Ông chủ Võ Huy Hoàng thân thiện với người làm trong phân xưởng phân loại thanh long - Ảnh: N.N.
Ông Võ Huy Hoàng (49 tuổi, ngụ P.Phú Tài, TP Phan Thiết, Bình Thuận) là một trong hai chủ doanh nghiệp tại tỉnh Bình Thuận được kết nạp vào Đảng theo chương trình thí điểm “Kết nạp chủ doanh nghiệp tư nhân đủ tiêu chuẩn vào Đảng” của Ban Tổ chức Trung ương.
Con đường làm chủ
“Trái thanh long là đặc sản của Bình Thuận tại sao mình không làm?”. Tự đặt cho mình câu hỏi như thế, ông Võ Huy Hoàng gom góp được 20 triệu đồng vào năm 2000 để mở một công ty chuyên ngành rau quả. Lúc đó bên cạnh ông Hoàng chỉ có vài người giúp việc.
Nhớ lại, ông Hoàng kể:
“Lúc đó tôi thấy ở đây khổ quá nên phải quyết tâm kiếm đường làm ăn chứ không nghĩ đến điều gì to lớn. Nhiều người khá lên nhờ trái thanh long nên tôi nghĩ người ta làm được mình cũng làm được.
Chúng tôi đi đến các vườn thanh long ở huyện Hàm Thuận Nam thu mua thanh long, đem về công ty phân loại và tìm đầu mối bán. Dần dần công ty mua thêm được nhiều thiết bị, máy móc để kiểm soát chất lượng trái, đóng gói”.
Nhu cầu lao động mỗi ngày một nhiều hơn, từ vài người đến nay công ty đã có quy mô với gần 200 lao động, phân ra các bộ phận để quản lý chuyên môn.
Nơi đặt trụ sở công ty của ông Võ Huy Hoàng trên đường Đặng Văn Lãnh (TP Phan Thiết) từ 100m2 hồi năm 2000 đến nay đã trở thành một xưởng rộng lớn hàng ngàn mét vuông được phân ra các khu vực sơ chế, đóng gói, kho lạnh...
Khi được hỏi tại sao làm việc ổn định ở đây đến tám năm mà không chuyển việc như nhiều công nhân khác, chị Đặng Mật Lan Nhi (ngụ KP 4, P.Xuân An, TP Phan Thiết) cho hay:
“Nhà tui gần đây, mấy người khác sống gần ở đây cũng tới công ty này làm. Tụi tui làm ăn theo sản phẩm hằng tháng cũng được từ 3 đến 3 triệu rưỡi. Lễ tết ông chủ có thưởng thêm tiền nữa”.
Còn chị Phạm Thị Lựu (xã Phong Nẫm, TP Phan Thiết) cho biết chị vào đây làm từ 10 năm trước, khi nơi này chỉ là một cơ sở nhỏ, rồi từ từ người vào làm mỗi ngày một đông thêm.
“Tui thấy chỗ làm cũng được, gần nhà. Vậy là tạm ổn để sống rồi chứ cần đi đâu cho xa” - chị Lựu nói.
Với khoảng 20 triệu đồng từ ngày bắt đầu mở công ty 15 năm trước, đến thời điểm này ông Võ Huy Hoàng và 200 lao động giúp sức cho mình tạo được nguồn doanh thu khoảng 20 triệu USD mỗi năm (theo báo cáo tài chính của công ty), được giới kinh doanh của Bình Thuận gọi biệt danh là Hoàng “rau quả”.
Lợi nhuận và vốn phình lên khi ăn nên làm ra, ông Hoàng “rau quả” tái đầu tư vào việc mở trang trại trồng thanh long theo tiêu chuẩn Global GAP với diện tích 20 ha, làm kho lạnh bảo quản sản phẩm liên tục...
Làm khác người ta
Thị trường thanh long Bình Thuận phụ thuộc quá lớn vào Trung Quốc, ông Võ Huy Hoàng nhận thấy điều đó nên chọn một hướng khác để đưa thanh long xuất ngoại.
“Singapore, Malaysia họ cũng mua thanh long, thị trường không lớn như Trung Quốc nhưng ổn định và quy củ. Tôi tìm được mối hàng rồi tập trung vào làm.
Khi mình chú trọng đáp ứng yêu cầu kỹ thuật của họ thì mình làm được lâu dài với họ. Tôi hỏi những người bạn kinh doanh về các hội chợ triển lãm trái cây diễn ra ở đâu, rồi tôi đi theo họ tìm thêm khách hàng” - ông Hoàng chia sẻ.
Hiện nay trong danh sách xuất hàng đi của Công ty Rau quả Bình Thuận mà ông Hoàng làm chủ, ngoài Malaysia, Singapore còn có thêm các nước Tây Á, Indonesia, Thái Lan, Hà Lan, Canada.
Ngoài trái thanh long, công ty của ông Hoàng còn đặt mua khoai lang giống Nhật từ Tây nguyên về sơ chế lại để xuất khẩu, cũng như xuất nhập khẩu thêm nhiều mặt hàng trái cây, rau củ quả khác, mùa nào làm thức ấy. Công nhân địa phương do đó có được việc làm ổn định quanh năm.
Tự nhận mình chưa làm được gì nhiều, ông Hoàng nói rằng thông thường từ bàn tay trắng làm lên, đến thời điểm ổn định ai cũng muốn vun vén cho cá nhân, nhưng với ông việc giữ ổn định công ăn việc làm cho số đông công nhân hiện tại là điều quan trọng nhất.
Tháng 12-2014, Đảng ủy khối doanh nghiệp tỉnh Bình Thuận đã tổ chức lễ kết nạp Võ Huy Hoàng vào Đảng.
Đây là trường hợp thứ hai của tỉnh Bình Thuận được Đảng ủy khối doanh nghiệp kết nạp vào Đảng theo hướng dẫn số 17 ngày 30-1-2013 của Ban Tổ chức trung ương về việc thí điểm “kết nạp những người chủ doanh nghiệp tư nhân đủ tiêu chuẩn vào Đảng”.
“Tôi thấy tổ chức Đảng hoạt động với phương châm lo cơm no áo ấm cho người dân, xây dựng xã hội giàu mạnh.
Doanh nghiệp của tôi tuy chưa phải là lớn nhưng tôi cũng đang lo tính công việc cho nhiều người, quan tâm đời sống của người lao động vì họ làm tốt thì doanh nghiệp mình mới phát đạt.
Khi tôi được kết nạp vào Đảng, phát triển chi bộ ở đây trong tương lai, tôi nghĩ nội tại doanh nghiệp của mình sẽ hoạt động tốt hơn, mọi người sẽ chỉn chu và trách nhiệm hơn” - ông Hoàng bộc bạch.
Xem công nhân như người nhà Khi mở doanh nghiệp, anh Võ Huy Hoàng chỉ có chí hướng lo tốt cho cuộc sống gia đình, tuy nhiên sau khi làm ăn khấm khá anh ấy đã chăm lo rất tốt cho đời sống công nhân tại công ty mình. Tại Bình Thuận, một doanh nghiệp tạo công ăn việc làm cho 200 người như vậy đã là công ty quy mô lớn. Cái đáng quý là anh ấy quan niệm mọi người trong công ty đều là người một nhà. Nếu anh ấy chăm lo tốt cho công nhân thì các công nhân sẽ làm việc tốt lại cho anh ấy. Chúng tôi đi khảo sát ở địa phương nơi Hoàng cư trú thì biết Hoàng sống rất tình làng nghĩa xóm và chấp hành rất tốt chính sách thuế của Nhà nước; trong công ty Hoàng cũng đã có hai đảng viên nên chúng tôi vận động Hoàng tham gia tổ chức Đảng để phát triển chi bộ tại công ty trong tương lai. |
Đưa chủ doanh nghiệp tư nhân vào Đảng Ngày 30-1-2013, Ban Tổ chức trung ương Đảng đã ban hành hướng dẫn số 17 thực hiện thí điểm việc kết nạp những người là chủ doanh nghiệp tư nhân đủ tiêu chuẩn vào Đảng nhằm củng cố và nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức Đảng trong các doanh nghiệp tư nhân. Phạm vi thực hiện thí điểm được tiến hành ở các đảng bộ tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương. Đối tượng xem xét kết nạp vào Đảng là những cá nhân chủ sở hữu toàn bộ hoặc sở hữu phần vốn, tài sản chi phối trong các doanh nghiệp tư nhân, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty hợp doanh và công ty cổ phần (không thuộc loại hình doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài), đồng thời giữ một trong các chức danh quản lý: giám đốc, chủ tịch hội đồng thành viên công ty, chủ tịch hội đồng quản trị. Theo Tỉnh ủy Bình Thuận, sau hai năm thực hiện hướng dẫn số 17, tỉnh đã thống nhất chọn hai chủ doanh nghiệp tư nhân ở Công ty TNHH Phan Minh và Doanh nghiệp tư nhân rau quả Bình Thuận để thực hiện thí điểm. Ngoài ra, Đảng ủy khối doanh nghiệp tỉnh tiếp tục tổ chức khảo sát 106 doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước có từ 50 lao động trở lên hiện đang hoạt động trên địa bàn tỉnh để có kế hoạch tiếp tục kết nạp Đảng cho các chủ doanh nghiệp. Tỉnh ủy Bình Thuận kiến nghị được tiếp tục thực hiện hướng dẫn số 17 của Ban Tổ chức trung ương Đảng đến năm 2016 để có thêm thời gian phát hiện, bồi dưỡng, thử thách, tạo nguồn và kết nạp đảng viên; kiến nghị Ban Tổ chức trung ương có hướng dẫn cụ thể hơn về tiêu chuẩn, điều kiện đối với từng quy mô của các doanh nghiệp tư nhân, nhất là những doanh nghiệp có quy mô nhỏ và siêu nhỏ, để tăng số lượng chủ doanh nghiệp tư nhân có đủ điều kiện, tiêu chuẩn được lựa chọn, bồi dưỡng kết nạp vào Đảng. |
-
Biến triệu đồng thành triệu đô
31/05/2015 11:40 AMTừ một cơ sở kinh doanh trái thanh long vài lao động cách đây 15 năm có vốn 20 triệu đồng, ông Võ Huy Hoàng đã gầy dựng được một công ty kinh doanh rau quả, doanh thu 20 triệu USD mỗi năm, tạo việc làm cho 200 người.