Cập nhật 27/12/2011 7:55 AM
Cha phát hiện mắc bệnh ung thư, tinh thần gia đình suy sụp, kinh tế khánh kiệt... cũng là lúc Tạ Minh Tuấn nảy sinh ý tưởng khởi nghiệp. Bắt đầu với 5 triệu đồng, Tuấn và 20 cộng sự phải làm việc không lương trong năm đầu.

4 năm trước, cha Tạ Minh Tuấn phát hiện mắc bệnh ung thư quái ác. Khi đó, Tuấn chỉ ao ước có thể quay ngược được thời gian để có thể chăm sóc cha tốt hơn và ông không mắc phải căn bệnh đó. Cũng từ đây, giấc mơ về mô hình chăm sóc, phòng bị sức khỏe tại nhà nảy nở và lớn dần lên trong tâm trí của Tuấn.



Tạ Minh Tuấn (thứ 2 từ phải sang) - CEO của HELP.

Chứng kiến người cha dần phục hồi vì có một lối sống tích cực, anh càng tin vào ý tưởng của mình. Từ đây, chàng thanh niên vốn học chuyên ngành kỹ thuật (Đại học Bách khoa TP HCM) rẽ sang con đường mới - thành lập tổ chức y tế chăm sóc sức khỏe tại nhà mang tên HELP.


Khởi nghiệp trong hoàn cảnh gia đình khánh kiệt về kinh tế, Tuấn tự mày mò nghiên cứu, lên kế hoạch và đi nhiều nơi để trình bày ý tưởng, tìm những người cùng chí hướng. Sau một tháng, anh tìm được 20 người đồng hành nhưng chỉ có vốn 5 triệu đồng. Tạ Minh Tuấn buộc phải thuyết phục cộng sự làm việc không lương trong giai đoạn đầu, nhưng tình trạng này kéo dài suốt cả năm đầu của dự án.


Đến thời điểm chín muồi, Tuấn bắt tay vào huy động vốn. Chỉ trong 2 tháng, ý tưởng của Tuấn nhận được tổng số tiền hỗ trợ lên đến 14 tỷ đồng cho HELP hoạt động trong 3 năm và giải ngân từng năm. Việc lo hành lang pháp lý cũng khiến anh vất vả không ít do mô hình này quá mới tại Việt Nam.


Đến nay, HELP đã được đưa vào danh bạ doanh nghiệp y dược chất lượng cao do Bộ Y Tế phát hành. Với dịch vụ chăm sóc, khám chữa bệnh tại nhà dành cho cá nhân, gia đình cùng việc lập hồ sơ theo dõi sức khỏe suốt đời, doanh nghiệp này hiện có khoảng 35 bác sĩ và 15 điều dưỡng đến từ các bệnh viện tại TP HCM.


“80% những căn bệnh mãn tính đều là kết quả của lối sống mà con người đã chọn, trong khi nếu được chăm sóc, khám định kỳ, chúng ta đều có thể phòng ngừa được. Mình tin nếu mỗi gia đình có một bác sĩ theo dõi sức khỏe thì sẽ phòng chống, phát hiện sớm được rất nhiều bệnh, điều đó mới giải quyết được gốc rễ của vấn đề, còn xây nhiều bệnh viên hơn thì chỉ chú trọng đến phần ngọn”, Tuấn chia sẻ.


Từ đây, Tạ Minh Tuấn, một người ngoại đạo trở thành Giám đốc điều hành của trung tâm y tế với dịch vụ chăm sóc sức khỏe tại gia. Tuấn chia sẻ, để có đủ điều kiện thực hiện một giấc mơ lớn thì cần phải có kiến thức ở cấp độ chuyên gia của nhiều lĩnh vực khác nhau. Đơn cử như trường hợp của Tuấn, cần kiến thức chuyên sâu của 5 lĩnh vực: tiếp thị, bán hàng, tài chính, nhân sự và y tế. Nhưng để trở thành chuyên gia trong mỗi lĩnh vực thông thường đòi hỏi phải có trên 10 năm kinh nghiệm, như vậy trong 5 lĩnh vực thì phải mất hơn 50 năm trải nghiệm. Đó mới là điều kiện để thực hiện chứ chưa phải là ước mơ đã thành công.


Theo Tuấn, khoảng thời gian đó là quá lâu, vì vậy người lập nghiệp có thể chọn cách khác. Đó là xây dựng xung quanh mình một hệ thống làm việc với 5 chuyên gia khác nhau, mỗi người có hơn 10 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực chuyên môn của họ, và nhiệm vụ của người quản lý là phải rèn luyện khả năng làm việc thật hiệu quả với họ. “Như vậy bạn đã có một tài sản vô hình, đó là hơn 50 năm trải nghiệm của người khác làm vốn giúp cho bạn khởi nghiệp”, Tạ Minh Tuấn - CEO trẻ tuổi chia sẻ kinh nghiệm của mình.



Tạ Minh Tuấn (giữa) cùng các cộng sự tại Học viện Khởi nghiệp & Lãnh đạo YUP.

Sinh ra trong một gia đình có cha và mẹ đều là giáo viên, Tạ Minh Tuấn còn có niềm đam mê giáo dục. Ngoài việc điều hành HELP, anh còn thành lập Học viện Khởi nghiệp & Lãnh đạo YUP – nơi chuyên đào tạo những bạn trẻ trở thành những nhà lãnh đạo nói “Có!” với thành công và hạnh phúc của chính mình. Dù rất bận rộn, Tuấn vẫn dành thời gian để điều hành Quỹ Xã hội mang tên “Giấc mơ đôi chân thiên thần” chuyên hỗ trợ những người khuyết tật có nghị lực sống.


Với những thành công đạt được, năm 2011, Tạ Minh Tuấn được chọn là một trong 15 doanh nhân xã hội (những người sử dụng những kỹ năng kinh doanh để giải quyết các nan đề của xã hội) do Trung tâm hỗ trợ sáng kiến phục vụ cộng đồng (CSIP) chứng nhận. Theo Tuấn, sẽ không thể có một doanh nghiệp thành công bên trong một xã hội thất bại, kinh doanh vì cộng đồng khó sinh nguồn lợi khổng lồ từ đầu, khó chứng minh giá trị kinh tế và thu hút đầu tư. Tuy nhiên, cách làm này sẽ cho giá trị ý nghĩa và bền vững hơn nên dù khó khăn cũng rất đáng để dấn thân.


“Sống là để cống hiến, cuộc đời rất ngắn ngủi nên phải để nó có ý nghĩa nhất. Ai có thể làm cho mỗi phút giây của cuộc sống đều mang giá trị cho người khác, người đó sẽ ‘kéo dài’ cuộc đời mình đến ‘bất tận’”, Tuấn quan niệm.

Theo Xuân Ngọc (VnExpress)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Xem Thêm >>
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.