Cập nhật 06/09/2013 10:25 AM
Dù biết tại TP.HCM hiện đã có quá nhiều quán cà phê cũng như các điểm bán "cà phê mang đi" (coffee take away) nhưng Phạm Lê Tuấn Nghĩa vẫn không ngần ngại thực hiện ý tưởng kinh doanh của mình: mô hình cà phê lưu động.

Khoảng trống từ ngách hẹp

Phạm Lê Tuấn Nghĩa rất kiệm lời, nên bố mẹ anh đã rất bất ngờ khi biết con trai sẽ khởi sự kinh doanh, trở thành ông chủ của hệ thống cà phê lưu động Phin Café, bước ra thương trường với vốn đầu tư cả trăm triệu đồng.

Tốt nghiệp đại học chuyên ngành mỹ thuật ứng dụng, không tìm được việc làm phù hợp với chuyên môn, anh chấp nhận làm nhân viên văn phòng và môi trường làm việc này đã biến Nghĩa thành "con nghiện" cà phê.

Để ý quan sát, Nghĩa thấy nhu cầu tiêu thụ cà phê của giới nhân viên văn phòng rất cao mà số hàng quán hiện nay vẫn chưa đáp ứng được. Nguyên nhân là do họ không có nhiều sự lựa chọn, bởi cà phê tại các tòa nhà nơi họ làm việc có thương hiệu nhưng giá lại cao, không phù hợp với túi tiền của họ.

Còn ra ngoài các quán giá mềm hơn thì lại không tiện cho việc đi lại, và họ chọn giải pháp ra các quán cóc gần đó, nhưng lại không an tâm về vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm.

"Ngay cả cà phê trong căn tin, không phải văn phòng nào cũng có, mà nếu có thì thường pha không đúng khẩu vị của người uống", Nghĩa nhận xét.

Theo ông chủ trẻ này, thị trường cà phê hiện nay đang bão hòa, kinh doanh theo kiểu truyền thống thì khó lòng cạnh tranh được với các "ông lớn" cả trong lẫn ngoài nước.

Để kinh doanh được trong ngành hàng này, phải có một mô hình mới đánh được vào nhu cầu thực tế của người dùng thì mới có cơ hội thành công. Càng phân tích, anh càng thấy khoảng trống này chính là cơ hội cho mình.

Không mặt bằng, không đặt nặng sự phong phú trong thực đơn..., Nghĩa chọn sự thuận tiện làm tiêu chí thuyết phục khách hàng. Với chiếc xe máy chuyên dụng, có thiết kế không gian cho việc pha chế, anh đem cà phê đến tận nơi cho người dùng.

Nghĩa cho biết, mỗi ngày các nhân viên tập trung tại trụ sở chính cũng là nhà riêng của anh, chuẩn bị nguyên liệu, pha chế, sau đó đem tất cả xếp lên xe lưu động. Trên mỗi xe đều được trang bị các vật dụng cần thiết như đá, ly, ống hút...

"Quản lý nhân viên tại chỗ đã khó, quản lý nhân viên kinh doanh lưu động còn khó hơn. Do vậy, mỗi xe cà phê của Phin Café đều phải trang bị hệ thống định vị để Nghĩa có thể kiểm soát nhân viên tốt hơn", Nghĩa tiết lộ.

Thắng sớm nhờ đánh đúng nhu cầu

Nhìn vào mô hình của Phin Café, ai cũng nghĩ nó quá đơn giản nhưng từ việc lên ý tưởng cho đến triển khai là cả một quá trình gian nan, nhất là với người chưa có chút kiến thức gì về kinh doanh như Nghĩa.

Anh cho biết, thời gian đầu đã phải mất rất nhiều thời gian mới tìm được chiếc xe máy phù hợp với yêu cầu, làm sao cho xe thuận tiện từ việc tiếp nhiên liệu đến trang bị bộ phận giảm xóc để quá trình di chuyển không ảnh hưởng đến dụng cụ, nguyên liệu mang theo...

Để làm giàu kiến thức, anh tìm đọc các tài liệu về kinh tế, rồi tìm đến Vườn ươm Doanh nghiệp trẻ. Nhờ ý tưởng kinh doanh thuyết phục nên Vườn ươm đã giúp anh nguồn vốn cũng như kiến thức và kinh nghiệm để có thể vận hành Phin Café.

Hiện nay, mỗi ngày Phin Café tiêu thụ trung bình 400 - 500 ly cà phê. Con số khả quan này cho thấy mô hình của Nghĩa đã đánh đúng nhu cầu của thị trường.

Nghĩa cho biết, thuận lợi lớn nhất của anh là sự ủng hộ của Vườn ươm Doanh nghiệp trẻ cùng với những kiến thức chuyên ngành mỹ thuật, vì chúng đã giúp anh thiết kế hình ảnh thương hiệu cũng như các mẫu quảng cáo tạo được ấn tượng với khách hàng.

Nhờ sắp xếp công việc hợp lý và ứng dụng tốt công nghệ nên 8 xe cà phê của Nghĩa vận hành khá trôi chảy. Anh có thể vừa tiếp tục công việc của một nhân viên văn phòng, vừa quản lý tốt hệ thống Phin Café.

Nghĩa chia sẻ: "Khởi đầu, tôi đã đặt ra tiêu chí "chậm mà chắc". Tuy chỉ là thương hiệu nhỏ nhưng tôi đã định hướng, xây dựng hình ảnh, chiến lược marketing rất nghiêm túc và rõ ràng ngay từ ban đầu nên vượt qua các thử thách của thương trường cũng dễ dàng hơn".

Tiếp nối những thuận lợi này, thời gian tới Nghĩa sẽ tăng thêm xe cà phê lưu động. Song song đó anh cũng muốn nâng cao chất lượng cà phê và xa hơn nữa là trang bị cho những chiếc xe cà phê lưu động máy pha chế espresso để làm phong phú thêm thực đơn.

"Khách hàng sẽ ngày càng đòi hỏi ở thương hiệu của mình nhiều hơn. Nếu sớm hài lòng với những gì đã làm được thì rất dễ bị sức ỳ làm chững lại và khi đó chính mình sẽ tạo cơ hội cho đối thủ cạnh tranh", Nghĩa bảo vậy.

Hoàng Lâm (Doanh nhân Sài Gòn)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
  • 1 Phin Café 8 xe, 500 ly

    1 Phin Café 8 xe, 500 ly

    06/09/2013 10:25 AM

    Dù biết tại TP.HCM hiện đã có quá nhiều quán cà phê cũng như các điểm bán "cà phê mang đi" (coffee take away) nhưng Phạm Lê Tuấn Nghĩa vẫn không ngần ngại thực hiện ý tưởng kinh doanh của mình: mô hình cà phê lưu động.

Xem Thêm >>
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.