Xét đến cấu trúc nhân khẩu học của Nhật - nền kinh tế phát triển lâu đời nhất thế giới – tình trạng thiếu hụt lao động sẽ chỉ ngày một tồi tệ hơn.
Ảnh: Japan Times
Nhiều người Nhật nhìn vào sự chia rẽ sâu sắc trong xã hội phương Tây xung quanh vấn đề nhập cư và kết luận rằng họ nên tránh chính sách cởi mở hơn. Cho đến nay, việc nới lỏng chính sách nhập cư chưa dẫn đến các vấn đề xã hội.
“Cũng giống như nhiều nước khác, Nhật cũng có nhiều vấn đề phân biệt chủng tộc, thế nhưng chưa có nhiều tệ nạn và phát ngôn thù hận, vấn đề này cũng chưa bị chính trị hóa. Chưa đảng nảo nói đến chủ nghĩa bài ngoại”, theo khẳng định của giáo sư đại học Temple, ông Jeff Kingston.
Nhật đang đối diện với tình trạng thiếu lao động tồi tệ nhất trong nhiều thập kỷ, cộng đồng doanh nghiệp muốn Thủ tướng Abe đưa ra thêm nhiều chính sách hút lao động. Tỷ lệ thất nghiệp tại Nhật hiện ở mức 2,5%, thấp nhất trong 25 năm. Giờ đây cứ mỗi người tìm việc thì có đến 1,59 việc làm trống, tỷ lệ cao nhất từ năm 1974.
Xét đến cấu trúc nhân khẩu học của Nhật - nền kinh tế phát triển lâu đời nhất thế giới – tình trạng thiếu hụt lao động sẽ chỉ ngày một tồi tệ hơn. Tổng dân số trong độ tuổi lao động của Nhật, được định nghĩa từ 15 đến 64 tuổi, dự kiến sẽ giảm 40% xuống 45 triệu trong vòng 50 năm tới. Ngược lại, số những người trên tuổi 75, được xếp vào nhóm siêu già, dự kiến sẽ chiếm hơn 25% tổng dân số.
Ngành nông nghiệp chịu tác động nặng nề nhất từ tình trạng thiếu lao động, tuổi trung bình của người lao động trong ngành này hiện đã 67 tuổi; 60% người lao động trong ngành hiện từ 65 tuổi trở lên. Phần lớn người trẻ tuổi đã rời thành phố để kiếm cơ hội việc làm lương cao ở các thành phố.
Tỉnh Ibaraki, tỉnh nông nghiệp lớn thứ 2 của Nhật, chương trình tu nghiệp sinh của chính phủ Nhật đã giúp cho nông dân tỉnh duy trì được sinh kế.
Ông Kota Hirohara năm nay 56 tuổi, ông trồng bắp cải trong nông trại nhỏ của mình. Một ngày tháng Năm gần đây, hai tu nghiệp sinh người Indonesia đã đến đây làm nông nghiệp cùng với ông. Theo ông Hirohara, nông trại của ông không đủ lớn để cần đến việc mua một chiếc máy thu hoạch bắp cải đắt tiền.
Hai tu nghiệp sinh người Indonesia, anh Muhamad Irvan Gustian và anh Farruq Fahlevi, năm nay đều mới 21 tuổi có thể thu hoạch khoảng 4.000 cây bắp cải trong một ngày làm việc 8 tiếng. Họ đồng thời dọn ruộng, phun thuốc trừ sâu và chăm sóc cà chua trong nhà kính, nhiệt độ nơi này vào mùa hè có thể lên đến 40 độ C.
Gustian đi chương trình tu nghiệp sinh bởi anh không thể tìm được việc làm ở Indonesia ngoài công việc đồng áng của gia đình. Anh chỉ nói được tiếng Nhật cơ bản thông qua những bộ phim anime mà anh từng xem.
Nông trại này nằm ở khu vực khá xa, không có nhiều hoạt động giải trí xung quanh, chính vì vậy anh Gustian cũng không có nhiều lựa chọn để đi làm thêm, học hoặc gặp một số tu nghiệp sinh người Indonesia trong vùng.
“Tôi không có bạn gái. Tôi muốn được làm thêm nhiều việc”. Anh cho biết một ngày nào đó anh muốn điều hành một nông trại lớn ở Indonesia, có thể trồng cà phê hoặc lúa gạo.
Các khu vực nông thôn của Nhật thiếu trầm trọng lao động, thế nhưng các khu vực thành thị cũng không khác nhiều. Công ty Shigeru sản xuất phụ tùng ô tô Subaru ở thành phố Ota, tỉnh Gunma giờ đã tuyển 93 người lao động nước ngoài để làm việc với tổng số 1.040 người lao động Nhật của công ty.
Công ty này thường tuyển người Nhật làm việc bán thời gian, thế nhưng giờ đây công ty thích tuyển tu nghiệp sinh nước ngoài hơn, bởi theo lý giải của quản lý công ty, tu nghiệp sinh nước ngoài đáng tin cậy hơn bởi họ thường làm việc đến 3 năm trong khi đó người Nhật thường bỏ việc khi họ kiếm được công việc tốt hơn.
Tu nghiệp sinh cũng không có lựa chọn khác: Chương trình tu nghiệp sinh của chính phủ yêu cầu họ phải làm việc trong một công ty liên tục 3 năm. Việc họ không thể đi nơi nào khác khiến quyền lực của người chủ càng lớn hơn, trong một số trường hợp dẫn đến tình trạng lạm dụng sức lao động, không trả lương ngoài giờ hoặc trả lương quá thấp, theo khẳng định của luật sư có nhiều kinh nghiệm về thị trường lao động, ông Kosuke Oie.
Tu nghiệp sinh không được phép trở về nước trước khi thời hạn lao động 3 năm kết thúc và bị cấm có con, họ không thể đưa vợ/chồng sang Nhật.
Trong quá khứ, chương trình tu nghiệp sinh được thực hiện bởi một số tổ chức ở nước tuyển dụng lao động, họ thường tính phí rất cao, nhiều khi lên đến hơn 10 nghìn USD và thậm chí lấy cả tiền đặt cọc nếu tu nghiệp sinh bỏ về trước thời hạn.
Áp lực quốc tế và truyền thông dâng cao buộc Nhật phải thay đổi chính sách. Tháng 11/2017, theo quy định mới, chỉ những tổ chức được cấp phép mới có thể tham gia vào chương trình tu nghiệp sinh. Hệ thống tuyển dụng mới đã mang đến nhiều sự bảo vệ hơn cho người lao động. Một cơ quan của chính phủ sẽ được phép tiến hành các cuộc kiểm tra ngẫu nhiên.
Người lao động khi gặp rắc rối có thể báo cáo lên cơ quan chức năng thông qua email, đường dây nóng hoặc website. Phần lớn tu nghiệp sinh có điện thoại thông minh, kết nối wifi trong nơi ở.
Trung Mến (BizLive)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Xem Thêm >>
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.