Việc chìm sâu trong "bom nợ 300 tỷ" của Evergrande khiến hình ảnh của tỷ phú Hứa Gia Ấn sụp độ, thậm chí bị chính những bạn bè thân cận quay lưng.

Câu chuyện "truyền kỳ" đi lên từ bàn tay trắng của ông Hứa Gia Ấn là biểu tượng cho sự trỗi dậy của kinh tế Trung Quốc. Ông thành lập China Evergrande vào năm 1996. Đến năm 2017, ông Hứa trở thành tỷ phú giàu nhất Trung Quốc và là nguồn cảm hứng, tấm gương cho giới trẻ nước này.

Tuy nhiên, sau khi tin tức về "bom nợ 300 tỷ USD" của Evergrande bị rò rỉ, ông Hứa bị các nhà đầu tư nhỏ lẻ của tập đoàn gọi là "kẻ ảo tưởng" và "lừa đảo".

Ông Hứa Gia Ấn, Chủ tịch China Evergrande Group. Ảnh: Baidu

Tình trạng hiện tại hoàn toàn trái ngược hình ảnh trước đó của ông Hứa, khi ông là nhân vật "máu mặt", được vây quanh bởi những tỷ phú lừng danh Trung Quốc và thậm chí có sự ủng hộ từ các lãnh đạo Trung Quốc.

Một nhóm tỷ phú gắn bó chặt chẽ dựa trên lợi ích, một số trong đó tụ họp với nhau qua dăm ba ván poker, đã bơm hàng tỷ USD vào Evergrande và các chi nhánh của tập đoàn này trong thập kỷ qua. Những vị tỷ phú này vừa là những bàn tay nâng đỡ ông Hứa Gia Ấn trong ván bài kinh doanh, nhưng cũng đóng vai trò không nhỏ trong sự thất bại lần này của ông. Dẫu vậy, họ vẫn tin rằng Evergrande đã phát triển "quá lớn để thất bại" và không thể dễ dàng sụp đổ.

Tuy nhiên, hiện tại, sau một vài tháng vật lộn, những người đã từng cười và tự tin kia, đã phải rút tay khỏi "nồi canh nóng Evergrande". Chính phủ Trung Quốc vẫn lựa chọn đứng yên quan sát. Trong khi, các đối thủ của Evergrande đang săn lùng những cơ hội để bá chiếm. Tương lai vực dậy công ty của ông Hứa thật sự vô vọng.

"Quan hệ là rất quan trọng ở Trung Quốc. Tuy nhiên, chúng tôi chắc chắn rằng vận may của Hứa Gia Ấn đã hết. Trung Quốc có vẻ sẽ không cứu các doanh nghiệp chìm trong nợ nần như cách mà Hứa khoe khoang", một nhà quản lý quỹ bán hết nợ của Evergrande hồi đầu năm cho biết.

Tòa nhà trung tâm China Evergrande tại bờ sông Wan Chai, Hong Kong, Trung Quốc. Ảnh: SCMP

Reuters đưa tin, Bắc Kinh đang thúc đẩy các nhà phát triển, bao gồm những công ty quốc doanh, mua một số dự án của China Evergrande. Truyền thông Trung Quốc cho biết, Hopson Development Holdings, một nhà phát triển có quy mô nhỏ hơn nhiều China Evergrande, đã đồng ý mua 51% cổ phần tại chi nhánh dịch vụ bất động sản của tập đoàn.

Tháng trước, nhóm cổ đông lớn thứ hai của China Evergrande, do vợ chồng tỷ phú Joseph Lau kiểm soát, đã tuyên bố kế hoạch rút lui. Nhóm này bao gồm tỷ phú Hong Kong Joseph Lau của Chinese Estates Holdings và Giám đốc điều hành China Estates Chan Hoi-wan, vợ tỷ phú Lau.

Được biết, ông Lau cũng là một trong những nhà đầu tư đầu tiên đăng ký mua 50 triệu USD cổ phiếu khi hãng bất động sản này IPO năm 2009. Hồi đầu năm nay, bà Chan cũng đầu tư 3 tỷ HKD (385,4 triệu USD) vào đơn vị xe điện của China Evergrande.

Ông Lau và vợ đã cố gắng bán đi 138 triệu cổ phiếu Evergrande với tổng giá trị 64 triệu USD trong những tháng qua. Hành động này khiến tỷ lệ nắm giữ cổ phần của hai vợ chồng giảm xuống còn 7,96%, đứng sau Hứa Gia Ấn với 70,7%.

Vợ chồng tỷ phú Joseph Lau - Chan Hoi-wan. Ảnh: Reuters

Ông Lau là một trong các thành viên của hội bạn yêu thích poker của ông Hứa, cùng với nhiều tỷ phú khác gồm Chủ tịch Henry Cheng và người đồng cấp tại C C Land Cheung Chung-kiu. Tất cả đều hiện diện chính trong các giao dịch của Evergrande.

Hồi tháng 1, ông Hứa đã bán 26 tỷ HKD (tương đương 3,4 tỷ USD) cổ phần trong startup xe điện của China Evergrande cho 6 nhà đầu tư. Giai đoạn lock-up (không rút được vốn đầu tư) kéo dài 12 tháng.

Nhóm 6 nhà đầu tư bao gồm ông Chen Hua, Chủ tịch Kingkey Group. Ông đã bỏ 5 tỷ HKD vào startup EV của ông Hứa thông qua một công ty con. Cá nhân ông Wong Kwong-miu, ông chủ Shenzhen Centralcon Investment Holding Co. (có trụ sở tại Trung Quốc đại lục), cũng đầu tư 5 tỷ HKD. Còn chủ tịch China Gas Holdings Ltd. Liu Minghui rót 3 tỷ HKD.

Shenzhen Greenwoods Investment Group của ông Wang Zhongming cũng đầu tư 5 tỷ USD. Trong khi đó, ông Wang Kaiguo đầu tư 5 tỷ HKD thông qua Heyirong International Trade Co.

Tất cả những người bạn giàu có của Hứa Gia Ấn đều đang quay lưng với ông Hứa vì đối mặt với thua lỗ khi trái phiếu Evergrande tụt dốc không phanh. Thậm chí, khi Evergrande vỡ nợ, những khoản nợ này sẽ trở thành "giấy vụn" theo đúng nghĩa đen.

Hồi tháng 8, ngay cả Xia Haijun, Phó chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành của Evergrande từ năm 2014, cũng đã bán 14,8 triệu USD cổ phiếu trong lĩnh vực ôtô điện và quản lý tài sản có trong tập đoàn.

Một showroom xe điện của China Evergrande. Ảnh: Reuters

Cuối tháng 9, Fitch Ratings hạ xếp hạng tín nhiệm của China Evergrande từ CC xuống C, gần với mức vỡ nợ. Cơ quan này dự báo các trái chủ chỉ có thể thu hồi ít hơn 10% khoản nợ.

Trung Quốc sẽ tái cơ cấu nợ của Evergrande trong một động thái được mô tả là "lớn nhất lịch sử". Tuy nhiên, đối tượng ưu tiên sẽ là những người mua nhà, các nhà cung ứng, nhà thầu và nhân viên. Các nhà đầu tư, bao gồm cả những người bạn chơi bài của tỷ phú họ Hứa, sẽ phải cầu may để mong tới lượt mình được cứu dù hy vọng đó vô cùng mong manh.

"Evergrande rất lớn nhưng nó chưa đủ lớn hoặc chưa đủ ảnh hưởng để tác động tới hệ thống. Vì nó là lớn nhất nên những tác động phía sau sẽ nhỏ hơn nhiều. Quả thực, nó không phải phần nổi của tảng băng trôi mà Trung Quốc đã biến nó thành một tảng băng trôi. Trung Quốc đã sẵn sàng chịu đựng những sóng gió mà tảng băng trôi này có thể mang lại", Charles Chang của S&P Global Ratings chia sẻ nhận định.

Hoa Vũ (Đời sống & Pháp luật)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Xem Thêm >>
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.