Cập nhật 13/02/2013 6:49 AM
Khối ngoại là nhân tố góp phần làm nóng thị trường chứng khoán cuối năm, nhưng theo TS Alan Phan, lượng tiền họ rót vào Việt Nam chỉ bằng một phần mười các nước khác trong khu vực.

Cựu chủ tịch Quỹ đầu tư Viasa tại Hong Kong và Thượng Hải Alan Phan trao đổi về xu hướng đầu tư của các nhà đầu tư nước ngoài năm 2013.

- 2012 là một năm sóng gió với thị trường chứng khoán Việt Nam, các chỉ số theo nhau lập đáy mới. Theo ông, đâu là yếu tố gây khó khăn nhất cho thị trường?

- Thực tại, kinh tế Việt Nam đang thể hiện qua thị trường chứng khoán là rất yếu. Nguyên nhân chính bắt nguồn từ sự yếu kém nội tại của phần lớn công ty niêm yết, chỉ số tài chính chưa đảm bảo, cộng thêm những vấn đề như nợ xấu, tài sản bị thổi phồng.. Tất cả những khuyết điểm này bị phơi bày vào cùng một thời điểm nhất định tạo nên sự khó khăn của thị trường.

Kết quả kinh doanh trong năm 2012 chủ yếu đã thể hiện thực tại nền kinh tế đang bị suy thoái và giảm phát. Thông thường trên thế giới, sự tiên đoán của thị trường chứng khoán đối với nền kinh tế thường đi trước 2 năm. Chẳng hạn, nếu năm nay thị trường giảm, nền kinh tế cũng sẽ có nguy cơ suy thoái trong 2 năm tới. Khi thị trường khởi sắc, nền kinh tế lại bắt đầu hồi phục theo chu kỳ trong 2 năm.

Tuy nhiên, ở Việt Nam, thị trường chứng khoán nói riêng cũng như nền kinh tế nói chung lại không đi theo quy luật này do sự can thiệp của biện pháp hành chính, những người đầu cơ và số liệu thống kê không chính xác. Do đó khó có thể áp dụng nguyên tắc của những thị trường nước ngoài để tiên đoán chứng khoán trong nước. Nhìn chung, thị trường Việt Nam thường thể hiện biến động, ảnh hưởng ngay lập tức và không cần tới yếu tố thời gian hay môi trường.

- Trong bối cảnh khó khăn đó, khối ngoại lại liên tục mua ròng phần lớn những mã ưa thích lại có nhiều cổ phiếu mang tính rủi ro cao như ngân hàng, bất động sản. Ông lý giải hiện tượng này thế nào?

- Tôi thấy chiến lược khôn ngoan nhất là việc đầu tư dài hạn vào các công ty thuộc những ngành có triển vọng. Thương vụ mua cổ phần Masan của Quỹ đầu tư KKR & Co là một ví dụ. Họ đã đánh cược dài hạn vào một doanh nghiệp có khả năng mang lại lợi nhuận trong 5-10 năm nữa, cũng giống như những nhà đầu tư từng đánh cược thành công vào Công ty Vinamilk. Còn trường hợp khối ngoại đột nhiên mua ồ ạt cổ phiếu ngân hàng, bất động sản như thời gian vừa qua chỉ nên xem là hiện tượng trong ngắn hạn.

- Theo ông, khẩu vị đầu tư của khối ngoại trong năm 2013 sẽ có gì mới?

- Thực tình khẩu vị nhà đầu tư trong nước cũng như trên thế giới là như nhau, không thay đổi gì nhiều. Trên thị trường luôn có những quỹ đánh ngắn hạn theo cơ hội và cũng có những quỹ đầu tư dài hạn. Các loại hình đa dạng và đan xen nhau, giống như khi vào sòng bài, nhiều người đánh theo các lối khác nhau. Họ cũng không có nguyên tắc chung nào về việc mua cổ phiếu và giữ trong khoảng 2-3 năm rồi mới bán chốt lời.

- Nhà đầu tư nước ngoài nhìn nhận thế nào về tiềm năng tăng trưởng trên thị trường chứng khoán Việt Nam?

- Hiện tại, Việt Nam chưa phải là điểm đến hấp dẫn nhất cho khối ngoại. So với các quốc gia khác trong khu vực như Philippines, Singapore, Indonesia, Thái Lan, khối lượng đầu tư tại Việt Nam có phần kém hơn. Bối cảnh thực tế cho thấy, châu Âu đang kiệt sức, Nhật bị phá giá đồng tiền, kinh tế Mỹ lại èo uột, do đó lượng tiền dư thừa trên thế giới là rất nhiều. Khi những nhà đầu tư ngoại đến khu vực Đông Nam Á, họ nhận thấy địa điểm nóng thị trường đang nằm ở Indonesia, Thái Lan và Philippines. Lượng tiền khối ngoại gom trên thị trường Việt Nam thời gian qua chiếm một phần rất nhỏ, chỉ bằng 12-14% so với số tiền đổ vào thị trường Indonesia.

Ngoài ra, ngay cả Lào và Campuchia cũng đang là những thị trường "hot" do Trung Quốc dự kiến sẽ đầu tư rất nhiều tiền cho những quốc gia này để tăng tầm ảnh hưởng trong các năm tới. Tôi đánh giá triển vọng kinh tế của Lào và Campuchia sẽ rất tốt trong tương lai.

- Ông đánh giá thế nào về triển vọng của kinh tế Việt Nam năm 2013?

- Tôi nghĩ kinh tế vĩ mô Việt Nam sẽ không có thay đổi gì nhiều do hiện nay kinh tế toàn cầu cũng chưa tìm thấy bước tiến. 2013 sẽ là một năm đi ngang, do đó Việt Nam cũng khó tìm được sự hỗ trợ, giúp ích từ kinh tế thế giới. Tôi cho rằng những yếu kém về vĩ mô của Việt Nam sẽ còn tiếp tục trong năm 2013.

- Theo ông, ngành nào sẽ có triển vọng tốt nhất trên thị trường chứng khoán Việt Nam năm 2013?

- Tôi thấy ngành Tiêu dùng có triển vọng tốt nhất, vì dân số Việt Nam tăng nhanh và có nhiều nhu cầu về sản phẩm. Ngoài ra, những dịch vụ về giáo dục, y tế cũng đang dần cải thiện khiến lĩnh vực này có nhiều tín hiệu khởi sắc. Trong khi đó, ngành Nông nghiệp lại bị phụ thuộc theo giá thị trường thế giới, rất khó nắm bắt.

Cá nhân tôi thích lĩnh vực Công nghệ thông tin (IT), tuy nhiên ngành này lại chưa phát triển ở Việt Nam do còn vướng 2 rào cản lớn. Thứ nhất, vấn đề bản quyền công nghệ tại Việt Nam chưa thực sự có chỗ đứng, thứ hai là thị trường IT trong nước còn quá hạn hẹp. Nếu nói về gia công phần mềm cho các nước khác, thị trường còn có thể tăng thêm chút đỉnh, nhưng để bán sản phẩm trong nước thì lĩnh vực IT lại không có nhiều cơ hội.

- Ông có lời khuyên gì đến các nhà đầu tư Việt Nam hiện nay?

Tôi nghĩ người Việt Nam rất khôn ngoan, họ nắm chắc tình hình địa phương, biết rõ cách kiếm tiền và hiểu những đặc thù của thị trường. Điểm yếu của họ là tâm lý bầy đàn và hay đánh theo tin đồn, nhất là từ các "đội lái tầu". Đây là một canh bạc mà nếu thiếu thông tin chính xác, các nhà đầu tư sẽ là người bị "móc túi" nhiều nhất.

Theo Tường Vi (VnExpress)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Xem Thêm >>
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu Việt Nam. Cung cấp thông tin bất động sản, thông tin mới nhất thị trường nhà đất và mua bán nhà đất tại Việt Nam. Network CafeLand gồm có: CafeLand Nhà Đất, CafeLand TV, CafeLand Map, CafeLand Proptech….