CafeLand - Giá cổ phiếu HPG liên tục tăng trong những ngày cuối năm đã giúp cho giá trị tài sản của ông Trần Đình Long cán mốc 2 tỉ USD (theo tạp chí Forbes).

Ông Long sinh ngày 20/2/1961 tại Hải Dương. Ông tốt cử nhân Kinh tế trường Đại học Kinh tế Quốc dân. Nhiều người trong ngành gọi ông là “vua ngành thép”, người đang góp mặt trong danh sách những tỷ phú giàu nhất Việt Nam.

Năm 2020 được xem là năm đầy biến động do dịch bệnh gây ra. Chính vì thế, hoạt động kinh doanh của vị tỉ phú tuổi Sửu này cũng có nhiều thay đổi.

Bỏ mảng nội thất

Hòa Phát dự kiến sẽ thoái vốn khỏi ngành nội thất trong năm 2021. Với lý do ngành nội thất mang tính chất thủ công, kinh tế gia đình, sử dụng nhiều lao động phổ thông, không phù hợp mô hình sản xuất quy mô lớn, và áp dụng máy móc hiện đại.

Tại báo cáo thường niên 2019, Hòa Phát cho biết công ty dẫn đầu thị phần nội thất văn phòng với hàng loạt dự án lớn. Mảng nội thất gia dụng của Hòa Phát từng tăng trưởng tới 46% trong năm 2018.

Doanh thu nội thất Hòa Phát giữ ổn định quanh mức 1.800 tỉ đồng trong nhiều năm trở lại đây, với lợi nhuận ròng từ 250-300 tỉ đồng mỗi năm.

Mảng kinh doanh nội thất của Hòa Phát hiện do Công ty cổ phần Nội thất Hòa Phát phụ trách. Đây cũng là mảng kinh doanh lâu đời thứ hai của Hòa Phát được thành lập vào năm 1995. Hiện công ty nội thất Hòa Phát có khoảng 2.000 nhân viên, 4 chi nhánh và hệ thống phân phối trên khắp cả nước.

Sau khi thoái vốn tại công ty nội thất, ông Long sẽ tập trung vào bốn tổng công ty gồm Tổng công ty Gang Thép, Tổng công ty Ống thép và Tôn mạ màu, Tổng công ty phát triển Nông nghiệp và Tổng công ty phát triển Bất động sản.

Tập trung vào bất động sản

Ngày 8/12, ông Long quyết định thành lập công ty bất động sản Hòa Phát với vốn điều lệ lên đến gần 2000 tỉ đồng.

Trong đó, Hòa Phát góp 1.998 tỉ đồng, tương đương 99,9% vốn điều lệ. Công ty này có nhiệm vụ quản lý các hoạt động đầu tư, xây dựng, phát triển bất động sản của tập đoàn.

Trước đó, vào tháng 9/2001, Hoà Phát đã thành lập công ty con là Công ty cổ phần Xây dựng và Phát triển Đô thị Hòa Phát có vốn điều lệ 1.300 tỉ đồng. Trong đó, HPG sở hữu 99,85% vốn.

Đô thị Hòa Phát hoạt động chính trong các lĩnh vực đầu tư và xây dựng đồng bộ hạ tầng kỹ thuật các khu công nghiệp để cho thuê lại, đầu tư và kinh doanh bất động sản và xây dựng công trình dân dụng và công nghiệp.

Đô thị Hòa Phát đang là chủ đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng các Khu công nghiệp như khu công nghiệp Phố Nối A với quy mô 600 héc ta và khu công nghiệp Yên Mỹ II với quy mô 231 héc ta tại tỉnh Hưng Yên và Khu công nghiệp Hòa Mạc với quy mô 203 héc ta tại tỉnh Hà Nam.

Thành lập thêm hai công ty

Nằm trong chiến lược tái cơ cấu công ty, ngày 15/12, Tập đoàn Hòa Phát đã công bố thông tin thành lập Công ty cổ phần Gang thép Hòa Phát và Công ty cổ phần Ống thép và Tôn mạ màu Hòa Phát.

Được biết, vốn điều lệ của Công ty Gang thép Hòa Phát là 39.000 tỉ đồng, Tập đoàn Hòa Phát sở hữu 99,99% vốn điều lệ. Với các lĩnh vực hoạt động như đầu tư, sản xuất kinh doanh thép xây dựng và các hoạt động phụ trợ.

Công ty thứ hai là Công ty Cổ phần Ống thép và Tôn mạ màu Hòa Phát với vốn điều lệ 3.500 tỉ đồng, trong đó Tập đoàn Hòa Phát sở hữu 99,99% vốn điều lệ. Lĩnh vực hoạt động của công ty này gồm đầu tư, sản xuất, kinh doanh ống thép, tôn mạ màu và các hoạt động phụ trợ...

Khi “vua thép” làm nông nghiệp

Hòa Phát chính thức đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp từ tháng 3/2015. Khi ấy ông Long thành lập Công ty TNHH MTV thương mại & sản xuất thức ăn chăn nuôi Hòa Phát (quản lý bởi Công ty cổ phần phát triển nông nghiệp Hòa Phát với vốn điều lệ 2.500 tỉ đồng).

Sau khi bước chân vào lĩnh vực nông nghiệp, phải đến năm 2017, Hòa Phát mới ghi nhận kết quả tích cực khi tổng doanh thu và lợi nhuận sau thuế mảng này lần lượt tăng 70,7% và 70,5% so với năm 2016. Tuy vậy, tỷ trọng doanh thu và lợi nhuận sau thuế của mảng nông nghiệp vẫn ở mức khá thấp khi đóng góp lần lượt là 6% và 1%.

Đến năm 2019, doanh thu mảng nông nghiệp đạt ngưỡng 8.000 tỉ đồng, gấp 5,5 lần so với năm 2016. Lợi nhuận sau thuế đạt 558 tỉ đồng, gấp 21 lần so với trước đó 4 năm.

Trong năm 2020, dù bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, nhưng lĩnh vực nông nghiệp Hòa Phát vẫn ghi nhận gần 8.000 tỉ đồng doanh thu và 1.296 tỉ đồng lợi nhuận sau thuế (9 tháng đầu năm 2020).

Hiện tại, lĩnh vực nông nghiệp có tỷ trọng đóng góp lớn thứ hai về doanh thu và lợi nhuận sau thuế toàn tập đoàn, chỉ sau lĩnh vực sản xuất kinh doanh thép.

Những con số ấn tượng trong năm 2020

Vào tháng 3/2018, lần đầu tiên ông Long được tạp chí Forbes công nhận là tỷ phú thế giới với khối tài sản 1,3 tỉ USD. Những năm tiếp theo không thấy tên ông trong danh sách tỷ phú.

Cuối tháng 5/2020, ông Long đã quay trở lại câu lạc bộ tỷ phú khi giá trị tài sản chạm mốc 1 tỉ USD cùng với đà phục hồi của cổ phiếu Hòa Phát.

Tính đến thời điểm hiện tại, ông Long đã cán mốc 2 tỉ USD, xếp thứ 1.493 trong danh sách tỷ phú thế giới (31/12/2020).

Ông chủ Hòa Phát đang là một trong sáu tỷ phú người Việt Nam trong danh sách xếp hạng tỷ phú toàn cầu của Forbes. Theo danh sách này, ông Long hiện đứng thứ ba, sau ông Phạm Nhật Vượng - Chủ tịch Vingroup (đang có khối tài sản 6,7 tỉ USD) và bà Nguyễn Thị Phương Thảo - CEO Vietjet (đang có khối tài sản 2,6 tỉ USD).

Ông cũng là người giàu thứ hai trên sàn chứng khoán Việt Nam khi sở hữu 864 triệu cổ phiếu HPG, giá trị tài sản lên đến 35.942 tỉ đồng, xếp sau tỷ phú Phạm Nhật Vượng – Chủ tịch Vingroup.

Giá trị tài sản của ông Long tăng mạnh trong năm 2020 khi cổ phiếu HPG liên tục lập đỉnh. Phiên giao dịch sáng ngày 1/1/2021, HPG giao động quanh mức 41.450 đồng/cổ phiếu. Chỉ riêng từ đầu tháng 12 đến nay, giá cổ phiếu HPG đã tăng 14,8%. Nếu tính từ đáy tháng 3/2020, cổ phiếu HPG đã tăng gấp 3 lần.

Về tình hình kinh doanh, 9 tháng đầu năm 2020, Tập đoàn Hòa Phát ghi nhận doanh thu đạt 65.000 tỉ đồng và lợi nhuận sau thuế lên tới 8.845 tỉ đồng, lần lượt tăng 40% và 56% so với cùng kỳ 2019. Đây cũng là lần đầu tiên, cả doanh thu và lợi nhuận sau thuế vượt mức thực hiện năm 2019, cao nhất từ trước tới nay.

Xem thêm bài viết về: Ông Trần Đình Long
Tường Vy (TH)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Xem Thêm >>
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.