Một thầy lang ở TP Đà Lạt (Lâm Đồng) đã sưu tầm và nhân giống thành công sâm Ngọc Linh quý hiếm. Với hơn 1 tạ sâm giá 10-12 triệu đồng/kg xuất bán mỗi tháng, ông thu về cả tỷ đồng.
Ông Trần Xuân Toàn, đang giới thiệu các loại sâm Ngọc Linh tại vườn ươm. Ảnh: Zen Nguyễn.

Khu vườn rộng 7.000 ha trồng hơn 600 giống cây thuốc nam quý hiếm nằm trong khu du lịch hồ Tuyền Lâm, TP Đà Lạt mỗi ngày thu hút nhiều khách tham quan và mua thuốc. Tại đây, những loại thuốc quý được trồng gồm có thất diệp nhất chi hoa, thanh nghệ, riềng đen, gừng đen, cây âm dương… Một số loại có tên trong sách đỏ.

Được trồng nhiều và cũng nổi tiếng nhất ở đây là sâm Ngọc Linh. Sâm có công dụng trị các bệnh suy nhược cơ thể, thiếu máu, suy tiểu cầu, chống xơ gan, lão hóa... Từ lúc trồng đến khi thu hoạch khá lâu, mất khoảng 6-7 năm. Do đó, loại "thần dược" này có mức giá cao. 1 kg sâm Ngọc Linh 7 năm tuổi đã có giá khoảng 12 triệu đồng.

Ông Trần Xuân Toàn, chủ vườn thuốc quý nói trên, cho biết, trước đây, sâm chỉ xuất hiện tại núi Ngọc Linh có độ cao 2.000 m so với mực nước biển ở tỉnh Kon Tum. Mất khá nhiều thời gian và khó khăn, giống sâm này mới được đem về trồng ở Đà Lạt.

Thổ nhưỡng, cách ươm giống là những yếu tố then chốt quyết định loại cây này có phù hợp để nhân rộng hay không. Đặc điểm của loại cây quý này là chỉ trồng được ở những vùng núi cao. Ở Việt Nam hiện tại chỉ có Kon Tum, Đà Lạt, các vùng núi phía Bắc có khí hậu, thổ nhưỡng phù hợp. Mỗi năm, cây sâm ra lá trổ bông chỉ 3 tháng. Sau khi rụi lá, những tháng còn lại, sâm sẽ “ngủ”. Người trồng phải nắm được hết các đặc tính này của cây.

Sâm Ngọc Linh có đến 5 loại nhưng hiện nay chỉ còn 3 loại vàng, tím, trắng. Hai loại đỏ và đen không có trên thị trường. Hiện tại, vườn của ông Toàn vẫn còn bảo tồn hai loại sâm quý này nhưng vẫn chưa nhân giống trồng đại trà.

Khi củ sâm lớn, người trồng sẽ chuyển vào những khu vườn bí mật trong rừng để nuôi. Trong ảnh là một cây sâm Ngọc Linh con 3 năm tuổi trong vườn. Ảnh: Zen Nguyễn.
Mức giá cao của loại sâm quý khiến cho khách hàng dè dặt. Tuy nhiên, để tránh hàng trôi nổi, những người có nhu cầu lại thích đến tận vườn để tìm mua. Chị Ly ở TP HCM, chia sẻ: “Biết về công dụng của sâm Ngọc Linh từ lâu nhưng giờ tôi mới có dịp thấy tận mắt tại vườn này. Song giá cao, lên tới 12 triệu đồng/kg nên chỉ dám mua 200 g cho gia đình dùng thử".

Còn đối với chủ vườn sâm, sản phẩm cao cấp đồng nghĩa với việc ông phải "dốc toàn tâm" bảo vệ. Ông Toàn chia sẻ, những người trồng sâm ở Đà Lạt đều phải chọn khu đất bí mật - nơi người dân địa phương ít biết về loài cây quý - để trồng. Sau khi củ lớn, chủ vườn sẽ chuyển vào các khu bí mật trong rừng để nuôi. Vườn sâm cũng có bảo vệ canh gác nghiêm ngặt, đề phòng bị trộm.

Chủ doanh nghiệp sở hữu khu vườn rộng 7.000 ha cho biết, mỗi tháng, ông xuất bán năm 2013, doanh thu lên đến 18 tỷ đồng. 1,5 tấn sâm xuất bán được trong năm chủ yếu là sâm trắng, vàng. Ngoài sâm củ, doanh nghiệp còn bán cây giống cho người dân trồng. Mức giá cho mỗi cây cấy từ củ là 150.000 đồng.

Chủ vườn cho biết, hầu hết người mua đều lựa chọn sâm tươi còn nguyên lá xanh về tự chế biến để đảm bảo chất lượng. Sau khi rửa sạch, sâm được cắt lát, ngâm với mật ong để dùng ngay. Một cách chế biến khác là ngâm sâm với rượu, để 30 ngày rồi uống.

Zen Nguyễn (Zing)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Xem Thêm >>
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.