Năm 2013, châu Á đã đạt tăng trưởng cao nhất về số lượng tỷ phú, bất chấp những bất ổn kinh tế, theo báo cáo của hãng tư vấn Wealth-X và ngân hàng Thụy Sỹ UBS.

Theo báo cáo này, khu vực châu Á đã có thêm 18 tỷ phú trong năm, tăng 3,7% so với năm 2012, và tổng tài sản của các tỷ phú trong khu vực này tăng 13%. Với những số liệu này, châu Á đã trở thành khu vực có tăng trưởng cao nhất về số lượng các tỷ phú trong năm vừa qua.

Báo cáo đánh giá rằng, châu Á đã tạo ra sự chuyển dịch cơ cấu tài sản toàn cầu, và thậm chí ước tính khu vực này sẽ bắt kịp Bắc Mỹ trong 5 năm tới.

Hồi giữa năm 2013, Tạp chí Forbes đã điểm tên khoảng 20 tỷ phú mới nổi bật nhất của năm 2013, trong đó có 4 nhân vật châu Á đến từ Singapore, Hong Kong, Trung Quốc và Việt Nam. Những nhân vật này đang kinh doanh trong các lĩnh vực tăng trưởng mạnh mẽ của châu Á như bất động sản hay điện thoại di động.

Phạm Nhật Vượng là nhân vật đầu tiên của Việt Nam được liệt kê trong danh sách tỷ phú của Forbes, và cũng là người được liệt kê trong danh sách các tỷ phú nổi bật nói trên. Lập nghiệp từ kinh doanh mỳ gói ở Ukraine, đến nay người đàn ông 44 tuổi này đã là chủ sở hữu của tập đoàn bất động sản đứng đầu Việt Nam Vingroup. Cá nhân ông sở hữu khối tài sản ròng lên tới 1,5 tỷ USD.

Cũng nhờ kinh doanh bất động sản, hai tỷ phú châu Á khác cũng đã lần đầu góp mặt trong danh sách của Forbes trong năm qua. Hai tỷ phú này là ông Koh Wee Meng người Singapore, tài sản ròng 1,4 tỷ USD và bà Pollyanna Chu người Hong Kong, tài sản ròng 1 tỷ USD.

Sự góp mặt của bà Chu có sự đóng góp lớn của thị trường chứng khoán: bà Chu nói, bà không hề biết gì về cổ phiếu và sàn giao dịch cho đến khi trở lại Hong Kong hồi năm 1992, sau khi học đại học ở California và làm việc cho một hãng bất động sản Mỹ. Và tại quê nhà, giá trị cổ phiếu của bà tại tập đoàn Kingston Financial - một trong những hãng môi giới nhà đất lớn nhất Hong Kong và là nơi bà đang giữ vai trò CEO - đã tăng vọt, đưa bà trở thành nữ tỷ phú mới của châu Á.

Nhưng tài sản của ba “trùm” bất động sản này vẫn thấp hơn tổng tài sản của một doanh nhân kinh doanh điện thoại di động tại Trung Quốc. Lôi Quân, người được coi là phiên bản Steve Jobs của Trung Quốc, hiện đang sở hữu khối tài sản ròng 3,85 tỷ USD nhờ vào sự tăng trưởng nhanh chóng của hãng điện thoại di động mà ông đang điều hành.

Bên cạnh hiện tượng châu Á, năm 2013 tiếp tục chứng kiến thêm hàng trăm doanh nhân trở thành tỷ phú trên khắp thế giới. Phần lớn những doanh nhân này kinh doanh trong các lĩnh vực đại chúng như bán lẻ, sản xuất đồ gia dụng, phân phối đồ điện tử...

Tại Trung Đông, tỷ phú Ấn Độ M.A. Yusuff Ali trong năm qua đã báo cáo tài sản ròng đạt 1,5 tỷ USD, nhờ vào hãng bán lẻ mà ông đang điều hành đạt doanh thu lên tới 4,25 tỷ USD - hãng này cũng đã được Deloitte xếp vào một trong những hãng bán lẻ tăng trưởng nhanh nhất trên thế giới. Tại Thụy Sỹ, doanh nhân Michael Pieper đạt tài sản ròng 2 tỷ USD nhờ kinh doanh đồ gia dụng với doanh thu hàng tỷ USD mỗi năm.

Binod Chaudhary, doanh nhân đang kinh doanh đa ngành từ thực phẩm, xi-măng, năng lượng, đồ điện tử cho tới bất động sản, khách sạn và ngân hàng, trong năm qua đã trở thành tỷ phú đầu tiên của Nepal với tài sản ròng 1 tỷ USD.

Một số doanh nhân khác đến từ ngành công nghiệp thực phẩm. Ronald Joyce, ông chủ của chuỗi cửa hàng bánh doughnut Canada, đã góp mặt trong danh sách tỷ phú năm vừa rồi với khối tài sản ròng 1,2 tỷ USD. Hamdi Ulukaya, doanh nhân Thổ Nhĩ Kỳ kinh doanh sữa chua, cũng trở thành tỷ phú với tài sản ròng 1,1 tỷ USD - ông hiện đang là chủ tịch và CEO của nhà sản xuất sữa chua Hy Lạp Chobani Inc., đặt trụ sở tại New York với doanh thu hàng năm đã tăng lên gần 1 tỷ USD.

Ngành sản xuất máy quay đem lại cho tỷ phú mới Nicholas Woodman khối tài sản ròng 1,3 tỷ USD. GoPro, hãng mà Woodman sáng lập và đang điều hành, hiện đã trở thành công ty sản xuất máy quay lớn nhất trên thế giới. Hồi tháng 12/2012, hãng sản xuất điện tử Đài Loan Foxconn đã mua 8,88% cổ phần của công ty này với giá 200 triệu USD, đưa giá trị của cả công ty lên 2,25 tỷ USD và đồng thời đưa Woodman vào danh sách tỷ phú thế giới.

Trong khi đó, ngành kinh doanh truyền hình lại đem đến cho tỷ phú Brazil Silvio Santos khối tài sản ròng 1,3 tỷ USD. Tập đoàn Silvio Santos của ông đang điều hành hơn 30 công ty và thu về doanh thu hàng năm lên tới 2 tỷ USD. Tài sản lớn nhất của ông là SBT, hãng truyền hình lớn thứ ba của Brazil.

Nhưng bên cạnh đó, ngay trong cơn suy thoái toàn cầu kéo dài khiến cơ man người mất việc và cắt giảm chi tiêu, vẫn có cả sự nổi lên của các tỷ phú của ngành công nghiệp xa xỉ phẩm.

Năm 2013 chứng kiến sự góp mặt của cặp doanh nhân nổi tiếng của ngành thời trang Domenico Dolce & Stefano Gabbana - với tài sản ròng 2 tỷ USD mỗi người. Hai nhà thiết kế người Ý nổi tiếng này là chủ sở hữu của thương hiệu thời trang lừng danh thế giới Dolce & Gabbana. Cặp đôi này gia nhập danh sách tỷ phú thế giới sau khi doanh thu của Dolce & Gabbana tăng vọt trong năm trước đó. Sau 28 năm hai người đàn ông tài hoa này khai trương công ty thời trang, đến nay các mẫu thời trang sặc sỡ của hãng này đã trở thành xu hướng chính trên cả các sàn diễn thời trang lẫn tại các bữa tiệc.

Cũng đến từ nước Ý, tỷ phú Renzo Rosso, chủ của một tập đoàn bán lẻ sở hữu một loạt các thương hiệu thời trang cao cấp đã báo cáo tài sản ròng 3 tỷ USD trong năm qua. Bên cạnh đó, Fernando Belmont, người Peru, điều hành hãng mỹ phẩm có mạng lưới trải dài vươn ra ngoài lãnh thổ Peru tới tận Tây Ban Nha và 8 nước Mỹ La Tinh, đã báo cáo tài sản ròng 2,2 tỷ USD.

Tory Burch, bà chủ Mỹ của Fashion Queen góp mặt danh sách tỷ phú với tài sản ròng 1 tỷ USD. Người phụ nữ này đã đạt được tăng trưởng kinh ngạc cho thương hiệu thời trang nữ phong cách bohemian - doanh thu của hãng này đã lên tới 800 triệu USD trong năm 2012. Burch cũng là nữ tỷ phú trẻ thứ hai trong số các tỷ phú tự lập nghiệp của Mỹ. Hồi tháng 12/2012, chồng cũ của bà đã bán số cổ phần ở Công ty, và dựa trên mức giá này, tổng giá trị của Công ty đã được định ở mức 3 tỷ USD, đưa bà vào danh sách tỷ phú mới của năm 2013.

Một điểm thú vị trong bức tranh tỷ phú nữa, đó là kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2009 đến nay, đã có thêm 810 người trở thành tỷ phú thế giới. Tính đến hết năm 2013, số lượng tỷ phú thế giới đã đạt con số kỷ lục 2.170.

Giá trị tài sản ròng trung bình của những người này là 3 tỷ USD/người. Tổng tài sản ròng của các tỷ phú đã gần như gấp đôi từ con số 3.100 tỷ USD hồi năm 2009 lên đến 6.500 tỷ USD trong năm 2013 - đủ để bù đắp thâm hụt ngân sách nước Mỹ cho đến năm 2024, và lớn hơn GDP của tất cả các quốc gia trừ hai nước Mỹ và Trung Quốc.

Châu Âu hiện đang có nhiều tỷ phú nhất (gồm 766 người), tuy nhiên, tổng tài sản của các tỷ phú Mỹ lại lớn nhất, đạt 2.158 tỷ USD.

Báo cáo của Wealth-X và ngân hàng Thụy Sỹ UBS cho thấy, khoảng 60% tỷ phú hiện nay tự lập nghiệp, 40% còn lại là nhờ thừa kế tài sản hoặc phát triển sự nghiệp nhờ thừa kế tài sản. Chỉ có 17% các nữ tỷ phú là tự lập nghiệp, còn lại đến 71% là nhờ thừa kế.

Quang Minh (Báo Đầu tư)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Xem Thêm >>
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.