Ở Việt Nam dường như có một công thức giống nhau để tổ chức các cuộc họp khác nhau.

Phong cách họp ở Apple hiện nay vẫn mang đậm dấu ấn của Steve Jobs.

Cuộc họp đã thảo luận, trao đổi, đánh giá tổng kết những mặt tích cực và hạn chế trong công tác phối hợp tổ chức thực hiện giữa Bình Sơn với các đơn vị vận chuyển và kinh doanh. Đồng thời bàn các biện pháp tháo gỡ khó khăn, tăng cường hiệu quả trong công tác tiêu thụ sản phẩm LPG và PP”, thông báo sau cuộc họp ngày 26.10 của Công ty TNHH Một thành viên Lọc – Hóa dầu Bình Sơn cho biết.

Những thông báo kiểu này có thể thấy ở hầu hết các công ty Nhà nước ở Việt Nam. Dường như có một công thức giống nhau để tổ chức các cuộc họp khác nhau ở những doanh nghiệp khác nhau tại các thời điểm không hề giống nhau. Không chỉ có các công ty Nhà nước, phong cách họp này cũng đang tồn tại ở khá nhiều công ty tư nhân của Việt Nam.

Sáng ngày 7.7, Tập đoàn Đức Long Gia Lai đã tổ chức cuộc họp sơ kết hoạt động 6 tháng đầu năm và bàn phương hướng, nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2013. Theo thông báo sau đó, “cuộc họp dành nhiều thời gian để lãnh đạo Tập đoàn, lãnh đạo các công ty thành viên cùng thảo luận, bàn phương hướng, nhiệm vụ 6 tháng cuối năm”.

Và như thường lệ, cuối cuộc họp, “các công ty thành viên cam kết sẽ quyết liệt triển khai và thực hiện nhiệm vụ đề ra, phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu đã cam kết với lãnh đạo Tập đoàn”.

Có vẻ như việc họp hành ở Việt Nam là khâu ít được chú trọng đổi mới, cải cách nhất. Lãnh đạo doanh nghiệp dường như chỉ có thể tranh thủ thời gian tham gia các cuộc họp nối tiếp nhau mà không có thời gian thực hiện những thay đổi cần thiết để có thể tăng hiệu quả cho công ty từ những cuộc họp hành. Trên thế giới, dù các tập đoàn đã có những hệ thống quản trị hết sức chuyên nghiệp, việc thay đổi liên tục về phương thức và phong cách họp vẫn luôn được chú trọng.

Jeff Bezos, ông chủ của Amazon, không thích những cuộc họp đông người tham gia. Bởi theo ông, càng đông người, họ càng dễ ẩn náu và chỉ phụ họa theo một vài ý kiến nào đó, thay vì tự đưa ra ý tưởng của mình.

Vì thế, Bezos đã đề ra quy luật mà ông gọi là “quy luật 2 chiếc bánh pizza”: không bao giờ tổ chức cuộc họp nào mà 2 chiếc bánh pizza không đủ cho số người tham gia ăn trong giờ họp. “Bezos muốn những người khác nghe những ý kiến độc lập hơn là sự đồng tình của cả tập thể”, tác giả Richard Brandt viết trên The Wall Street Journal.

Thêm vào đó, Bezos khuyến cáo cấp dưới chỉ triệu tập một cuộc họp khi thực sự cần thiết. Điều này rất khác với tình hình ở các công ty Việt Nam, nhất là mỗi độ cuối năm. Khi đó, các cuộc họp hành cứ thế nở rộ. Có khi, cả công ty họp để nghe ý kiến ban lãnh đạo xong, khi về phòng lại tổ chức họp để trưởng phòng phổ biến lại tinh thần đó (dù cả trưởng phòng lẫn nhân viên đều cùng tham gia cuộc họp với ban lãnh đạo rồi).

Trong khi đó, phong cách họp ở Apple hiện nay vẫn mang đậm dấu ấn của Steve Jobs. Bước vào cuộc họp, mỗi thành viên tham gia sẽ thấy tên mình gắn với một nhiệm vụ liên quan trên bảng và họ bắt buộc sẽ phải đưa ý kiến và giải pháp thay vì chỉ ngồi nghe hay vỗ tay đồng tình. Nếu người nào không chuẩn bị sẵn một ý tưởng và những lập luận bảo vệ cho ý tưởng đó, họ không nên bước vào phòng họp của Apple.

Khắc nghiệt hơn nữa, mỗi người sẽ bị chất vấn chi tiết về phần việc mình đảm nhiệm. Dưới thời Jobs, ông đã khiến không ít thành viên phát khóc khi bị hỏi vặn đủ mọi ngóc ngách. Ở Apple, bước vào một cuộc họp, các thành viên phải chuẩn bị như trước khi ra điều trần trước Thượng viện Mỹ.

Còn tại Google, có hẳn một văn bản hướng dẫn các quy định về họp. Theo đó, các cuộc họp phải có một mục tiêu rõ ràng để chốt lại sau khi kết thúc. Mỗi cuộc họp không được quá 10 người tham gia. “Họp không phải là dịp để giao lưu tán gẫu hay vào đó xếp chỗ để duyệt đội danh dự”, bà Kristen Gil, Phó Chủ tịch phụ trách hoạt động kinh doanh của Google, cho biết.

Cuộc họp ở Google cũng không nhất thiết phải lên lịch trước. Họ chỉ họp khi cần thiết và khi đã có việc cần xử lý, họ tổ chức họp ngay lập tức. Và theo ý muốn của Larry Page, mọi thứ ở Google phải tập trung, đúng trọng tâm, kể cả những cuộc họp. Vì vậy những ý tưởng ngoài lề sẽ lập tức bị gạt đi, nhường chỗ cho vấn đề duy nhất cần xử lý.

Trong khi đó ở Việt Nam, không ít người đi họp chủ yếu là ngồi một chỗ, nghiêm túc lắng nghe và nhiệt tình hướng ứng bằng những tràng pháo tay. Có không ít cuộc họp kết thúc mà chẳng giải quyết được gì, không đạt được mục đích cụ thể nào. Đôi khi, cuộc họp ngay từ khi bắt đầu đã chẳng có mục đích cụ thể nào được nêu ra.

Hồng Quý (NCĐT)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Xem Thêm >>
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.