Thời buổi kinh tế khó khăn nhiều ông lớn ngân hàng cũng lâm vào tình trạng khốn đốn do nợ xấu ngập đầu, dòng tiền bị ảnh hưởng. Thậm chí nhiều ông phát ốm vì các khoản nợ khó đòi, còn dân nhà băng thị ngán ngẩm than rằng: “đứng cho vay, quỳ thu nợ” câu nói này quả không sai.

Hành trình “quỳ” thu nợ

Không phải năm 2013 mới rầm rộ các vụ thu nợ “kỳ lạ” của các ngân hàng, trước đó năm 2012 đã có một vụ ngân hàng thu hồi nợ mà báo Tuổi Trẻ đánh giá “như phim”.

2h sáng ngày 20/12/2012, vụ thu hồi nợ của ngân hàng Techcombank đối với tài sản của Công ty cổ phần Đồng Xanh (tại xã Đại Tân, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam) bị nhiều người dân phản ứng.

Nửa đêm, bất ngờ 47 thanh niên đến từ một công ty vệ sĩ ở TP.HCM xuất hiện bao vây nhà máy cồn ethanol của Công ty cổ phần Đồng Xanh không cho bất cứ một người dân nào ra vào, để thu hồi khoảng 1.400m3 cồn đang nằm trong nhà máy. Lúc nhóm thanh niên xuất hiện cùng hàng chục xe bồn chờ sẵn ở ngoài để vào hút cồn thì bị người dân ngăn cản, không cho đưa tài sản ra ngoài.

Khi công an đến nơi thì nhóm thanh niên cầm gậy tre, gỗ bao vây không cho người qua lại, các đối tượng này rất manh động, không coi chính quyền địa phương ra gì và có hành vi côn đồ.

Đến sáng, 21 người dân chờ gặp lãnh đạo công ty để đòi 21 tỉ đồng thì được biết công ty đã cho Techcombank xử lý thu hồi số cồn còn lại trong nhà máy bán để xử lý nợ xấu vào đêm qua rồi.

Đại diện ngân hàng bà Chu Ngọc Lan - giám đốc chi nhánh Techcombank Đà Nẵng - cho biết hiện Công ty cổ phần Đồng Xanh còn nợ của ngân hàng 152 tỉ đồng (đây là số tiền vay thế chấp từ tài sản là cồn và khoai mì lát). Vừa qua, công ty có thỏa thuận xử lý thu hồi nợ đối với tài sản thế chấp với ngân hàng. Theo bà Lan, ngân hàng có hợp đồng với Công ty Logistics LA+Techcombank. Còn Công ty Logistics LA+Techcombank có ký hợp đồng để thuê bên thứ ba thì đó là quyền của công ty, bên thứ ba có trách nhiệm thực hành theo pháp luật.

Đến năm 2013, cục “nợ xấu” tại các ngân hàng lần lượt bùng nổ. Tuy việc xử lý nợ xấu ở một số ngân hàng có nhiều chuyển biến tích cực, ví dụ như xử lý nợ xấu của ngân hàng SHB sau khi “rước” Habubank có vẻ như khá khả quan vì trong khoảng thời gian chưa đầy 1 năm SHB đã giảm tỷ lệ nợ xấu từ trên 13% về khoảng 8%, xem ra việc xử lý nợ đối với các ngân hàng có vẻ dễ dàng. Tuy nhiên, trên thực tế, ông Hiển- chủ tịch HĐQT SHB đã "ngày đêm đau khổ" với nhiệm vụ thu hồi nợ xấu. Phía SHB đã phải dùng đến rất nhiều hình thức kết hợp, từ việc vận động, rình rập, cho tới việc phải đưa ra tòa...mới mong thu hồi nợ xấu một cách nhanh nhất.

Bầu Kiên con nợ lớn của ngân hàng ACB

Thu hồi lượng tiền lớn nhất gần đây phải kể đến ngân hàng TMCP Á Châu (ACB). Trong kỳ đại hội cổ đông, khoản nợ xấu mà cổ đông quan tâm nhất là khoản tiền 7.400 tỷ đồng mà ông Nguyễn Đức Kiên nợ ACB. Theo lãnh đạo ACB, trước đây 6 công ty của ông Kiên có vay ACB hơn 9.400 tỷ đồng, sau đó ACB xử lý được hơn 2.000 tỷ và còn dư nợ 7.400 tỷ. Cũng may cho ACB, hiện khoản tài sản đảm bảo đủ để trừ khoản nợ này.

Còn ngân hàng Sacombank có lẽ cảm thấy nhẹ nhàng nhất khi đòi nợ gia đình ông Đặng Văn Thành, nguyên Chủ tịch HĐQT Sacombank (STB) khi STB ký một thỏa thuận cấn trừ nợ với ông Đặng Văn Thành và con trai là ông Đặng Hồng Anh vào ngày 5/12/2012. Theo đó, Sacombank đồng ý sử dụng khoản sở hữu vốn trong ngân hàng tương đương 7,435% (tương đương gần 80 triệu cổ phiếu) của ông Đặng Văn Thành và ông Đặng Hồng Anh để cấn trừ vào các khoản cho vay, đầu tư trái phiếu và phải thu khác với giá trị thỏa thuận là 1.596.853 triệu đồng (xấp xỉ gần 1.600 tỷ đồng).

Tuy nhiên, theo ông Đặng Văn Thành, khoản nợ trên đã có sự chủ động thỏa thuận giữa 2 bên là ông Thành và Sacombank. Các khoản nợ đều có thế chấp, đầy đủ giấy tờ và là nợ trong hạn. "Do cả hai bên cùng muốn xử lý dứt điểm nên đã chọn cách dùng cổ phiếu của chúng tôi tại ngân hàng để cấn qua", ông Thành cho biết.

VietinBank (Hải Phòng): Xiết nợ lăng mộ triệu đô

Bất cẩn, ngân hàng nhận thế chấp cả lăng mộ

Không nhẹ nhàng như cách của Sacombank, vụ xiết nợ của chi nhánh Vietinbank Lê Chân (Hải Phòng) đối với tài sản thế chấp là khu lăng mộ của một đại gia đất Cảng đang khiến dư luận xôn xao.

Theo như tường trình của gia đình ông Vũ Hồng Khánh thì cuối năm 2012, gia đình ông Vũ Hồng Khánh nhận được thông báo của Chi nhánh Ngân hàng Công Thương Việt Nam (VietinBank) Lê Chân - Hải Phòng siết nợ khu đất 350,2 m2 đất tại khu dân cư số 2 phường Lãm Hà, quận Kiến An. Nguyên nhân do ông Vũ Đức Hòa - Giám đốc DNTN Hoàng Đại, con trai ông Khánh mang giấy tờ đất đi cầm. Hiện nay, số gốc và lãi lên đấn 1.008 triệu đồng.

Theo ông Khánh đây là khu lăng mộ gia đình ông xây dựng từ lâu và để anh Vũ Đức Hòa, con trai trưởng, đứng tên với điều kiện không được sang nhượng, bán, cầm cố. Thế nhưng, anh Hòa đã mang đi cầm cố ngân hàng và ngân hàng đã đồng ý mà không xác minh.

Trước đó, 30/12/2011, Chi nhánh VietinBank Lê Chân đã ký hợp đồng thế chấp khu lăng mộ này để anh Hòa vay 1 tỉ đồng. Trong khi đó, doanh nghiệp do anh Hòa lập nên không hề có mặt bằng sản xuất, từ lâu đã không hoạt động, không có phát sinh thuế…vậy mà ngân hàng cũng đồng ý cho vay.

Cũng theo ông Khánh, suốt thời gian từ năm 2011 đến nay, gia đình ông không hề tiếp cán bộ nào của VietinBank đến thẩm định khu đất. "Nếu họ đến gặp gia đình chúng tôi hoặc đọc được chữ khắc trên lăng mộ thì đủ biết là đất này không thể được thế chấp", ông Khánh khẳng định.

Chậm trả nợ, ngân hàng "rình" bắt xe ô tô

Bất ngờ trước đòn đánh úp của ngân hàng

Sự việc xảy ra mới đây ngày 24/4 khi anh Lê Hưng Thịnh (thường trú tại phường Ngọc Thụy, Gia Lâm, Hà Nội) có việc đi Thái Nguyên đến tối mới về thì chiếc xe Huyndai Avante màu đen của mình không cánh mà bay. Hốt hoảng vì tưởng bị mất cắp, anh Thịnh lên công an phường trình báo vụ việc thì công an cho biết ngân hàng đã đến lập biên bản thu hồi chiếc xe.

Theo tìm hiểu được biết trước đó anh Thịnh có thế chấp chiếc xe ô tô trị giá 700 triệu đồng để vay 350 triệu đồng của ngân hàng Bảo Việt với thời hạn 3 năm. Hiện tại, anh Thịnh đã trả 100 triệu, số nợ cả gốc lẫn lãi là 284 triệu đồng.

Tuy nhiên, theo anh Thịnh việc ngân hàng thu hồi tài sản đảm bảo là chiếc xe mà không thông báo là sai luật. Đồng thời, kỳ hạn trả tổng số tiền vay của anh Thịnh là đến năm 2014 mới hết hạn.

Còn đại diện ngân hàng cho biết: Anh Thịnh đã chậm trả nợ từ tháng 6 năm ngoái tới nay nên khoản vay của khách hàng đã tự động chuyển sang nợ xấu theo quy định trong hợp đồng. Đồng thời ngân hàng đã nhiều lần thông báo cho anh Thịnh về việc chậm trả nợ gốc và lãi theo kỳ hạn hàng tháng nhưng anh Thịnh vẫn không trả lời lại. Nhân viên ngân hàng đã nhiều lần gọi điện, nhắn tin về việc sẽ thu hồi tài sản thế chấp nhưng không được hồi đáp. Đồng thời, anh Thịnh đã chuyển nhà đi nơi khác mà không có bất cứ thông báo nào với ngân hàng, cán bộ ngân hàng phải nhờ người thân quen mới biết được địa chỉ mới. Nhận thấy anh Thịnh có dấu hiệu không có khả năng trả nợ nên ngân hàng đã tiến hành thu hồi chiếc xe là đúng luật pháp quy định.

Ngân hàng dựng lều, mắc võng siết nợ

Sáng này 4/5, nhiều nhân viên ngân hàng khác nhau như Ngân hàng An Bình (ABB), Ngân hàng Đông Nam Á (SeABank)...tấp nập ra vào, chầu trực trước cổng Công ty CP XNK và SX Thương Mại Âu Mỹ (Công ty Âu Mỹ) dựng lều, mắc võng, trải phông bạt nằm trực chờ trước cổng công ty vay nợ để đòi tiền.

Một số ngân viên ngân hàng “nằm vùng” ở đây cho biết, Công ty Âu Mỹ đã vay lượng vốn không hề nhỏ của nhiều ngân hàng, nhưng hiện đang phải đối mặt với muôn vàn khó khăn và có nguy cơ phá sản. Khi công ty không còn khả năng chi trả, các ngân hàng này kéo đến nhà máy canh giữ số hàng hóa còn lại nằm trong kho của công ty. Bất kỳ ai có ý định chuyển số hàng ra ngoài cũng đều bị các ngân hàng chặn lại.

Thường việc canh giữ này được giao cho nhân viên hay bảo vệ, nhưng vào những ngày cuối tuần ngay cả “lãnh đạo” các ngân hàng cũng "phi" xuống. Xe máy, ô tô các loại cứ vào ra rầm rộ, đậu kín hai bên đường. Mỗi ngân hàng đứng một góc canh chừng lẫn nhau.

Sự dễ dãi trong các chính sách cho vay, cùng với sự bùng nổ của bất động sản và chứng khoán trong các năm trước đó đã khiến cho rất nhiều doanh nghiệp đầu tư tràn lan. Điều đáng nói là thực lực có hạn nhưng nhiều doanh nghiệp đã vận dụng nhiều chiêu thức để vay vốn ngân hàng, huy động tiền từ người dân, chiếm dụng vốn lẫn nhau chính điều này đã gây ra không ít cảnh “khóc dở mếu dở” khi “cơm không lành, canh không ngọt”.

Gia Bảo
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Xem Thêm >>
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.