Sinh ra và lớn lên ở làng quê La Khê, xã Hương Vinh, Hương Trà, Thừa Thiên Huế. Vừa đối mặt với cuộc đời, Hồ Văn Trung đã sớm phải gánh chịu nỗi mất mát quá lớn: Buổi sáng mẹ vừa nuốt ngược nước mắt vào trong khi hay tin chồng mất thì buổi chiều mẹ đón nhận tiếng khóc chào đời của anh.

Tác giả cuốn tự truyện "Gian Truân Chỉ Là Thử Thách"- Doanh nhân Hồ Văn Trung

Chịu cảnh mồ côi ngay từ lúc lọt lòng nhưng cuộc đời không làm Hồ Văn Trung ngã gục mà chính những khó khăn, mất mát đó đã tôi rèn anh trở thành một ông chủ tập đoàn thành đạt như ngày hôm nay.

Qua những trang viết của mình trong cuốn tự truyện "Gian Truân Chỉ Là Thử Thách" do First News giới thiệu, doanh nhân Hồ Văn Trung đưa người đọc về những ngày gian khó và đầy nhọc nhằn nơi vùng quê La Khê mênh mông ruộng đồng, sông nước. Ở đó, anh cùng người mẹ và người chị gái lớn hơn anh 5 tuổi sống cùng nhau trong một túp lều dựng tạm, không có bất kỳ một tài sản nào, kể cả ruộng vườn và trâu bò. Điều quý giá nhất mà anh có, là tấm lòng bao la của người mẹ nghèo. Vì muốn các con có chữ nghĩa bằng bạn bằng bè, có cuộc sống tốt đẹp hơn, người mẹ đó đã không nề hà việc gì, từ dãi nắng dầm sương ngoài đồng ruộng đến làm thuê, ở đợ cho người ta, lấy tiền nuôi con ăn học.

Có lẽ sinh ra trong gia đình khó khăn, sớm chịu cảnh mồ côi nên ý thức của anh về hoàn cảnh gia đình cũng hình thành sớm hơn. Ngay từ nhỏ, Hồ Văn Trung đã biết làm việc để phụ giúp mẹ và chị, chấp nhận quần áo rách, bụng đói đến trường. 7 năm trời ròng rã, ngày nào cũng như ngày nào dù mưa hay nắng, trên con đường lầm lụi của miền quê nghèo ấy, người ta thấy một cậu bé sải bước suốt gần 20 cây số để đến trường. Anh thức dậy lúc con gà trên chuồng cất tiếng gáy đầu tiên và trở về nhà khi làng xóm đã lên đèn. Vất vả, cơ cực là vậy mà anh vẫn viết: “Chúng ta không thể quyết định nơi mình sinh ra hay hoàn cảnh nào sẽ nuôi dưỡng mình. Sinh ra trong một hoàn cảnh éo le, lớn lên trong thiếu ăn, đói khổ nhưng hơn hết, tôi lại thấy mình là một đứa trẻ may mắn”.

May mắn vì chính hoàn cảnh khó khăn, thiếu thốn đó đã tạo nên động lực để Hồ Văn Trung quyết tâm thoát ra khỏi nghịch cảnh mà số phận ngỡ tưởng đã an bài cho anh. Anh nhận ra chỉ có học vấn mới giúp anh thực hiện quyết tâm đó. Vốn là một cậu bé thông minh, sáng dạ cộng thêm quyết tâm thoát nghèo luôn sôi sục trong lòng, Hồ Văn Trung đã xuất sắc trải qua các kỳ thi như đệ thất, tú tài bán, tú tài toàn rồi vào trường đại học mà lúc bấy giờ không phải ai cũng làm được điều đó.

Học ở trường Đại học Huế được một năm, Hồ Văn Trung lại nung nấu ý định vào Sài Gòn với một niềm tin rằng “bầu trời không thể mãi tối đen, phải đến lúc ánh mặt trời hé dạng” và “phía cuối đường hầm sẽ có ánh sáng của hy vọng”. “Giấc mơ Sài Gòn” được anh lý giải: “Đó là nơi chứa đựng bao thứ tươi đẹp mà một người trẻ như tôi luôn khao khát đặt chân đến. Là mảnh đất phồn hoa, trù phú, là niềm hy vọng của biết bao nhiêu người ở tỉnh lẻ”.

Không “tươi đẹp” như hình dung, cuộc sống những ngày đầu ở Sài Gòn của Hồ Văn Trung lại là chuỗi ngày lang bạt với cái bụng lúc nào cũng trong tình trạng lép kẹp. Thậm chí có lần vì không chịu nổi, anh đã ngất xỉu trong nhà học trò mà mình đang dạy kèm. Chật vật xoay xở ở Sài Gòn, cùng với sự giúp đỡ của một gia đình cùng quê, Hồ Văn Trung đã ổn định được cuộc sống của mình và tiếp tục học ở trường Đại học Khoa học Sài Gòn. Đây cũng chính là bước ngoặt dẫn anh vào con đường mới, một định hướng mới với bao thăng trầm nổi trôi theo vận nước.

Những năm đầu thập niên 70, khi tình hình trong nước đầy hỗn loạn, tình trạng chiến tranh ngày càng khốc liệt, cũng như bao thanh niên trong thời loạn ấy, anh sinh viên Hồ Văn Trung đã dấn thân vào đấu tranh để mong tìm một niềm hòa bình cho đất nước, nhưng không may cuộc đời trôi nổi lại đẩy anh vào vòng tù tội. Năm 1974- 1975, Hồ Văn Trung đi tù lần thứ nhất vì tham gia đảo chính Nguyễn Văn Thiệu. Năm 1975- 1979, anh đi tù lần thứ hai vì bị tình nghi là gián điệp. Năm 1979, anh đi tù lần thứ ba vì bị cho là thuộc thành phần nguy hiểm. Không cam phận, Hồ Văn Trung đã tham gia một cuộc trốn trại nghẹt thở, sống ngoài vòng pháp luật và nung nấu ý định đi về miền đất hứa để có một tương lai tươi sáng. Vượt qua những ngày lênh đênh trên biển, có lúc tưởng như đã cận kề cái chết khi gặp sóng dữ, không xác định được phương hướng và tuyệt vọng nhất là lúc gặp hải tặc. Nhưng vượt qua những gian nan và nguy hiểm, vượt qua cái chết cận kề, cuối cùng anh và người bạn đời của mình đã được đặt chân lên nước Úc. Hai vợ chồng lại tiếp tục chuỗi ngày vất vả mưu sinh với chồng chất nỗi thiếu thốn cả về vật chất lẫn tinh thần. Cũng có lúc, họ đã phải chịu cảnh tay trắng khi bị lừa hết tài sản.

Trong cuộc đời cay đắng của mình, doanh nhân Hồ Văn Trung đã dành rất nhiều trang viết để kể về người đàn bà có tên là Nguyễn Thị Minh Nguyệt- người đàn bà định mệnh của cuộc đời mà anh đã gặp trên môt chuyến xe đò đi về Bạc Liêu. "Đó là cô gái trẻ đẹp đương tuổi thanh xuân, lớn lên trong gia đình giàu có, cha học theo Tây, mẹ là người đẹp Thượng Hải. Cô sinh ra đã có dòng máu lai, lớn lên trong môi trường Việt Nam, học trung học ở trường Tống Phước Hiệp, Vĩnh Long, đậu tú tài vào lúc đất nước thống nhất."

"Khi ấy tôi là cậuthanh niên nghèo với hơn 5 năm vào tù ra khám nhiều lần. Tôi chẳng có gì ngoài những tấm áo rách đã vá hai lần, tài sản duy nhất là lòng quyết tâm, kiến thức và trí tuệ. Nhưng vào giai đoạn đó, mọi việc được đánh giá bằng tiền, bằng vàng, bằng quyền lực, không ai cần kiến thức. Thế mà cô gái ấy đã nhìn thấy những giá trị tiềm ẩn trong tôi, quyết định cùng tôi xây dựng sự nghiệp và đồng hành cùng tôi trong suốt gần 35 năm qua"...

Gấp lại cuốn "Gian Truân Chỉ Là Thử Thách", người đọc không khỏi ngạc nhiên vì đâu Hồ Văn Trung lại có đủ sức mạnh, ý chí để vượt qua những thử thách, khó khăn mà cuộc đời đã bày ra cho anh như vậy; để rồi nơi xứ người với hai bàn tay trắng, Hồ Văn Trung đã tự kiến tạo cho mình một gia đình hạnh phúc cùng một sự nghiệp vững vàng và bề thế. Năm 1980- 1989, anh định cư và xây dựng sự nghiệp ở Úc, trở lại Việt Nam trong phái đoàn Thương mại của Chính phủ Úc. Giờ đây, anh đã là ông chủ của tập đoàn Trangs có trụ sở và chi nhánh trên toàn cầu … Một điều đáng quý ở Hồ Văn Trung là khi đã thành danh ở xứ người, thì anh vẫn không quên Việt Nam - Nơi đã cho anh dáng vóc và hình hài. Anh trở về nước với lương tâm, với hoài bão để giúp cải thiện đất nước tốt hơn, nâng cao đời sống người dân và hy vọng họ sẽ tạo ra trên quê hương mình những thay đổi tích cực.

Suy cho cùng, đúng như tên của tự truyện - gian truân cũng chỉ là thử thách. Thành công sẽ đến với những ai biết đứng dậy, tự tìm con đường đi cho mình: “Tôi tin rằng cuộc đời có hai chữ “số phận” và “cơ hội”. Nhưng số phận và cơ hội tốt chỉ mở ra với những người biết tự định đoạt cuộc sống của mình, biết phấn đấu, học hỏi không ngừng để vươn lên. Không ai có cuộc đời hoàn hảo, không ai có thể chọn nơi mình sinh ra, nhưng chúng ta hoàn toàn có thể quyết định cuộc đời mình. Đừng bao giờ nản chí! Đừng bao giờ buông xuôi! Đừng bao giờ tuyệt vọng! Đừng bao giờ ngừng cố gắng và hy vọng vì chắc chắn thành công sẽ đến với những ai biết tạo ra cơ hội cho chính mình”.

Tự truyện Gian Truân Chỉ Là Thử Thách (NXB Thuận Hóa) của Hồ Văn Trung ra mắt đúng vào dịp kỷ niệm Ngày Doanh nhân Việt Nam 13-10 được xem như là một tiếng lòng luôn tha thiết với quê hương, bản quán, với những người thân yêu; đã trở thành hành trang giúp tác giả vượt qua những chông gai, thử thách của cuộc đời. Cuốn sách có ích cho nhiều người, nhất là đối với thế hệ trẻ muốn giữ gìn, nuôi dưỡng, vun đắp ước vọng vượt khó, vượt khổ để vươn tới thành công vì bản thân, gia đình và phụng sự xã hội.

Nhân dịp ra mắt tự truyện, với mong muốn được chia sẻ cùng những hoàn cảnh khó khăn giúp họ có thêm nghị lực vượt qua những thách thức trong cuộc sống, doanh nhân Hồ Văn Trung đã trao 21 suất học bổng cho học sinh nghèo hiếu học, mỗi suất trị giá 3.000.000 đồng; tặng sổ tiết kiệm cho nhà giáo ưu tú Nguyễn Ngọc Ký trị giá 40.000.000 triệu đồng; tặng học bổng Hạt giống Tâm hồn 30.000.000 đồng cho em Trần Quyết Thắng. Bên cạnh đó, tác giả cũng sẽ tặng hơn 800 cuốn sách Gian Truân Chỉ Là Thử Thách cho các báo, trại giam Z30D, người thân, bạn bè và sinh viên tại các trường đại học tại TP.HCM, Hà Nội, Hải Phòng, Huế, Đà Nẵng, Quy Nhơn, Cần Thơ… như một món quà nhằm động viên tinh thần vượt khó. Ngoài ra, tất cả số tiền bán sách, tác giả sẽ đóng góp vào quỹ từ thiện Trangs Foundation của tập đoàn TrangsGroup”.

Gấp lại cuốn tự truyện của ông chủ tập đoàn đa quốc gia - Doanh nhân Hồ Văn Trung, vẫn còn đây nỗi lòng đau đáu của anh với thế sự, với cuộc đời : "Với gần 60 năm cuộc đời, kể từ khi bắt đầu biết đi kiếm cơm để sống, lúc còn là cậu bé chưa đầy 4 tuổi đời, nhìn lại những ngày tuổi thơ chăn trâu, cắt cỏ rồi thoáng chốc đã 63 tuổi đời với gần 60 năm làm việc, tôi thật sự đã đi một đoạn đường rất dài mà khi ngoảnh lại, đôi lúc tôi không tin nổi".

"Tôi hãnh diện, tự hào vì tin rằng ít có người đã trải qua những gian truân trong cuộc đời, đã vượt qua tất cả sự nghèo đói để có chỗ đứng như hôm nay. Tôi tự hào và vui vẻ bàn giao một sự nghiệp, một tập doàn đã có chỗ đứng trên thương trường quốc tế cho thế hệ tiếp theo. Tôi tự hào để ghi lại cho thế hệ trẻ những hình ảnh phấn đấu, không đầu hàng, không bỏ cuộc. Dù trong bất cứ hoàn cảnh khó khăn nào, vẫn phải luôn nhìn về phía trước để có ngày vinh quang".

Thu Hiền (DĐDN)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
  • Từ cậu bé chăn trâu trở thành ông chủ tập đoàn đa quốc gia

    Từ cậu bé chăn trâu trở thành ông chủ tập đoàn đa quốc gia

    09/10/2013 8:49 AM

    Sinh ra và lớn lên ở làng quê La Khê, xã Hương Vinh, Hương Trà, Thừa Thiên Huế. Vừa đối mặt với cuộc đời, Hồ Văn Trung đã sớm phải gánh chịu nỗi mất mát quá lớn: Buổi sáng mẹ vừa nuốt ngược nước mắt vào trong khi hay tin chồng mất thì buổi chiều mẹ đón nhận tiếng khóc chào đời của anh.

Xem Thêm >>
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.