4 năm sau câu nói "ngu gì không làm thép" của Chủ tịch Lê Phước Vũ, Tập đoàn Hoa Sen quyết định rút khỏi dự án Cà Ná - Ninh Thuận 10 tỷ USD.

Tập đoàn Hoa Sen (HSG) của ông Lê Phước Vũ vừa thông báo chuyển nhượng toàn bộ vốn góp của mình tại các công ty Cảng tổng hợp quốc tế Hoa Sen Cà Ná – Ninh Thuận và Đầu tư hạ tầng khu công nghiệp Hoa Sen Cà Ná – Ninh Thuận. Đây là 2 doanh nghiệp do Hoa Sen của ông Lê Phước Vũ nắm giữ 100% cổ phần.

Ngoài việc bán lại toàn bộ cổ phần, Hoa Sen của ông Lê Phước Vũ cũng giải thể 4 doanh nghiệp khác được thành lập để triển khai các dự án liên quan đến thép Cà Ná bao gồm: Công ty TNHH MTV Đầu tư Khu Liên hợp Luyện Cán thép Hoa Sen Cà Ná – Ninh Thuận; Công ty TNHH MTV Năng lượng tái tạo Hoa Sen Cà Ná – Ninh Thuận, Công ty TNHH MTV Xi măng Hoa Sen Cà Ná – Ninh Thuận và Công ty cổ phần Hoa Sen Quy Nhơn.

Ông Lê Phước Vũ - Chủ tịch Tập đoàn Hoa Sen

Ông Lê Phước Vũ - Chủ tịch Tập đoàn Hoa Sen

Hoa Sen rút khỏi dự án Cà Ná - Ninh Thuận 10 tỷ USD

Tập đoàn Hoa Sen cho biết lý do quyết định rút khỏi dự án: "Trong bối cảnh hiện nay, sự chuyển biến của tình hình khách quan không còn phù hợp với mục tiêu chiến lược ban đầu khi tập đoàn xúc tiến đầu tư".

Hoa Sen cũng cho biết tập đoàn đã có điều chỉnh đối với chiến lược phát triển trung, dài hạn trong hoạt động sản xuất kinh doanh và đầu tư dự án theo hướng mới.

Trong thông báo phát đi, HĐQT Tập đoàn Hoa Sen cho biết sẽ giao Chủ tịch và phó chủ tịch làm việc với các đối tác để xúc tiến việc chuyển nhượng, trước mắt tập trung vào những đối tác có năng lực tài chính và đang triển khai các dự án tại Ninh Thuận.

Giá trị chuyển nhượng được ban lãnh đạo thống nhất không thấp hơn chi phí thực tế đã góp vốn. Theo báo cáo tài chính niên độ 2018-2019, tính đến cuối kỳ, Hoa Sen đầu tư khoảng 10 tỷ đồng vào hai doanh nghiệp này.

Tổ hợp dự án thép Cà Ná từng được ông Lê Phước Vũ, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hoa Sen cho biết có tổng vốn đầu tư khoảng 10,6 tỷ USD với kỳ vọng sản xuất 16 triệu tấn thép mỗi năm.

Còn nhớ, tại Đại hội cổ đông bất thường năm 2016 bàn về dự án Cà Ná - Ninh Thuận, Chủ tịch Lê Phước Vũ từng dẫn ra ví dụ về một doanh nghiệp lớn cùng ngành là Tập đoàn Hòa Phát mới ghi nhận lãi 2.000 tỷ đồng một quý, trong đó lãi từ thép chiếm đến 80% và kết luận "ngu gì không làm thép, ngu gì không đầu tư?"

Cuối năm 2016, Bộ Công Thương đưa vào dự thảo quy hoạch ngành thép đến năm 2025 và định hướng năm 2035, nhưng dự án Cà Ná - Ninh Thuận sau đó bị loại bỏ.

Giữa năm 2017, Thủ tướng cũng yêu cầu tạm dừng dự án để làm rõ một số vấn đề liên quan tới môi trường, công nghiệp và thiết bị.

Tại ĐHĐCĐ diễn ra đầu năm 2019, Chủ tịch Hoa Sen Lê Phước Vũ nói, Cà Ná - Ninh Thuận dừng cũng tốt, vì nếu giờ làm Cà Ná thì ông phải đứng công trình...

"Nhưng không làm thì tôi mới có thời gian sống trên núi, sống an vui với tâm an trí sáng. Khi nào Cà Ná được cấp phép, tôi xuất chiêu quý vị coi", ông Vũ từng nói.

Tuy nhiên, "vua tôn" Lê Phước Vũ đã không thể đợi đến ngày Cà Ná - Ninh Thuận có giấy phép mà quyết định giải thể công ty con và chuyển nhượng bớt dự án?

Hoa Sen báo lãi quý III gần gấp đôi cùng kỳ

Việc giải thể công ty con và chuyển nhượng bớt dự án nằm trong công cuộc tái cấu trúc mà Hoa Sen đã khởi xướng kể từ giữa năm 2018, và kết quả của công cuộc tái cấu trúc này đã phần nào bộc lộ qua kết quả kinh doanh của Tập đoàn Hoa Sen trong niên độ vừa qua.

Tại BCTC hợp nhất quý III (NĐTC 01/10/2019-30/09/2020) vừa công bố, Tập đoàn Hoa Sen của ông Lê Phước Vũ lãi ròng 318 tỷ đồng, gần gấp đôi cùng kỳ năm trước.

Lũy kế 3 quý (NĐTC 01/10/2019-30/09/2020), Hoa Sen đạt trên 701 tỷ đồng lợi nhuận ròng, tăng gần 153% so với cùng kỳ và vượt hơn 75% kế hoạch được cổ đông giao phó.

Hòa cùng với những kết quả kinh doanh tích cực được công bố thời gian gần đây là diễn biến ấn tượng của cổ phiếu HSG. Cổ phiếu này đã tăng giá gần 140% kể từ đầu tháng 4 trở lại đây.

Riêng về Chủ tịch Lê Phước Vũ, theo thông tin bài viết đăng tải trên website của Tập đoàn này, ông Lê Phước Vũ, Chủ tịch Tập đoàn Hoa Sen mới đây đã làm nghi thức xuất gia tượng trưng.

Việc ông chủ Hoa Sen có tâm nguyện "buông" để xuất gia là có thật nhưng trách nhiệm với Tập đoàn vẫn còn nên ông Vũ chưa thể "quẳng gánh lo". Vì vậy, ông Lê Phước Vũ mới xin Đức Pháp chủ cho phép 8 năm sau được chính thức xuất gia, sau khi giải quyết ổn thoả công việc của Tập đoàn Hoa Sen.

Xem thêm bài viết về: Ông Lê Phước Vũ
Huyền Anh (Dân Việt)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Xem Thêm >>
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.