người làm việc ở Bộ phát triển Vương quốc Anh, một người làm Phó giám đốc Quản lý Đầu tư của Lehman Brothers London) chia tay “đời làm thuê” để làm ông chủ. Thuân kể lại lý do mở Công ty Dữ liệu và Truyền thông Tài chính StoxPlus: “Cuối 2007, Chủ tịch Quỹ Vietnam Holding đưa tôi hàng nghìn USD để mua dữ liệu về các cổ phiếu được giao dịch tự do (free-float) ở Việt Nam mà không ai có. Cả 3 lại có nền tảng về tài chính và dữ liệu nên StoxPlus ra đời”.
Nguyễn Quang Thuân - CEO của StoxPlus - là một người luôn dám 'thử' và dám 'sai' để thành công. Ảnh: T.T.
Sau khi tốt nghiệp Đại học Kinh tế Quốc dân Hà Nội năm 1999, Nguyễn Quang Thuân vào làm việc cho PricewaterhouseCoopers - PwC Việt Nam. Được học bổng sang Australia học MBA, sau đó Thuân làm Chủ nhiệm Dịch vụ tài chính cho PwC Sydney. Trước khi về Việt Nam, Nguyễn Quang Thuân là chuyên viên phân tích đầu tư của Công ty Quản lý quỹ Vietnam Holding. |
Công ty ra đời vào tháng 3/2008, vài tháng trước khi
nổ ra cuộc khủng hoảng tài chính phố Wall. Nhiều người thắc mắc tại sao
vẫn anh vẫn cố mở StoxPlus khi ấy, Nguyễn Quang Thuân nói nửa đùa, nửa
thật: “Chửa rồi thì phải đẻ thôi”.
Nếu cộng gộp thu nhập đi làm thuê của 3 người sáng lập, mỗi năm họ kiếm được hơn 250.000 USD. Trong khi đó, hơn một năm đầu tiên StoxPlus chưa thu về đồng doanh thu nào. Thế nhưng, họ không hề nản bởi theo Thuân: “Muốn đi xa thì phải đi từ từ”.
Anh kể, có những thời điểm khốn khó, làm mãi nhưng chưa ra tiền, các sáng lập viên vẫn phải đi làm thuê để có thu nhập: Lúc thì tham gia tư vấn, khi thì đi đào tạo, dạy thêm… “Không bao giờ sợ đói ăn, chỉ sợ không có khả năng tạo dựng một doanh nghiệp đúng nghĩa”, anh tâm sự.
Với StoxPlus, Thuân áp dụng biện pháp điều hành và kinh doanh “thử và sai”. CEO StoxPlus chia sẻ: “Phải đi thì mới biết đường, có khi thấy đường ở ngay dưới chân mình. Nếu không triển khai gì, mọi thứ sẽ ngồi im”. Thuân thẳng thắn: “Nếu vài năm nữa mà chúng tôi vẫn chưa đạt được những mục tiêu đề ra sẽ để cho người khác giỏi hơn vào kiểm soát và điều hành công ty”.
Sau gần 1 năm phát triển, StoxPlus đã có doanh số đều đều, đến nay đã có hơn 100 tổ chức trong và ngoài nước, hơn 1.000 khách hàng cá nhân, trong đó có Công ty chứng khoán Bản Việt, Chứng khoán Thăng Long... sử dụng phần mềm tài chính StoxPro và các dịch vụ dữ liệu của công ty.
Năm 2011, thị trường tài chính khủng hoảng và kế hoạch
doanh thu một triệu đôla ở năm thứ 3 hoạt động của StoxPlus chưa đạt
được. Tuy nhiên, CEO StoxPlus vẫn cho rằng mình còn có rất nhiều “đất
diễn”. Hiện nhiều công ty thay vì tự xử lý dữ liệu đã chấp nhận thuê bên
ngoài vì chi phí rẻ hơn. Nhờ vậy mà những công ty phân tích dữ liệu,
tài chính như StoxPlus được trọng dụng.
Hợp đồng đầu tiên trong những ngày “hàn vi” năm 2008
của StoxPlus cũng xuất phát từ khủng hoảng. Nguyễn Quang Thuân kể lại:
“Khách hàng đầu tiên là Công ty chứng khoán Thăng Long. Cơ hội đến khi
thị trường xấu và các công ty chứng khoán phải cắt giảm chi phí, cho đội
ngũ nhân viên xử lý dữ liệu nghỉ. Thế là StoxPlus có việc làm”.
Lý giải về quyết định ký hợp đồng với StoxPlus thời điểm năm 2008, TS Quách Mạnh Hào - Phó tổng giám đốc Công ty Chứng khoán Thăng Long - cho biết: "Khi đó ở Việt Nam những công ty như StoxPlus không nhiều. Tuy nhiên, quan điểm của chúng tôi là nếu chọn nhà cung cấp, phân tích nước ngoài, họ sẽ không thể am hiểu chi tiết bằng nhà cung cấp địa phương. Đương nhiên là công ty chứng khoán nào cũng cần dữ liệu tốt, tin cậy".
Thuân chia sẻ, mô hình kinh doanh dữ liệu có nhiều tiềm năng. “Bởi dữ liệu bán xong cho một người thì vẫn cứ là dữ liệu và còn bán tiếp cho nhiều người khác được”, anh lý giải. Anh cho rằng mình đang kinh doanh trên những thông tin được công khai. Công việc chính là chuẩn hóa để những thông tin đó dùng được. Anh quan niệm: “Thông tin chỉ là thông tin đơn thuần và vô giá trị nếu nó vẫn ở dạng không dễ dàng tiếp cận được đối với người dùng”. Vì vậy, mục tiêu của anh cùng StoxPlus là biến nó trở nên hữu dụng nhất với nhà đầu tư.
Mặc dù đã chia tay thời đi “đánh thuê” vài năm nhưng
Nguyễn Quang Thuân vẫn nhận mình là “worker” (nhân viên). Anh chia sẻ:
“Chừng nào rảnh rang, chỉ việc đút tay túi quần mà vẫn có thu nhập cao
mới dám là doanh nhân. Còn giờ, việc gì tôi cũng phải làm. Ngẩng cao đầu
vẫn chưa thấy chỗ mình đến là đâu cả nên còn phải cố gắng nhiều”.
Sau nhiều năm làm dữ liệu, Tổng giám đốc StoxPlus cho
biết cái vui của ngành này là thấy nhiều trường hợp một trang kết quả dữ
liệu có giá trị hơn hàng trăm trang giấy phân tích, nghiên cứu suông.
“Đôi khi, chúng tôi có đủ cơ sở để bác bỏ các kết luận vô căn cứ như giá
nhà đất có thực sự giảm, lãi suất hợp lý là bao nhiêu? Bác nào muốn
‘chém gió’ với dân dữ liệu là phải cẩn thận”, Thuân tếu táo.
Chưa biết Nguyễn Quang Thuân “vui” cỡ nào nhưng ít nhất, anh đã bác bỏ được tư duy “cứ khủng hoảng là chết” bởi StoxPlus vẫn nhìn thấy những cơ hội, dù ít ỏi, trong khủng hoảng.