Ngày càng nhiều công ty tìm ra chiến lược cách tân bằng các sáng kiến trách nhiệm xã hội. Theo Forbes, một trong những câu chuyện thành công xứng đáng được nhắc đến nhiều hơn là của Adidas.
Cụ thể, liên minh Adidas và tổ chức phi lợi nhuận Parley for the Oceans đang đóng góp giải pháp quan trọng nhằm xử lý rác thải nhựa ra đại dương - ước tính với tốc độ xả hiện tại - đến năm 2050 sẽ nhiều hơn cá biển.
Cuối năm 2016, Adidas "ra lò" bộ sưu tập phiên bản giày thể thao giới hạn gồm 7.000 đôi. Mỗi đôi được sản xuất từ lượng rác thải vào đại dương tương đương 11 chai nhựa bỏ đi.
Phần trên giày làm từ nhựa nhặt ở vùng biển Maldives, và lưới đánh cá giăng trái phép ngoài khơi do đối tác Sea Shepherd của Parley for the Oceans đi thu. Vải giày được Adidas-Parley đồng nghiên cứu tái chế từ nhựa.
Dòng sản phẩm "cháy hàng" tức thì, chứng minh sáng kiến công nghệ và thiết kế trên được fan giày thế giới lắng nghe.
Mẫu giày Adidas "limited" năm 2016 làm từ nhựa thải và lưới đánh cá. Ảnh: Adidas.
Liên minh Adidas Parley thành lập năm 2014. Họ khởi đầu làm một đôi giày từ nhựa thải ra biển và sớm biết rằng nếu đã có một đôi, sẽ sản xuất dây chuyền được 1 triệu đôi.
Hãng trang phục thể thao từng thử nghiệm sản phẩm bằng nhựa tái chế trước đó. Vào năm 2012, Adidas kết hợp với nhà thiết kế London Stella McCartney may đồng phục cho đoàn thể thao Anh tham dự Olympic, với nguyên liệu đầu vào là nửa triệu chai nhựa thải.
Sau 7.000 đôi năm 2016 và thương vụ 1 triệu đôi thành công năm ngoái, Adidas thông báo kế hoạch bán 5 triệu đôi giày nhựa thải Parley năm nay, với giá bán lẻ trung bình 220 USD.
Điều này có nghĩa hết năm, hãng dự tính thu được hơn 1 tỷ USD từ việc giải quyết một trong những vấn đề môi trường nhức nhối nhất.
Họ đồng thời tham vọng doanh số 11 triệu đôi cho năm 2019. Adidas cam kết đến năm 2024, tất cả sản phẩm trang phục và giày của họ sẽ chuyển sang hoàn toàn dùng nhựa tái chế.
Eric Liedtke - một trong những người đứng sau sáng kiến giày Parley và cam kết chỉ dùng nhựa tái chế của Adidas. Ảnh: Adidas.
Giám đốc thương hiệu toàn cầu của Adidas, Eric Liedtke, nói với Forbes: "Chúng tôi đang đi những bước đầu để giảm và tiến tới loại bỏ hoàn toàn nhựa mới và nhựa dùng một lần khỏi các sản phẩm của mình".
Trong chỗ nhựa ông Liedtke nhắc tới gồm sợi polyester tổng hợp mới, chất liệu bị các hãng thể thao lạm dụng làm đồ, từ áo phông đến áo ngực tập, nhờ đặc tính chóng khô và nhẹ.
Đại diện Adidas chia sẻ động lực liên minh với tổ chức Parley là muốn biến những thứ gây ô nhiễm biển thành giày chất lượng cao - biến vấn đề thành giải pháp.
Adidas đến nay chứng minh họ làm được và mọi người quan tâm.
Ông Liedtke cho biết: "Đương đầu vấn đề khó nhất chỉ khiến chính chúng tôi và cả sản phẩm được cải thiện".
Giày Adidas nhựa thải bản màu đại dương năm 2018. Ảnh: Adidas.
Theo CNN, Adidas cũng hứa hẹn ngừng sử dụng nhựa mới tại văn phòng, các điểm bán lẻ, nhà kho và trung tâm phân phối của mình. Bước tiến này ước tính giúp giảm 40 tấn nhựa mỗi năm, tính từ 2018.
Những gì Adidas đang làm thậm chí giúp các vận động viên trên thế giới có thể chung tay bảo vệ môi trường, khi sản xuất những dòng giày cho họ từ nhựa thải ra đại dương.
Doanh nhân - nhà vật lý Peter Diamandis, nổi tiếng là người đứng đầu Tổ chức giải thưởng X và ĐH Singularity, hai đơn vị thúc đẩy những tiến bộ khoa học và công nghệ theo cấp số nhân của thế giới, tổng kết sáng kiến của Adidas bằng một nhận xét: "Những vấn đề nổi cộm nhất toàn cầu chính là những cơ hội kinh doanh to lớn hơn cả".
Adidas không phải tập đoàn duy nhất có những động thái "sống xanh"gần đây. Trong năm qua, một số tập đoàn lớn gồm Starbucks và McDonald’s, cũng như chính quyền các nước, thành phố đã bắt đầu chiến dịch nói "không" với đồ nhựa dùng một lần quen thuộc.
-
Cách Adidas kiếm tỷ đô từ giày làm bằng rác thải
05/11/2018 8:07 AMThương hiệu đồ thể thao lớn thứ hai thế giới cam kết đến năm 2024 dùng toàn bộ nhựa tái chế trong mọi sản phẩm.