Ông Đỗ Việt Anh
Đứng lên từ thất bại
Sinh năm 1980, gia đình anh em sinh đôi Đỗ Việt Anh - Đỗ Việt Hùng chuyển sang Tiệp Khắc sinh sống và làm ăn từ khi Việt Anh còn nhỏ. Sau khi học xong trung học, cả hai lựa chọn học tiếp lên cao đẳng. Tuy nhiên, vì không tập trung vào việc học tập, cả hai cùng bị đuổi khỏi trường sau nửa năm học. Bước ngoặt này đã chuyển hướng Đỗ Việt Anh sang con đường kinh doanh cho tới hôm nay.
Sau khi bị đuổi học, hai anh em quay về Việt Nam năm 2002 và gia nhập vào nhóm những người đam mê trượt ván đường phố. Thời điểm đó, việc tìm kiếm quần áo, phụ kiện dành cho giới trượt ván ngay giữa lòng thủ đô vẫn rất khó khăn. Xuất phát từ nhu cầu của bản thân, ý tưởng bán đồ dành cho đối tượng này dần hình thành.
Chuyến hàng đầu tiên, hai anh em sang Thái Lan tìm mua đồ và mang về Việt Nam bán, vừa để phục vụ cá nhân, vừa bán cho bạn bè. Đỗ Việt Anh đã tự thiết kế website để bán hàng online. Sau một thời gian, nhận thấy nhu cầu gia tăng, hai anh em quyết tâm mở cửa hàng với số vốn hỗ trợ từ gia đình.
Năm 2003, cửa hàng đầu tiên rộng 20 m2 được mở trên phố Nam Cao, gần Trường Hà Nội Amsterdam cũ. Việt Anh đánh giá, đây là vị trí đắc địa, sẽ tạo bệ phóng cho sự phát triển của chuỗi cửa hàng trong dài hạn. Từng sinh sống tại nước ngoài, anh em Đỗ Việt Anh hiểu giá trị của hàng “Made in Vietnam”.
Do đó, bên cạnh nguồn hàng nhập từ Thái Lan, doanh nhân trẻ này quyết định “nhặt nhạnh” đồ Việt Nam xuất khẩu để bán. Chưa kể, để đáp ứng nhu cầu của khách hàng, Việt Anh hiểu rõ cần phải đa dạng sản phẩm của mình và tìm tòi thêm nguồn hàng chất lượng cao từ Trung Quốc.
Sau 6 năm, việc bán hàng tăng trưởng tích cực, với mong muốn xây dựng được một thương hiệu hàng Việt Nam, Việt Anh suy nghĩ tại sao không đưa những hình ảnh thuần văn hóa Việt lên trên chiếc áo phông. Năm 2009, anh em Việt Anh bắt đầu lập công ty, lấy tên Công ty trách nhiệm hữu hạn BOO, thương hiệu Bò Sữa ra đời từ đó.
Bò Sữa là doanh nghiệp tập trung nhiều vào các hoạt động vì môi trường
Với chiến lược dùng ngay khách hàng đang có để phát triển thương hiệu mới, Việt Anh mở các cửa hàng Bò Sữa ngay bên cạnh những cửa hàng hiện hữu. Cùng với đó, anh mở rộng hợp tác thương hiệu qua việc đạt được thỏa thuận nhượng quyền đầu tiên tại Việt Nam cho dòng NEO với Adidas.
Có thể nói, giai đoạn 2009 - 2014 là chuỗi ngày rực rỡ nhất của Bò Sữa khi thương hiệu này nhanh chóng được giới trẻ quan tâm và ưa chuộng, tỷ suất lợi nhuận tăng mạnh. Nhưng từ đây, Việt Anh rơi vào “bẫy” tăng trưởng.
Anh tâm sự, thời điểm đó đang trên đà toàn thắng, dù thiếu kinh nghiệm nhưng lại muốn nhiều thứ hơn, anh mở quá nhiều thương hiệu cùng một lúc (các thương hiệu có thể kể tới như Bò Sữa, Infamous, Bê Sữa, Bazic by BOO, BOOSHIRT).
Điều gì đến rồi sẽ đến. Trong khi chưa đủ điều kiện, hệ thống thiếu hoàn thiện, việc mở rộng quy mô quá mạnh khiến hiệu suất đi xuống, khách hàng bị rối vì quá nhiều cái tên, nguồn lực bị phân tán. Đây là lúc mà BOO hụt hơi.
Sau đó, 2015 - 2016 là giai đoạn “kinh hoàng” đối với anh và công ty, khi doanh nghiệp không có đủ vốn để duy trì, rơi vào khủng hoảng, dòng tiền tính theo tuần để gom trả nợ. Cùng với đó, sự đứt gãy trong thỏa thuận vòng cuối với một quỹ đầu tư khiến sức ép lên người lãnh đạo càng lúc càng lớn.
Đến nay nhìn lại, Việt Anh nhận ra rằng: “Điều không giết chết mình sẽ làm mình mạnh mẽ hơn nhiều. Mỗi cơ hội trôi qua đều để lại bài học kinh nghiệm”. Năm 2016, anh mạnh tay cắt giảm toàn bộ các thương hiệu chỉ để lại Bò Sữa và một nhãn hiệu nhượng quyền (franchise) là Adidas NEO.
Chia sẻ về động lực giúp bản thân vượt qua thử thách, Việt Anh cho biết, 15 năm qua, anh chứng kiến nhiều thương hiệu sinh ra và lóe sáng như một ngôi sao, nhưng chỉ một thời gian ngắn rồi vụt tắt. Khi doanh nghiệp gặp khủng hoảng, rất nhiều người mất niềm tin, nhưng anh vẫn luôn tự nhủ rằng, có thể ngày hôm nay chưa bằng những thương hiệu khác, nhưng 3 - 5 năm nữa, chưa chắc mình là kẻ đứng phía sau. Đây là động lực để doanh nhân trẻ này luôn kiên định với mục tiêu trước mắt.
Bước ngoặt mới
Trong 5 tháng đầu năm 2018, Bò Sữa mở thêm 4 - 5 cửa hàng mới. Hiện nay, hệ thống đã có 27 cửa hàng trải khắp 6 tỉnh, thành phố: Hà Nội, Hải Phòng, Vinh, Thanh Hóa, Đà Nẵng, TP.HCM. Xét về quy mô, Bò Sữa đang là thương hiệu thời trang lớn nhất dành cho giới trẻ.
Đỗ Việt Anh tiết lộ, cuối năm 2017, lần đầu tiên trong 15 năm kinh doanh, anh đặt bút ký vào thỏa thuận hợp tác đầu tư với một quỹ đầu tư lớn của Việt Nam. Mặc dù giá trị đầu tư không quá lớn so với công sức bỏ ra trong 15 năm qua, song nhìn về tương lai, đây là một bước ngoặt, một khởi đầu mới cho Bò Sữa.
Hiện tại, Công ty trách nhiệm hữu hạn BOO chính thức đổi sang mô hình công ty cổ phần, với tên gọi mới là Công ty cổ phần Thương mại Bò Sữa, Đỗ Việt Anh giữ vị trí Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc Công ty.
Doanh nhân này khẳng định, Bò Sữa sẽ không rời xa phân khúc khách hàng là giới trẻ. Tuy nhiên, đâu đó trong tâm trí khách hàng đã từng gắn bó với Bò Sữa những năm qua có thể nhìn nhận sản phẩm của BOO là quá trẻ. Với mong muốn nới rộng tệp khách hàng, Việt Anh đã định hướng lại phân khúc cho BOO, nếu trước đây nhắm vào khách hàng với độ tuổi từ 13 - 18 tuổi, thì hiện tại mở rộng tới độ tuổi 18 - 26 tuổi.
Tới nay, 90% nguyên liệu sản xuất được Bò Sữa nhập về từ các đối tác trong nước.
2018 sẽ là một năm rất quan trọng đối với Bò Sữa. Nhờ dòng tiền mới, mục tiêu năm nay của Công ty là mở thêm 6 - 8 cửa hàng, thậm chí nhiều hơn. Mặc dù được đánh giá là thương hiệu thời trang số 1 dành cho giới trẻ, nhưng vị CEO này xác định luôn giữ mình trên mặt đất, để không sớm thỏa mãn. Bởi đối với anh, sản phẩm là quan trọng nhất, luôn cần cải tiến sản phẩm, nếu không sẽ khiến khách hàng nhàm chán.
“Mỗi nấc thang lên tiếp đều đồng hành với mong muốn thay đổi chính mình, để trưởng thành lên cùng với quy mô của công ty”, Việt Anh chia sẻ.
Kinh doanh luôn gắn với môi trường
Có một sự thật mà Việt Anh và các cộng sự luôn ghi nhớ: “Thời trang là ngành công nghiệp gây ô nhiễm thứ 2 trên thế giới, chỉ đứng sau dầu mỏ”. Đây là điều khiến ngay từ khi thành lập công ty, anh đã xác định mục tiêu đưa Bò Sữa trở thành doanh nghiệp Việt Nam đi đầu trong việc bảo vệ môi trường, thực hiện trách nhiệm xã hội.
Do đó, Công ty tập trung nhiều vào các hoạt động dành cho môi trường. Từ năm 2010, Bò Sữa đã bắt đầu đi cùng chương trình Tắt đèn bật ý tưởng, quảng bá cho Giờ trái đất, kêu gọi về nhận thức biến đổi khí hậu.
Thời điểm đó, Công ty đã thành lập Dự án môi trường BOOVironment và tới năm 2017 tách ra thành Bò Sữa Xanh, với mục tiêu xanh hóa quy trình sản xuất, tự thay đổi chính mình để sự vận hành của công ty bớt ảnh hưởng tới môi trường.
Việt Anh biết rằng, mỗi chiếc áo làm ra đều tạo sự ảnh hưởng xấu tới môi trường. Vì vậy, để hạn chế tối thiểu việc này, các sản phẩm của Bò Sữa được sản xuất từ nguyên liệu organic cotton thay vì cotton bình thường, mặc dù giá thành đắt hơn nhưng chất liệu này an toàn hơn với môi trường, thiên nhiên.
Ngoài ra, Bò Sữa còn sử dụng mực in thân thiện với môi trường. Loại mực in được sử dụng cho các sản phẩm Bò Sữa là mực Matsui - loại mực in gốc nước vẫn cho chất lượng in cao mà không có các chất phụ gia độc hại như các loại mực truyền thống.
Tới nay, 90% nguyên liệu sản xuất được Bò Sữa nhập về từ các đối tác trong nước. Các cửa hàng và chu trình sản xuất đều cắt giảm không sử dụng túi nilon. CEO Bò Sữa tin rằng: “Kinh doanh không chỉ là tạo ra lợi nhuận mà là được đóng góp cho xã hội và truyền cảm hứng để mang lại những thay đổi tích cực cho người trẻ”.
-
CEO Đỗ Việt Anh: Điều không giết chết ta sẽ làm ta mạnh mẽ hơn
18/06/2018 11:09 AMGiới trẻ Việt Nam không còn xa lạ với thương hiệu Bò Sữa - Boo với những sản phẩm thời trang nổi bật, phá cách. Nhưng câu chuyện phía sau thành công này của doanh nhân trẻ Đỗ Việt Anh, Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc Công ty cổ phần Thương mại Bò Sữa là điều chưa được nhiều người biết tới.